Thảo luận ngoài giờ tại Lyon (Pháp) |
Cũng như ở Việt Nam, dạy thêm học thêm hiện đang là vấn đề thời sự nóng bỏng của Pháp. Dư luận xã hội, những người trong ngành giáo dục, và lãnh đạo Bộ Giáo dục đang dành khá nhiều quan tâm cho vấn đề này.
Nạn dạy thêm học thêm ở Pháp cũng tràn lan, làm khổ phụ huynh, học sinh. Bao nhiêu bài báo, cuộc hội thảo, kiến nghị, biện pháp… đã đề cập vấn đề này, nhưng vẫn không có biến chuyển gì mới. Trước phản ứng gay gắt của dư luận xã hội, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Xavier Darcos phải vào cuộc…
Loại hình dạy thêm thật là thiên hình vạn trạng với rất nhiều hình thức lớp học: củng cố kiến thức, dạy hè, phụ đạo, giúp làm bài tập, nâng cao, ôn tập… Thị trường “lao động giáo dục” là một miếng bánh béo bở không ngừng phát triển. Giáo viên tham gia thị trường này nhằm “giúp đỡ các học sinh yếu kém” theo kịp chương trình, và “phát huy tiềm lực của các em khá, giỏi”. Phụ huynh cũng không biết làm gì hơn ngoài việc chạy theo phong trào, một mặt kêu ca, một mặt bắt con đi học thêm vì sợ con thua kém chúng bạn, với suy nghĩ đơn giản “có học thêm mà không đậu đạt như ý, thì đỡ phải ân hận”, hoặc “còn hơn không học thêm”… Trong khoa học giáo dục, các loại hình học thêm được gọi chung là “học tập ngoài lớp”. Patrick Rayou, nhà xã hội học và giáo sư về khoa học giáo dục đã nghiên cứu thị trường này. Ai dạy các lớp loại đó? Ai đào tạo những giáo viên tự phong, tự mình quảng cáo? Làm sao chọn được lớp học thêm? Mối liên hệ giữa các lớp đó với nhà trường như thế nào? Các giờ dạy ở các lớp đó có kết hợp hài hòa với phương pháp và tính sư phạm của các giờ dạy chính quy ở trường không? Học sinh sẽ cảm thấy như thế nào sau khi quá mệt mỏi vì những buổi học bổ sung, mà yêu cầu về kiến thức đôi khi mâu thuẫn với lớp học chính quy? Ông Patrick Rayou có nhận xét: “Trong 50 năm nay công việc của nhà trường lại bị đẩy ra ngoài nhà trường. Cần phải chấm dứt ngay tình trạng này”. Và ông cho rằng: “Hãy trả lại cho nhà trường công việc của nhà trường, đó là sự cải cách cần thiết. Cần suy nghĩ về một cơ chế học tập sao cho học sinh phải làm việc dưới sự chăm sóc chu đáo của các thầy, thay vì đẩy công việc học tập của các em ra khỏi lớp học chính quy”. Vì thiếu thời gian, các thầy giảng bài một cách khéo léo vào bậc thầy! (Ý muốn nói dạy qua loa cho kịp thời gian, mà vẫn đủ hết nội dung của bài – TG), rồi yêu cầu học sinh về nhà làm bài tập, tìm hiểu, nghiên cứu sâu thêm nội dung bài giảng! Việc luyện tập trước kia do các thầy phụ đạo làm, bây giờ lại đưa về nhà. Và chính điều đó làm nảy sinh bất bình đẳng xã hội. Với những phụ huynh có trình độ thì con họ được hướng dẫn tốt, và chúng sẽ đỗ đạt. Còn những học sinh mà cha mẹ không đủ trình độ thì sao? Các em đó phải nhờ sự giúp đỡ của nhiều người khác, chưa chắc có đủ trình độ, và cũng không có ai kiểm tra xem họ giúp ra sao. Làm sao thay đổi được tình hình đó? Chỉ có một cách là các thầy phải có mặt ở trường nhiều hơn để giúp học sinh học tập, và nói cho đúng là để dạy học sinh… Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia Xavier Darcos nói: “Nhà trường phải trở thành giải pháp chính, và phải chấm dứt việc tư nhân hóa công việc của nhà trường”… Cuộc vận động này đã bắt đầu. Từ năm học này học sinh các lớp CM1, CM2 tương đương lớp 4 và 5 của Việt Nam) được các thầy củng cố kiến thức, ôn tập trong thời gian nghỉ xuân và cuối kỳ nghỉ hè. Tất nhiên là miễn phí. Cũng bắt đầu từ năm học này, trong tất cả các trường tiểu học, mỗi tuần có hai giờ phụ đạo về toán và tiếng Pháp cho học sinh. Có thể xem đó là một sự khởi đầu tốt.
PHAN THANH QUANG (Theo Le Point)
Bình luận (0)