Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Vẫn còn những điều đáng tiếc

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa thi đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) năm 2011 đã khởi động đợt thi đầu tiên với hai khối A và V. Ðược đánh giá là khá suôn sẻ, song, vẫn có không ít vấn đề nảy sinh từ thực tế cần sớm được điều chỉnh.

Nét mặt rạng ngời sau khi kết thúc kỳ thi căng thẳng.

 

Thí sinh ảo vẫn nhiều
Theo báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục – Ðào tạo, trong đợt một, có 107 trường đại học tổ chức thi tại 989 điểm thi với 25.630 phòng thi. Có 909.532 thí sinh (TS) đăng ký dự thi (ÐKDT) nhưng chỉ có 699.628 TS dự thi, đạt 76,92% (năm 2010 đạt 75,83%, năm 2009 đạt 66,17%). Tỷ lệ TS dự thi năm nay tăng hơn nhưng số thí sinh ảo vẫn chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 23%). Hầu hết các trường tỷ lệ TS dự thi dao động từ 60 đến 70% như ÐH Luật 63,74%, ÐH Thủy lợi 72,53%, ÐH Bách khoa 66%, ÐH Xây dựng 65,36%… Cá biệt có trường chỉ hơn 1/2 tổng số thí sinh ÐKDT đến thi như ÐH Kinh tế Quốc dân 51,53%, ÐH Ngoại thương 52,6%. Từ năm 2010, theo quy định của Bộ GD-ÐT, TS phải nộp lệ phí dự thi cùng phí ÐKDT, do đó TS phải cân nhắc, phần nào làm giảm tình trạng TS ảo, nhưng vẫn chưa phải là giải pháp hiệu quả. Thực tế, các trường đều phải bù lỗ chi phí tuyển sinh rất lớn. Theo Hội đồng tuyển sinh ÐH Luật Hà Nội, dẫu biết chắc sẽ lãng phí nhưng trường cũng không dám trừ hao mà phải in đủ số đề thi căn cứ tổng số hồ sơ ÐKDT. Thí sinh ÐKDT càng đông, lỗ càng nặng (có trường ước tính lỗ tới 700 triệu đồng) do mức phí thu theo quy định không đủ để trang trải. Dự kiến trong đợt hai, lượng TS ảo dao động từ 20 đến 30%. Vì vậy, giải quyết triệt để bài toán lãng phí thi cử vẫn còn là vấn đề nan giải.
Ðiểm mới nổi bật trong kỳ thi ÐH, CÐ năm nay là Bộ GD-ÐT có quy chế cho phép hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập THPT của học sinh, tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét đặc cách tuyển thẳng TS là người khuyết tật không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày. Chủ trương này được nhiều trường đồng tình ủng hộ, bởi đây là việc làm thiết thực để thực hiện Luật Người khuyết tật, góp phần tạo điều kiện tốt nhất cho các TS bị thiệt thòi có cơ hội theo đuổi ước mơ học tập. Nhiều trường đã tiên phong xét tuyển TS trong diện này như ÐH Bách khoa Hà Nội, ÐH Ðà Nẵng, ÐH Luật Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông… Tuy nhiên, nhiều TS khuyết tật không nắm bắt quy định này vẫn phải tham gia dự thi. Do đó trong đợt hai và những kỳ thi tuyển sinh tới đòi hỏi cần tuyên truyền rộng rãi, hiệu quả hơn, nhất là đối với các TS ở vùng sâu, vùng xa để bảo đảm quyền lợi cho các TS này.
Siết chặt kỷ luật phòng thi
Theo đánh giá của nhiều giáo viên và TS, đề thi năm nay có độ phân hóa rõ rệt giữa ba đối tượng giỏi, khá và trung bình. Ðề thi Toán hay và khó hơn năm trước, đề Lý khó và dài còn đề Hóa dễ thở hơn. Ðề thi trắc nghiệm có kiến thức rải đều khắp chương trình, tính phân hóa cao, chống được việc học tủ, học lệch, gian lận quay cóp khi làm bài. Tuy nhiên, sự cố nhầm mã đề bài thi trắc nghiệm môn Hóa học xảy ra tại bảy điểm thi của ÐH Giao thông vận tải đòi hỏi khâu in, sao đề phải rất cẩn thận, chặt chẽ mới tránh được những sai sót không đáng có xảy ra ở các đợt thi sau. 
Nhìn chung, các trường ÐH thực hiện nghiêm quy chế tuyển sinh (QCTS); phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp phạm quy, không khí trường thi trật tự, an toàn. Với các trường có đông TS dự thi, sử dụng sinh viên làm giám thị coi thi đều tập huấn kỹ lưỡng, bài bản; có bản hướng dẫn các bước thực hiện cho điểm trưởng, thư ký hội đồng, giám thị coi thi…, tránh tối đa sai sót. Kết thúc đợt một, có 126 TS vi phạm QCTS bị xử lý kỷ luật và bốn cán bộ bị xử lý kỷ luật đình chỉ, trong đó lỗi vi phạm phổ biến là TS mang điện thoại di động vào phòng thi. Tuy nhiên, trường hợp đáng tiếc xảy ra sáng 4-7 tại điểm thi Trường Sĩ quan Kỹ thuật Thông tin