Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Vẫn còn nhiều HS chưa đội MBH

Tạp Chí Giáo Dục

HS một trường THCS ở Q.3 không đội MBH khi tham gia giao thông

Trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, chiếm tỷ lệ khoảng 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích và đa phần các em đều không đội mũ bảo hiểm (MBH) khi xảy ra tai nạn. Thực trạng này vẫn chưa thể thức tỉnh các bậc phụ huynh học sinh (PHHS) trong vấn đề nâng cao ý thức đội mũ cho trẻ hoặc nhắc nhở con em mình cần đội mũ khi sử dụng xe gắn máy, xe đạp điện tham gia giao thông.

Nhiều PH vẫn vô tư vi phạm

Ghi nhận tình hình trước một số cổng trường THCS trên địa bàn Q.3 trong giờ tan trường, không khó bắt gặp hình ảnh PH đứng dọc 2 bên đường đón con về nhà bằng xe gắn máy nhưng không đội MBH. Có HS được đội nhưng quai cài không đúng cách. Một số PH đèo 2 con thì chỉ có trẻ lớn ngồi ngoài được đội mũ.

HS Trường THCS Lê Lợi không đội MBH khi tham gia giao thông

HS vi phạm sẽ bị xử lý theo Luật Giao thông đường bộ

Trước thực trạng tỷ lệ HS đội MBH chưa cao, ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Công tác HSSV (Sở GD-ĐT) cho hay, những trường hợp HS vi phạm sẽ bị xử lý, kỷ luật theo Luật Giao thông đường bộ đã ban hành. Cũng liên quan đến vấn đề này, Sở GD-ĐT đã và đang phối hợp với Ban ATGT thành phố, Quỹ AIP tiến hành khảo sát tình hình đội MBH ở khối tiểu học. Mục đích nhằm đánh giá thực trạng tuân thủ Luật ATGT đường bộ, quy định trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội MBH. Đồng thời tìm hiểu một số nguyên nhân không tuân thủ quy định đội MBH cho trẻ em đối với PHHS và nhà trường. Từ đó thống kê, minh chứng, đề xuất giải pháp thiết thực nhằm nâng cao nhận thức trong việc chấp hành đội MBH cho trẻ, góp phần giảm tải thương vong, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra. Song song với khảo sát, một số trường được tập huấn chương trình đi bộ an toàn để gia tăng sự quan tâm tích cực của HS, giáo viên và cộng đồng đối với việc đi bộ và khuyến khích HS đi bộ an toàn đến trường. 

Cụ thể, tại cổng Trường THCS Lê Lợi (Q.3) (phía đường Lý Chính Thắng), tình trạng HS được PH đón về với đầu trần còn nhiều hơn. Khoảng 5 phút quan sát, chúng tôi ghi nhận ít nhất 10 trường hợp đầu không đội MBH. Thậm chí cả PH cũng không đội, hoặc đội mũ không đạt chuẩn.

Hầu hết sau khi rời khỏi cổng trường, các xe đều đổ ra tuyến đường Lý Chính Thắng, Nguyễn Thông, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Đình Chiểu (Q.3)… Đây là những tuyến đường chính, đông xe lưu thông và thường xuyên có cảnh sát giao thông chốt chặn kiểm tra.

Chị H. một PH ngồi đợi con trước cổng Trường THCS Lê Lợi chia sẻ, có thể do gần nhà hoặc quên mũ nên PH không có mũ đội cho con. Nhưng dù bất cứ lý do nào đi chăng nữa cũng không thể chấp nhận. Đó là hành vi chưa chấp hành Luật ATGT, hơn hết là chưa đem lại sự an toàn cho chính con em mình.

“PH chỉ cần cố gắng một chút về kinh phí, đề cao ý thức thì việc trang bị mũ cho con em không hề khó”, chị H. cho biết.

HS không đội MBH ngày càng gia tăng

Tình trạng HS không đội MBH không dừng lại ở các trường THCS. Ở khối THPT, nhiều HS được sử dụng xe gắn máy đến trường và con số vi phạm cũng không nhỏ. Bên cạnh thiếu mũ, HS còn không có giấy phép lái xe, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, lưu thông vào đường cấm, chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô trên 50cc… Đầu năm 2016, 99 HS trong đó có không ít HS THPT vi phạm Luật ATGT bị Sở GD-ĐT gửi công văn đề nghị các trường xử lý, kỷ luật nghiêm khắc, đánh giá hạnh kiểm trong học kỳ 1 năm học 2015-2016. Điều đáng nói, số lượng HS vi phạm lần này tăng gấp 2, gấp 3 lần so với những lần thống kê, kỷ luật trước.

Riêng khối tiểu học, tỷ lệ không đội  mũ có dấu hiệu gia tăng. Theo nghiên cứu độc lập của Quỹ phòng chống thương vong châu Á (Quỹ AIP), bằng hình thức quay phim trước 35 cổng trường tiểu học vào đầu giờ hoặc tan học, thì từ tháng 3-2014 đến tháng 4-2015, tỷ lệ trẻ đội MBH tăng 27% (từ 48% tăng đến 75%). Tuy nhiên từ tháng 4-2015 đến tháng 12-2015, tỷ lệ này giảm đi 19% (từ 75% xuống còn 56%).

Bà Trương Thị Nguyệt Trang, quản lý các chương trình MBH an toàn (Quỹ AIP), cho rằng có nhiều lý do khiến tỷ lệ đội MBH ở trẻ em chưa cao. Về cưỡng chế xử phạt vẫn dừng lại ở nhắc nhở, nâng cao ý thức chấp hành cho PH, xuất phát từ việc cảnh sát giao thông không muốn để lại ấn tượng không hay trước mặt trẻ. Đây có thể là lí do khiến PH xem thường. Bản thân PH vẫn còn quan điểm đi đường gần, chưa hiểu rõ thực sự tác dụng bảo vệ của MBH nếu có tai nạn xảy ra… nên chưa quan tâm, chú ý. Ở một số trường học, việc giáo dục tuyên truyền còn dừng lại hình thức, chưa thực sự được chú trọng. Ngoài ra còn một số yếu tố khách quan liên quan đến nguồn lực thực hiện tuyên truyền như hạn chế kinh phí, thời gian, con người.

Trên thực tế, để thay đổi hành vi của cả một cộng đồng đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó có thời gian. Tuy nhiên, cũng cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa xử phạt, giáo dục tuyên truyền”, bà Trang cho biết.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Bình luận (0)