Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Vấn đề & sự kiện: Bóng đá kiểu… Chí Phèo

Tạp Chí Giáo Dục

Nét xấu xí của BĐVN bây giờ là ăn vạ, không chỉ để kiếm bàn thắng mà chủ yếu để câu giờ. Một hình thức phản bóng đá đã lên đến mức báo động.

Sự lệch pha

Lê Công Vinh chạy rất nhanh vào vòng cấm, cái chân của một cầu thủ Lebanon đưa ra, Vinh ngã rất đẹp, trọng tài chạy tới, thay vì chỉ vào chấm 11m thì lại rút thẻ vàng, đó là chiếc thẻ vàng thứ hai của Vinh trong trận đấu, tương đương với 1 thẻ đỏ và anh phải rời sân…Đó chính là một pha bóng trong trận cầu Việt Nam – Lebanon hôm 14/1 trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2011. Đó cũng chỉ là một trong hàng tá những ví dụ minh họa về sự ăn vạ để kiếm bàn thắng của các tiền đạo.

Các cầu thủ QK4 đã có nhiều tình huống giả đau để câu giờ ở trận gặp Thanh Hóa

Các trọng tài thường tỏ ra nghiêm khắc với các tình huống ăn vạ kiếm phạt đền của các tiền đạo. Không khó để hiểu những sự nghiêm khắc này bởi nó khiến đối phương vô cùng bức xúc, thậm chí thua oan.

Nhưng nhìn nhận cho cùng, việc các tiền đạo cố gắng giả vờ cũng chỉ là để ghi thêm bàn thắng tạo nên những nét đẹp của trận đấu, tạo nên sự hồi hộp, hấp dẫn cho người xem. Họ bị phạt nặng vì hành vi ăn vạ nhưng đáng tiếc, mọi thứ đang bất công cho tuyến trên. Luật bóng đá dường như đã bỏ quên việc các cầu thủ tuyến dưới ăn vạ để câu giờ thì lại được nương tay…

Ăn vạ đã thành nghệ thuật?

Đỉnh điểm của sự ăn vạ trong thời gian gần đây chính là trận cầu giữa QK4 gặp Thanh Hóa. Đội bóng QK4 như chết đuối vớ được cọc khi họ dẫn trước, bị ép sân nhưng rồi lại ghi được 2 bàn lật ngược dòng trước Thanh Hóa. Sau khi có ưu thế về điểm số, QK4 bắt đầu nằm vạ liên tục để làm giảm nhiệt đối thủ, làm giảm nhịp độ trận đấu. Họ bất chấp khán giả Thanh Hóa bực tức lên tiếng chửi, ném vật thể lạ vào phía các cầu thủ. Điều mà các cầu thủ QK4 gợi lên, tựa như hình ảnh của những người cùng khổ. Đói quá nên bất chấp tất cả, chẳng cần hình ảnh đẹp, cũng chẳng cần biết phản bóng đá hay tôn vinh bóng đá là gì, miễn là có một trận thắng, miễn là đội mình thoát nạn!…

Trận đấu vì thế bị cắt vụn ra. Thanh Hóa không thể tổ chức tấn công được, hoặc có tổ chức được 1 tình huống thì lại có chuyện cầu thủ QK4 bị đau, bị ngã nằm sân, cần bác sĩ săn sóc. Có quá nhiều những pha bóng mà người viết tin tưởng 100% rằng, trọng tài biết rõ cầu thủ đó ăn vạ. Thẻ phạt đã được rút ra nhưng chỉ như muối bỏ biển so với số lượng các pha nằm sân.

Đến nỗi khi bình luận sau trận đấu ấy, bình luận viên lão làng Đặng Gia Mẫn phải thốt lên “Phải coi trận đấu này như là một vết nhơ của BĐVN. Và cả hai đội đều xứng đáng xuống hạng không chỉ bởi chuyên môn mà còn bởi phong cách phản bóng đá như thế”

Các thế hệ cầu thủ trẻ Việt Nam nhìn đàn anh làm như thế sẽ ra sao? Lớp trẻ học rất nhanh. Thế nên, nhiều giải trẻ, khán giả đôi lúc cứ phải trầm trồ không phải bởi những pha bóng hay, mà bởi một cầu thủ nào đó chưa bị đối phương đụng tới nhưng ngã lăn như là sắp chết đến nơi. Ăn vạ đã thành hệ thống và đang đưa lên trở thành một “nghệ thuật bóng đá” chăng?

Biện pháp nào?

Rõ ràng, khán giả đến sân để xem 2 đội bóng thi đấu với nhau, quyết giành chiến thắng nhưng họ đã phải xem quá nhiều màn trình diễn thiếu trung thực, giả vờ, thô bạo… Những màn trình diễn chẳng ra kịch cũng chẳng ra thể thao đối kháng.

Nhưng riết rồi tất cả thành quen với những chuyện nằm vạ. Giống như một kẻ đã “một lần ăn cắp lại được tán thưởng thì lần sau, những chuyện ấy sẽ tiếp tục xảy ra”. Cầu thủ ăn vạ đã thành tiềm thức, chỉ cần đụng chuyện giành ưu thế điểm số thì những tiềm thức ấy sẽ sống lại rất nhanh. Thậm chí, một bộ phận khán giả cũng lại thông cảm, đồng tình nếu đội nhà ăn vạ trong tình huống có lợi cho họ.

Song có lẽ đứng trên bình diện những nhà quản lý bóng đá thì đều hiểu: Đó là một trong những thứ phản bóng đá. Câu giờ, ăn vạ trong trường hợp đó sẽ chỉ kéo lùi danh tiếng của giải đấu xuống. V.League tưởng là đứng đầu Đông Nam Á nhưng thật ra chỉ đạt yêu cầu về tính cạnh tranh, còn tính cống hiến thì chưa chắc đã bằng các giải đấu khác.

Mà bóng đá không chỉ là kết quả trên sân mà còn là hình ảnh đội bóng, thương hiệu đội bóng, thương hiệu cá nhân… Đá bóng bất cần tất cả, chơi theo kiểu Chí Phèo ăn vạ, rồi thì mọi thứ sẽ đi đến đâu? Có lẽ đến lúc BĐVN phải xây dựng riêng cho mình những điều luật để phạt nặng hành vi câu giờ, bởi hành vi này đã và đang làm vẩn đục bầu không khí V.League chẳng kém gì nhiều vấn nạn khác như bạo lực, bán độ…

Trương Lương (theo baobongda)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)