khi hai cán bộ coi thi tại phòng thi số 41 thu lại bài làm của TS sau 120 phút làm bài và phát giấy thi mới để TS chép lại bài thi do ký nhầm vào ô ký của cán bộ chấm thi trên giấy thi, vi phạm QCTS cho thấy, dù đã xử lý kịp thời theo phương án bảo đảm quyền lợi tối đa cho các TS, việc tập huấn và các phương án ứng xử tình thế đã không được tính toán kỹ. Ðây là điều cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Nhất là trong đợt hai, với nhiều khối có nhiều môn thi tự luận, công tác coi thi đòi hỏi cần siết chặt hơn, việc tập huấn cần chi tiết, nghiêm túc hơn mới tránh xảy ra những sai sót đáng tiếc, ảnh hưởng đến kết quả thi của TS.
Thành công của đợt thi này phải kể đến sự nỗ lực cố gắng các trường trong công tác chuẩn bị thi triển khai sớm, bảo đảm đúng tiến độ và đầy đủ các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức kỳ thi. Những ngày thi nắng nóng, nhiều trường sử dụng quạt, điều hòa, trang bị máy phát điện…tạo điều kiện tốt nhất cho TS dự thi. Một số TS không may bị ốm, ngất… đều được sơ cứu, khám chữa kịp thời. Các trường trong toàn quốc đã huy động hơn 30.000 lượt thanh niên, sinh viên tình nguyện hỗ trợ công tác tổ chức thi tích cực, hiệu quả như tham gia phân luồng, giảm ùn tắc giao thông, hướng dẫn thí sinh đến các điểm thi, đi lại, ăn ở, giữ gìn an ninh, trật tự bên ngoài khu vực thi.
Một tín hiệu khả quan là các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí… đã phối hợp đồng bộ, hiệu quả giúp các trường, TS và phụ huynh trong việc đưa đón, hỗ trợ hàng nghìn chỗ trọ, suất ăn miễn phí, giá rẻ thể hiện phong trào xã hội hóa giáo dục ngày càng được quan tâm.
Áp lực kỳ thi vẫn lớn
Kỳ thi tuyển sinh ÐH, CÐ năm nay vẫn tổ chức theo hình thức ba chung và được nhiều trường đánh giá là phù hợp trong điều kiện hiện nay. Việc Bộ GD-ÐT ra đề thi chung trong cả nước sẽ bớt được gánh nặng, tránh sai sót trong khâu ra đề, các trường chỉ nhận đề và tổ chức thi theo đúng quy chế. Tuy nhiên, với những trường top trên cần tuyển TS có chỉ số IQ cao trong một lĩnh vực chuyên biệt, nội dung đề thi vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh đặc thù. Theo ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng ban coi thi ÐH Ngoại thương Hà Nội, xu hướng về sau nên tổ chức thi tuyển sinh ÐH như tổ chức thi cao học hiện nay. Ðó là, Bộ GD-ÐT giao chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm cho các trường, từ đó nhà trường tự tổ chức nhiều đợt thi tuyển khi có nhu cầu dưới sự giám sát của Bộ GD-ÐT, tránh dồn vào một đợt, áp lực căng thẳng cho cả TS và người nhà.
Thực tế qua đợt thi đầu tiên cho thấy, áp lực cho các TS dự thi không hề giảm. Cổng trường đại học vẫn cao vời vợi khi hằng năm vẫn chỉ có khoảng 1/10 tổng số TS dự thi trúng tuyển. Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ khi xã hội không còn hiện tượng sính bằng cấp trong tuyển dụng mà xem nhẹ hiệu quả công việc, hướng nghiệp phân luồng hợp lý cho TS ngay từ khi học phổ thông, không còn tư tưởng vào đại học là con đường duy nhất thì áp lực kỳ thi mới thật sự giảm bớt.
* Thứ trưởng GD-ÐT Bùi Văn Ga, Trưởng Ban chỉ đạo thi tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2011: Kỳ thi năm nay, Bộ GD-ÐT đổi mới cách thanh tra. Trừ những điểm đặc biệt có thanh tra cắm chốt, còn lại là các đoàn thanh tra lưu động kiểm tra tình hình tổ chức thi, coi thi của các hội đồng. Bộ tập huấn rất kỹ lực lượng này để có thể xử lý tình huống ngay khi gặp sự cố ngay tại cơ sở. Các hội đồng thi phải chấp hành quy chế  thống nhất của Bộ để bảo đảm sự công bằng toàn hệ thống, tạo điều kiện tốt nhất cho TS yên tâm dự thi.
* Theo thống kê của Bộ GD-ÐT, trong tổng số 1.964.598 hồ sơ ÐKDT vào ÐH, CÐ năm 2011, số hồ sơ ÐKDT khối B là 381.503, khối D 304.480. khối C 125.264, các khối khác 68.768. Ðợt hai kỳ thi tuyển sinh đại học vào ngày 9  và 10-7 dành cho khối B, C, D và các khối năng khiếu. Ðợt thi cao đẳng cho tất cả các khối vào ngày 15 và 16-7 với 492.790 hồ sơ ÐKDT.
Theo Nhandan

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)