Sau rất nhiều ý kiến tranh cãi, góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã đưa ra được phiên bản dự thảo lần thứ 5.
Được biết, ngày 2-11-2011, Bộ trưởng GD&ĐT sẽ báo cáo Quốc hội để xin ý kiến. Tuy nhiên, dự thảo lần này vẫn còn những vướng mắc.
Phụ huynh hồi hộp ngóng chờ thí sinh thi ĐH-CĐ tại Hà Nội năm 2011. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Chiều 26-10-2011, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã trả lời về những vấn đề chính đang gây bức xúc trong dư luận: Quyền tự chủ của các trường ĐH, cải tiến tuyển sinh.
Điều đầu tiên dư luận băn khoăn là về Hội đồng trường (HĐT). Đó là một tổ chức không thể thiếu được khi trao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ vì nó có nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội tốt nhất, độc lập với trường ĐH, CĐ nhưng Dự thảo Luật GDĐH lại cho phép giám đốc ĐH hoặc hiệu trưởng làm chủ tịch thì chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi.
Giải thích điều này, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, đó là một hội đồng và ông chủ tịch chỉ có một phiếu, chỉ là người đứng ra điều hành.
Giao quyền tự chủ đến đâu là câu hỏi được dư luận quan tâm, Thứ trưởng Ga nhấn mạnh: Việc trao quyền tự chủ cho các trường (đã được mở rộng rất nhiều, từ tự chủ về tài chính đến quyền được in phôi bằng, được quyền cấp bằng) sẽ được thực hiện theo lộ trình chứ không giao ngay lập tức và không giao đồng loạt, vì có những trường mới thành lập, năng lực quản lý còn thấp, nếu giao quyền tự chủ ngay sẽ gây hỗn loạn.
Một trong những thay đổi lần này là, ngành GD&ĐT đã chấp nhận sự phân tầng ĐH tách bạch hẳn thành các ĐH nghiên cứu, ĐH thực hành, ĐH đại trà. Theo đó Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các trường ĐHQG và ĐH vùng để thành ĐH nghiên cứu.
Ảnh: Hồng Vĩnh.
|
Về vấn đề tuyển sinh đang gây bức xúc, ông Ngô Kim Khôi (Vụ phó Giáo dục ĐH) cho biết: Nếu văn bản Dự thảo Luật GDĐH lần này được Quốc hội thông qua, ngành GD&ĐT sẽ giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường theo một lộ trình, tinh thần chung là: Những năm tới sẽ thực hiện 3 chung có điều chỉnh và sau đó dần trao quyền tự chủ cho các trường.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói: Sẽ giao cho một số trường ĐH hàng đầu đủ điều kiện tự tuyển sinh thí điểm trước và Bộ sẽ nghiên cứu để thay đổi từng bước”.
Một điểm mới của năm học này là, Bộ GD&ĐT bật đèn xanh cho các trường mở hệ đào tạo chất lượng cao, học phí cao. Học phí cao đến chừng nào, có đảm bảo chất lượng cao đúng như học phí không, liệu các trường có lợi dụng việc này… là các câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Trả lời, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: Các trường tự xây dựng chương trình, chi phí và công khai; sinh viên tự chọn nếu thấy đáp ứng được nhu cầu học tập thì học; nếu cao quá mà chất lượng không tốt thì sinh viên không lựa chọn.
Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục Bùi Anh Tuấn cũng cho biết: Dự thảo lần này là một bước tiến về kiểm định chất lượng vì đã bổ sung cụ thể hơn về các yếu tố đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng trong hệ thống giáo dục.
Vẫn thi ba chung và giữ điểm sàn
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga nói: Khi còn thi 3 chung thì phải có điểm sàn vì đó là ngưỡng tối thiểu mà thí sinh có thể học được bậc ĐH. Nếu lấy thấp hơn sẽ không đảm bảo được chất lượng. Nguồn nhân lực của chúng ta đang lệch pha quá nhiều (nhiều sinh viên ĐH, ít người học nghề). Do đó, những học sinh không đủ điểm vào ĐH thì nên đi học nghề.
Hơn thế nữa, hiện nay, chúng ta không kiểm soát được việc sàng lọc của các trường ngoài công lập. Nếu cho hết tất cả các thí sinh vào học, không sàng lọc, chất lượng sẽ không đảm bảo.
Theo Thứ trưởng Ga, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu Quyết định 121 của Chính phủ về quy hoạch mạng lưới để điều chỉnh hệ thống các trường ĐH phù hợp, tránh đào tạo ra một số ngành nghề dư thừa như hiện nay.
Sẽ không thành lập nhiều trường ĐH và thành lập với tốc độ nhanh nữa vì thực tế cho thấy thành lập thì dễ, chỉ đủ điều kiện là được, nhưng, để có học sinh học là một vấn đề lớn.
H.T
|
Theo Hồ Thu
(TPO)
Bình luận (0)