Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn tới ách tắc trong giải quyết công việc

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 19-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo (BCĐ), sơ kết công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp về cải cách hành chính 6 tháng cuối năm 2023.
Phiên họp được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh thành.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đẩy mạnh CCHC, tăng cường phân cấp, phân quyền, xây dựng tổ chức bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là một trọng tâm, đột phá trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới.
Thời gian qua, công tác CCHC tiếp tục được cải thiện, có tiến bộ, tuy nhiên, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, còn nhiều rườm rà, vướng mắc trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước và trong giải quyết công việc, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân và doanh nghiệp. Vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn tới ách tắc trong giải quyết công việc…
Theo Thủ tướng, công tác CCHC gồm 6 nội dung chính: cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát lại các công việc trên tinh thần "việc gì có lợi cho dân thì ta hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh", làm sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các thủ tục, công việc một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất, tiết giảm chi phí, thời gian, công sức, tránh phiền hà, sách nhiễu, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý những ách tắc trong giải quyết công việc…
Thủ tướng đề nghị tại các phiên họp tiếp theo, cần nghiên cứu để triển khai kết nối trực tuyến tới tận cấp xã; nâng cao hơn nữa trách nhiệm, tăng cường phân cấp cho cấp xã – nơi sát dân nhất, gần dân nhất, đến với người dân nhanh nhất, trực tiếp tiếp xúc, làm việc nhiều với người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng nêu rõ, cần có giải pháp hiệu quả hơn trong công tác CCHC, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tính đến nay, đã có 32,05% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 67,32% hồ sơ TTHC được số hóa; hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu.
Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 7,77 triệu tài khoản; hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ; hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến; hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6 triệu tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái)…
Tuy vậy, trong công tác CCHC vẫn còn nhiều hạn chế như TTHC trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, vướng mắc, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu…
19 nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư chưa hoàn thành việc thực thi.
Công tác rà soát, sửa đổi các văn bản thuộc thẩm quyền quy định việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy còn chậm. Việc ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC và chỉnh sửa hệ thống thông tin giải quyết TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn chậm, nhất là việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa để người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần. Các dịch vụ công trực tuyến mới chỉ đơn thuần chuyển từ môi trường giấy sang môi trường điện tử, chưa quan tâm tái cấu trúc quy trình, trải nghiệm của người dùng nên chưa thực sự thuận lợi, đơn giản cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều trường hợp vừa phải làm thủ công, vừa làm trực tuyến gây mất thời gian. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC chưa cao.
Cùng với đó, việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân. Việc rà soát, đồng bộ kết quả giải quyết hồ sơ TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia ở một số nơi chưa kịp thời; việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn hạn chế; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến có nơi còn hình thức, chưa hiệu quả. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: đất đai, xây dựng…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ ra, trong số các nguyên nhân, còn tình trạng níu kéo, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực; trách nhiệm thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp…
 
PHAN THẢO (theo SGGP)

Bình luận (0)