Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Vấn đề & sự kiện: Bệ phóng SEA Games

Tạp Chí Giáo Dục

BĐVN đã giành không ít huy chương tại các kỳ SEA Games nhưng nếu phải chọn cột mốc đáng nhớ nhất, người ta vẫn nhớ tới hai kỳ SEA Games 18 (1995) và SEA Games 22 (2003) hơn cả. Lý do cũng dễ hiểu: đó là những thời điểm đánh dấu sự ra đời của 2 “Thế hệ Vàng” BĐVN.

1. Năm 1995, BĐVN lần đầu tiên có thành tích tại khu vực sau ngày tái hội nhập. Chiếc huy chương Bạc năm ấy đánh dấu một bước chuyển mình sau quãng thời gian “ngủ quên”.

Các cầu thủ U23 VN không ngừng phấn đấu để mang về tấm HCV SEA Games cho BĐVN

Trong đội hình ĐTVN 1995, rất nhiều người đã được ghi tên vào “Thế hệ Vàng” thứ nhất. Đó là Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Hữu Đang, Hoàng Bửu… Những đóng góp của họ còn kéo dài tới tận năm 1999. Dù không một lần “giành Vàng” đúng nghĩa nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng thế hệ ấy đã có một vị thế rất cao trong các thang bậc của BĐVN.

Tám năm sau SEA Games 18, một “Thế hệ Vàng” khác ra đời. Họ là Văn Quyến, Công Vinh, Thanh Bình, Hữu Thắng, Thế Anh, Minh Phương…. Cũng như lứa 1995, Olympic VN năm 2003 cũng có một giải đấu tưng bừng dù kết cục của họ cũng hệt như các đàn anh. Họ đã thua Thái Lan ở trận chung kết (1-2). Nhưng dù vậy, lứa 2003 vẫn được đặt nhiều kỳ vọng và một phần của thế hệ này (Công Vinh, Tài Em, Minh Phương, Như Thành…) đã biến “giấc mơ vàng” của BĐVN trở thành sự thật sau đêm 28/12/2008 lịch sử.

Nhìn lại hai kỳ SEA Games ấy, thấy một điểm chung là các tuyển thủ đều bước ra “từ bóng tối”. Lứa 1995 không được kỳ vọng nhiều trước khi sang Chiengmai (Thái Lan). Lứa Olympic 2003 có tiếng tăm hơn nhưng phần lớn chỉ mới chơi giải đấu lớn đầu tiên tại SEA Games năm ấy. Nhưng cũng chính từ SEA Games, các thành viên của ĐTVN 1995, Olympic VN 2003 đều đã vụt lớn. Nói một cách công bằng, SEA Games đã trở thành bệ phóng cho những tiềm năng của BĐVN bộc phát tài năng đích thực.

2. Bây giờ thì BĐVN lại đang kỳ vọng vào một kỳ SEA Games nhiều ý nghĩa nữa. Cái ý nghĩa ở đây không đơn thuần chỉ là tiếp nối chiếc HCV AFF Cup 2008 mà còn là giúp BĐVN phát hiện ra một thế hệ, nếu lại tốt như những lứa 1995, 2003 thì quá lý tưởng.

Như lứa 1995, thế hệ 2009 cũng có một xuất phát điểm không cao. Ít người nhớ mặt, thuộc tên những cầu thủ trẻ đang nằm trong quân số của U23 VN. Tình trạng này khác hẳn với các kỳ SEA Games 1997, 1999, 2005, 2007, khi thành viên của các đội bóng Việt Nam đều là những gương mặt quá quen thuộc. Nói cách khác, ĐTVN (hoặc U23 VN) thời điểm ấy gồm toàn các thương hiệu đã được khẳng định.

Ở điểm này thì U23 VN 2009 chưa bằng. Nhưng phải lật lại vấn đề. Cái gì cũng phải có sự bắt đầu. SEA Games 1995 là khởi đầu của lứa 1997, 1999. SEA Games 2003 là nơi chào sân của cả lứa 2005 và một phần lứa 2007. Thế nên SEA Games 2009 cũng có thể sẽ là điểm khởi nguồn cho một “Thế hệ Vàng” thứ ba ra mắt lắm chứ!

Trong bóng đá, chẳng điều gì là không thể. Bởi U23 VN 2009 cũng có nhiều tiềm năng làm cơ sở để hy vọng. Vậy thì biết đâu đấy, sau SEA Games 2009, sẽ lại có những “thương hiệu” Trọng Hoàng, Minh Đức, Tấn Trường, Đình Tùng… Cứ hy vọng là vậy. Hy vọng vào tài của Calisto. Hy vọng ở nỗ lực, tiềm năng của các tuyển thủ. Và hy vọng vào cả cái Duyên của BĐVN với những kỳ SEA Games.

Hà Thanh (theo baobongda)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)