Tòa soạnThư đi – tin lại

Vấn đề bạn đọc quan tâm: Báo động tình trạng trẻ em ngoài nhà trường

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ em lang thang trên đường phố tại TP.HCM. Ảnh: V.Sơn

Ngày 11-9, Bộ GD-ĐT và UNICEF đã tổ chức Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu trẻ em ngoài nhà trường (TENNT) của Việt Nam. Dù số liệu điều tra dựa trên số liệu điều tra dân số của Tổng cục Thống kê năm 2009 nhưng có thể nói, lần đầu tiên, những con số đầy đủ nhất về tình trạng TENNT được công bố rộng rãi trước dư luận.
Trên 1 triệu TENNT
Theo báo cáo này, số trẻ em khuyết tật chưa từng đi học hoặc thôi học, TENNT luôn có tỷ lệ cao hơn 80% ở mọi độ tuổi, đặc biệt tỷ lệ này lên tới 91,14% trẻ em khuyết tật từ 11-14 tuổi. Báo cáo cũng chỉ rõ là nhóm trẻ di cư luôn có tỷ lệ ngoài nhà trường cao hơn nhóm không di cư và sự khác biệt cũng tăng khi độ tuổi tăng. Ở các gia đình di cư, tỷ lệ trẻ em không đi học cao hơn so với gia đình không di cư 1,3 lần ở độ tuổi mầm non, 1,8 lần ở độ tuổi tiểu học và 2,4 lần ở THCS. Đối với từng cấp học, tỷ lệ TENNT có sự khác nhau. Cụ thể, ở độ tuổi mầm non 5 tuổi, tỷ lệ này là 12,19%, tương đương với 175.848 em. Ở độ tuổi tiểu học (6-10) tuổi, tỷ lệ này là 3,97%, tương đương 262.648 em. Độ tuổi THCS (11-14 tuổi), tỷ lệ này vọt lên 11,17%, tương đương con số 688.849 em. Như vậy, theo số liệu được công bố thì tổng số TENNT của Việt Nam từ 5-14 tuổi là 1.127.345 em. Theo ông Lê Khánh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ GD-ĐT, có thể hiểu khái niệm TENNT là những trẻ trong độ tuổi đi học chưa bao giờ được đi học trường nào mang tính chất chính quy cấp bằng hoặc chứng chỉ hoàn thành mức văn hóa ở một cấp học nào đó hoặc đã theo học nhưng phải bỏ học vì một lý do nào đó. Cũng theo ông Lê Khánh Tuấn, tỷ lệ trẻ em đã đi học nhưng sau đó thôi học tăng mạnh theo độ tuổi. Ở độ tuổi 14 là độ tuổi cuối THCS có gần 16% thôi học. Ở tuổi 17 là độ tuổi cuối THPT tỷ lệ thôi học tăng lên hơn 39%. Tỷ lệ trẻ em chưa bao giờ đi học khá cao, đặc biệt cao đối với một số nhóm dân tộc thiểu số. Chung cả nước có 2,57% trẻ em từ 5-17 tuổi chưa bao giờ đi học. Dân tộc Mông có tỷ lệ trẻ em từ 5-17 tuổi chưa bao giờ đi học cao nhất trong các nhóm dân tộc thiểu số chính, chiếm 23,02%. Nói cách khác 1/4 trẻ em dân tộc Mông trong độ tuổi đi học chưa từng đi học bất cứ một loại trường lớp nào. Tỷ lệ TENNT ở khu vực nông thôn cao hơn thành thị. Sự chênh lệch giữa hai khu vực tăng khi độ tuổi tăng. Tỷ lệ TENNT ở cấp tiểu học và THCS cao gấp 2 lần đối với thành thị. Chênh lệch giới ở đa số các nhóm dân tộc thiểu số đều có xu hướng trẻ em trai thiệt thòi hơn trẻ em gái, riêng dân tộc Mông có xu hướng ngược lại.
Đói nghèo và di cư
Có rất nhiều nguyên nhân giải thích cho tình trạng trên được đưa ra. Ông Lê Khánh Tuấn cho biết nhóm chuyên gia khảo sát đã khảo sát và phân tích số liệu cụ thể tại 8 tỉnh thành là TP.HCM, Điện Biên, Lào Cai, Đồng Tháp, Ninh Thuận, An Giang, Kon Tum, Gia Lai cho thấy có một số rào cản và vướng mắc gây ra tình trạng trên. Đó là các rào cản về kinh tế và các rào cản văn hóa xã hội. Các rào cản kinh tế chủ yếu là tình trạng đói nghèo làm hạn chế khả năng chi trả của các gia đình cho các chi phí học tập của con em họ. Bên cạnh đó cũng có rào cản vướng mắc từ phía cung như cơ sở hạ tầng, giáo viên và môi trường học tập làm ảnh hưởng đến việc nhập học và đi học của trẻ em. Ông Tuấn cũng chỉ ra rằng, ở các tỉnh miền núi có nhiều học sinh dân tộc thiểu số thì tình trạng TENNT cao do liên quan đến đói nghèo, nhưng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp cao không xuất phát từ nguyên nhân này.
Về phía các địa phương, bà Nhan Thị Hằng Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai cho biết chúng ta đang tìm những giải pháp tốt nhất để trẻ em được đến trường. Muốn thực hiện được điều đó, vấn đề ở tầm vĩ mô là con người. Những lớp trẻ vùng sâu, vùng xa giáo viên vận động miết cũng không đến trường được. Vấn đề những nhóm trẻ 10-15 em cũng cần một giáo viên. Sở đã kêu rất nhiều nhưng Sở Nội vụ nói không có biên chế. Tiền quan trọng nhưng phải có biên chế để thực hiện vấn đề này. Còn về phía TP.HCM, khó khăn của sở lại ở tình trạng dân nhập cư cao. Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, năm học này TP.HCM có trên 1 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học nhưng trong số này có tới trên 245.000 trẻ em là con em nhập cư, không có hộ khẩu tại TP.HCM nhưng thành phố vẫn phải lo chỗ học. Toàn thành phố cũng có 1,38% TENNT. Trong đó phần lớn là trẻ em nhập cư chưa được đến trường.
Trước tình trạng TENNT của Việt Nam còn khá cao, các chuyên gia trong nhóm khảo sát đã đề xuất một số khuyến nghị để giải quyết. Cụ thể như nâng cao nhận thức về giá trị của giáo dục ở các cộng đồng cho các bậc cha mẹ học sinh. Tăng cường các biện pháp ngăn ngừa nhằm giảm thiểu dòng chảy của trẻ em vào lao động trẻ em. Xây dựng chương trình ngắn hạn và dài hạn để đào tạo và tuyển giáo viên là người dân tộc, giáo viên bản địa với những biện pháp phù hợp. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trong đó ưu tiên đầu tư cho trường lớp mầm non, đặc biệt ở các vùng xa xôi, hẻo lánh có nhiều trẻ em dân tộc thiểu số. Đồng thời, các chuyên gia cũng đưa ra các khuyến nghị liên quan đến chính sách vĩ mô, cấp quản lý.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)