Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vấn đề hôm nay: Làm gì để hết “chạy trường”?

Tạp Chí Giáo Dục

62% phụ huynh, tương đương với 11.915 người, thừa nhận họ hoặc gia đình có tham gia vào việc “chạy trường” đầu cấp cho con. Đây là kết quả khảo sát trực tuyến của Báo điện tử Dân trí được tiến hành từ ngày 12-5 đến ngày 8-6, với sự tham dự của 19.360 lượt người.
Để kiểm chứng thông tin, chúng tôi thử gõ cụm từ khóa “chạy trường chạy lớp” trên trang tìm kiếm trực tuyến Google. Chỉ trong 0,27 giây, máy tính cho 12.400.000 kết quả liên quan đến cụm từ này. Cùng với những thông tin thu thập được trong quá trình tác nghiệp, kết quả tra cứu trên Google khiến chúng tôi tin vào kết quả khảo sát của Dân trí, với tư cách là một kênh thông tin tham khảo.
Để có được một suất học ở trường, nhiều phụ huynh học sinh phải tốn rất nhiều công sức. Ảnh: Văn Phong
  Kết quả khảo sát trên một mặt cho thấy nhu cầu của phụ huynh trong việc tìm trường tốt, thầy giỏi cho con em là rất lớn, nhưng mặt khác lại cho thấy những bất cập của nền giáo dục nước nhà. Nếu công tác thi hoặc xét tuyển đầu vào ở các cấp học được thực hiện thực sự nghiêm túc, thì chắc chắn khái niệm “chạy trường” không trở nên phổ biến như hiện nay.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, trước mắt, cần yêu cầu các trường không phải là trường chuyên thực hiện nghiêm việc tuyển học sinh theo tuyến được phân công, nếu không tuyển đủ học sinh đúng tuyến mới được phép tuyển học sinh trái tuyến. Các cơ quan quản lý giáo dục nên tiến hành thanh tra tất cả các trường đang thuộc diện “quá tải”, nếu phát hiện học sinh học trái tuyến thì kiên quyết yêu cầu trả học sinh đó về trường đúng tuyến, hoặc yêu cầu phụ huynh chọn trường khác đang thiếu học sinh.
Với những trường có tổ chức xét tuyển, hoặc thi tuyển đầu vào, cần có giải pháp buộc phải tổ chức tuyển sinh đầu vào công khai, minh bạch. Quy mô lớn như tuyển sinh đại học chúng ta còn thực hiện nghiêm được, thì quy mô nhỏ như tuyển sinh ở các trường cấp dưới có lẽ cũng không khó để làm nghiêm.
“Chạy trường” chỉ là giải pháp bất đắc dĩ của phụ huynh. Nếu công tác tuyển sinh thực sự công khai, minh bạch, chắc chắn cả phụ huynh và xã hội cùng rất đồng tình.
Theo Nam Thanh
(QĐND)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)