Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm Luật Giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Xe khách ngang nhiên câu rước khách giữa lòng đường (ảnh chụp trước khu vực Suối Tiên, Q.9, TP.HCM)

Đến nay đã hơn 4 tháng kể từ khi Nghị định 34 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành (20-5-2010) và Tháng an toàn giao thông cũng đã kết thúc. Bên cạnh những mặt tích cực đạt được từ hai chủ trương trên thì vẫn còn đó ngổn ngang nỗi lo văn hóa giao thông đô thị. Tình trạng người vi phạm Luật Giao thông không đội mũ bảo hiểm (MBH), lấn tuyến, đi ngược chiều… vẫn nhan nhản trên đường phố.
Vô tư đầu trần, đi ngược chiều
Có thể nói, việc quy định người ngồi trên xe máy phải đội MBH của Bộ GTVT đã kéo giảm đáng kể các trường hợp tử vong do tai nạn gây ra. Nhưng trên thực tế nhiều người dân còn thờ ơ với quy định này. Dạo quanh các tuyến đường lớn, nhỏ trên địa bàn TP.HCM, không khó để tìm thấy người ngồi trên xe máy “quên” đội MBH. Chỗ nào càng kín thì người không đội MBH càng tăng.
Trên các tuyến đường Huỳnh Văn Bánh, 3/2, Hùng Vương, Hồng Bàng, Cách Mạng Tháng 8, Cộng Hòa, Trường Chinh… vẫn nhan nhản người không đội MBH khi lưu thông bằng xe máy. Sau nhiều ngày quan sát trên quốc lộ (QL) 1A, đoạn qua xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh chúng tôi nhận thấy có rất nhiều trường hợp đi ngược chiều, không đội MBH nhưng chẳng thấy lực lượng chức năng ở đâu. Tương tự, tại giao lộ QL 1A – Dương Đình Cúc, huyện Bình Chánh, vào 7 đến 8 giờ mỗi ngày, hàng chục công nhân đi xe máy, xe đạp ngược chiều gây cản trở và nguy hiểm cho người đi đường.
Dọc theo đường Cộng Hòa nối liền đường Trường Chinh, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều trường hợp người dân vô tư chạy ngược chiều hoặc điều khiển xe máy vào làn đường dành cho xe ô tô. Đây cũng được xem là tuyến đường “nóng” về vi phạm Luật Giao thông. Tương tự, trên QL 1A, đoạn từ cầu Bình Điền đến chợ Bình Chánh có rất nhiều người điều khiển xe máy đi ngược chiều, chạy lấn tuyến gây nguy hiểm cho người đi đường.
“Đi ngược chiều, không đội MBH diễn ra là chuyện thường ngày ở huyện, bữa nào không có mới là chuyện lạ. Có công an người ta mới chịu đi đúng tuyến, còn không có thì làn xe ô tô, xe tải gì họ cũng đi được hết”, ông Bảy chạy xe ôm tại chợ Bình Chánh cho biết.
Bến cóc, xe dù khắp nơi
Dọc theo QL 1A, đoạn qua Suối Tiên được cánh tài xế xem như là bến cóc lý tưởng để dừng, đậu đón khách dọc đường. Các xe nối đuôi nhau bắt khách mà không sợ hay lo lắng gì. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng này diễn ra từ nhiều năm trước nhưng đến nay các ngành chức năng vẫn chưa “xóa sổ” được. Các phương tiện qua lại tại khu vực này rất khó khăn.
Chiều ngày 20-9, chúng tôi có mặt tại cổng Khu du lịch Suối Tiên để ghi nhận thực trạng bến cóc lộng hành nơi đây. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các xe khách đi về các tỉnh Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng, các tỉnh phía Bắc… đều ghé vào đây để bắt khách. Tuy ở khu vực này đã có bản quy định xe buýt chỉ được phép dừng đón trả khách trong khoảng thời gian là 1 phút nhưng nhiều xe vẫn nằm lì tại trạm khiến các xe buýt khác phải dừng trên làn xe máy gây cản trở các phương tiện khác cùng lưu thông. Ngay cổng vào Suối Tiên có bảng báo cấm dừng, đậu xe nhưng các chủ xe khách làm ngơ như không thấy để có thể “hồn nhiên” dừng xe đón khách dọc đường.
Sau khi chiếc xe khách 72N 20… vừa đi khỏi thì ngay lập tức chiếc xe 53L 88… trờ tới dừng ngay chỗ đặt biển báo để đón khách, tiếp theo là xe khách 53L – 43… và nhiều xe khác. Chỉ trong vòng 10 phút có đến 8 lượt xe khách các loại thay nhau dừng ở đây đón khách mà không thấy động thái của các ngành chức năng ở đâu. Tại khu vực này, đội ngũ “cò” xe cũng ngang nhiên hoạt động khiến tình hình an ninh hết sức phức tạp. Hành khách đi xe buýt, đón xe khách bị đội ngũ “cò” xe quấy rối, hàng rong bao vây chào mời mua bánh mì, nước ngọt… làm bát nháo cả một vùng. Đáng lo ngại hơn, thực trạng này tồn tại khá lâu ai ai cũng nghe, cũng biết nhưng các cơ quan hữu quan là dường như chưa biết.
Bà Nguyễn Thị N, người dân cư ngụ ở đây bức xúc: “Chẳng hiểu thế nào mà xe dù, bến cóc hoạt động ngang nhiên. Xe dừng, đậu không đúng chỗ, “cò” xe thì lộng hành, hàng rong bao vây, chỉ tội cho mấy đứa sinh viên ra đây đón xe mà cứ nơm nớp lo sợ móc túi, đụng xe”. Đây không chỉ là nỗi lo của riêng bà N. mà còn là vấn nạn nhức nhối trong xã hội hiện nay, đặc biệt trên địa bàn TP.HCM. Trên Báo Giáo Dục TP.HCM số ra ngày 27-8-2010, chúng tôi có đề cập đến vấn đề bát nháo xe khách ở cửa ngõ miền Tây nhưng đến nay tình hình chẳng khả quan hơn. Xe khách vẫn cố tình vi phạm, “cò” xe vẫn tiếp tục lộng hành. Cũng trên QL 1A, đoạn đi qua cầu vượt bộ hành số 1, xã Tân Kiên, các xe khách vẫn ngang nhiên dừng đón khách trước Phòng CSGT An Lạc.
Tại sao với mức phạt nặng như hiện nay mà trường hợp vi phạm Luật Giao thông vẫn tràn lan, phải chăng các ngành chức năng không dẹp nổi vấn nạn này? Hay là người dân không chịu nâng cao ý thức của mình khi tham gia giao thông? Rõ ràng, vấn đề giao thông đô thị hiện nay vẫn còn nhiều việc phải bàn, phải tìm cách để giải quyết rốt ráo. Nhưng đến bao giờ Nghị định 34, Tháng an toàn giao thông mới thấm, mới đi vào tâm trí người dân và vấn nạn giao thông hiện nay có phải là bộ phim nhiều tập hay không là câu hỏi dành cho các ngành chức năng.
Bài, ảnh: Hoàng Thuận

Bình luận (0)