Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Vấn đề & sự kiện: Hãy để bóng đá là bóng đá

Tạp Chí Giáo Dục

Người ta đúc kết rằng, “bóng đá không chỉ là bóng đá”. Nó không chỉ giới hạn ở phạm vi sân cỏ, các pha tranh bóng, bàn thắng… Bóng đá còn hàm chứa những yếu tố ngoài chuyên môn. Tính xã hội khiến sân chơi trở nên hấp dẫn. Nhưng khi chuyện của bóng đá được đẩy thành vấn đề của xã hội, xa hơn nữa là mâu thuẫn địa phương thì sức hấp dẫn không còn.

Bóng đá kết nối chúng ta

Một trong những khả năng diệu kỳ của bóng đá là kết nối lòng người. Bóng đá biến những người xa lạ trở thành bạn hữu vì tình yêu bóng đá. Nó xóa nhòa ranh giới sắc tộc, mầu da, tôn giáo, lứa tuổi. Ngay trong mỗi hội CĐV, thì khả năng kết nối của bóng đá rất rõ ràng. Nam – nữ, trẻ – già đoàn kết bên nhau vì mối quan tâm chung. Trước khi đến với bóng đá, họ không hề biết nhau, nhưng cùng niềm đam mê, các CĐV như được sống trong một mái nhà.

Thành công lớn nhất của bóng đá là khơi dậy niềm tự hào dân tộc, gắn kết lòng người

Một trong những thành công lớn nhất của BĐVN trong năm 2008 là khơi dậy niềm tự hào dân tộc, gắn kết lòng người. Không thể quên được hàng ngàn người hát quốc ca giữa đêm lạnh Hà Nội. Cờ Tổ quốc bay rợp trời, cả nước xuống đường vì niềm vui trong bóng đá gắn liền với niềm tự hào dân tộc. Khả năng kết nối trái tim của bóng đá là thế đó!

Tôi nhớ một chi tiết khó quên trong trận đấu giữa HN.ACB và Thể Công mùa giải 2004. Thời điểm đó, HN.ACB đang thăng hoa dưới thời HLV Lê Thụy Hải. Trong khi đó, Thể Công thất thế trong cuộc đua trụ hạng. Trong trận derby Hà Nội, khán đài Hàng Đẫy không có màn kịch chiến giữa CĐV hai đội. Tại khu vực CĐV HN.ACB, xuất hiện hàng loạt biểu ngữ động viên các cầu thủ Thể Công cố gắng. Chủ tịch CHF lúc đó là Nguyễn Hoài Nam còn cầm trên tay biểu ngữ: “Thể Công, hãy ở lại với chúng tôi”. Từ thời điểm đó, mối quan hệ giữa Hội CĐV hai đội được cải thiện. Ngoài ra, còn phải kể đến mối quan hệ hữu hảo giữa CĐV Hải Phòng và Thể Công, Hải Phòng – Thanh Hóa, Thể Công – Thanh Hóa. Thậm chí, CĐV Hải Phòng có thể “chiến” bất cứ ai, nhưng chưa bao giờ có ý định gây gổ với CĐV Thể Công.

Tiếng hát át bạo lực

Sân Vinh không có bạo lực. Người ta nói vui rằng, bạo lực sao được khi cả ngàn nhân viên an ninh chỉ đối diện với “người nhà”, bởi CĐV đội khách phải trải qua hành trình dữ dội mới đến được sân Vinh. Quan trọng hơn, bạo lực đã thay cho tiếng hát đoàn kết vốn được CĐV hai đội ấp ủ. Mối hiềm khích không được giải tỏa. Thậm chí, nó còn được đẩy sang mức độ nghiêm trọng hơn. Hố ngăn cách giữa CĐV hai đội bóng bị đào sâu bởi cách nhìn nhận vấn đề và hướng giải quyết có phần dữ dội.

Ai đó nói rằng, để hóa giải mâu thuẫn, tốt nhất đi từ trái tim. Trong vụ lộn xộn tại Diễn Châu, CĐV Hải Phòng còn cho rằng mình bị “mắc bẫy”. “Một mất mười ngờ”, nhưng đứng trên góc độ giải quyết điểm nóng, những người nhạy cảm thì cho rằng, lấy sức mạnh kìm hãm bạo lực chỉ giải quyết được cái ngọn của vấn đề. Một khi tư tưởng không thoải mái, hiềm khích thêm chất chồng thì nỗi lo còn mãi. Muốn giải quyết triệt để mâu thuẫn, phải có được cái nhìn xa, nghĩ đến lợi ích chung, bởi CĐV Nghệ An, Hải Phòng không thể sống mãi với thù hận. BTC hai địa phương cũng chẳng sung sướng gì khi phải huy động một lực lượng hùng hậu để đối phó với CĐV.

Hãy để tiếng cười thay cho tiếng khóc, sự khiếp đảm mỗi khi các đội bóng gặp nhau. Muốn vậy, người trong cuộc hãy nhìn nhau với sự cởi mở, cảm thông. Cũng không nên coi CĐV đối phương như kẻ thù để dùng mọi phương pháp, công cụ để chiếm thế thượng phong. Mọi chiến thắng bằng bạo lực chỉ là sự thất bại về tình người. Hãy trả lại cho bóng đá vẻ đẹp thuần khiết, giá trị nhân văn. Không ai được nhân danh bóng đá, sử dụng bạo lực để thỏa mãn lòng ích kỷ, toan tính tầm thường của mình.

Khắc Sơn (theo baobongda)

Bình luận (0)