Khi so sánh trọng tài nội với trọng tài ngoại, người ta không so sánh về chuyên môn, mà về sự độc lập trong các quyết định, cũng như cái dũng khí. Sự cố mất điện 4 lần trên sân Bình Dương hôm 12/7 phản ánh sự thiếu dũng khí của trọng tài nội…
“trách nhiệm tập thể”
Về cơ bản, trọng tài hoàn toàn có quyền quyết định cho trận đấu ngưng hay tiếp tục, trong những điều kiện đặc biệt gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng chuyên môn của trận đấu.
Tranh cãi nổ ra khi trận đấu bị ngắt quãng vì mất điện đến 4 lần |
Việc 1 sân bóng mất điện đến 4 lần trong trận bán kết cúp quốc gia không thể nói là không đặc biệt được. Và việc mất điện liên tục như thế cũng không thể nói không gây ảnh hưởng đến chuyên môn của trận đấu. Ngược lại là đằng khác, yếu tố chuyên môn của trận này bị chi phối quá lớn với những lần ngắt quãng liên tục.
Sở dĩ bóng đá hấp dẫn là vì tính liên tục của các trận cầu, khác với bóng chuyền hay tennis. Ngoài khoảng nghỉ bắt buộc giữa 2 hiệp, thì các cầu thủ hầu như thi đấu liên tục (thậm chí, nếu có hiệp phụ thì người ta cũng không nghỉ ở giữa 2 hiệp phụ, mà 2 đội đổi sân và đá ngay).
Đằng này, trận đấu bị ngắt quãng đến 4 lần, vì cùng 1 lý do. Sau những lần ngắt quãng ấy, độ hưng phấn và nhịp sinh học của cầu thủ chắc chắn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là với các đội đang bị dẫn bàn, hầu như không còn tâm lý đâu nữa mà gỡ.
Ấy thế mà trận bán kết một giải đấu tầm cỡ quốc gia như trận B.Bình Dương đụng HA Gia Lai diễn ra trong bối cảnh liên tục phải tạm dừng như thế, đội khách phản ứng như thế, nhưng trọng tài vẫn không dám hủy trận đấu.
Đấy là một quyết định thiếu dũng cảm thường thấy ở các trọng tài nội. Không thể nói họ không có kinh nghiệm (riêng người thổi trận này là ông Võ Quang Vinh có đến 2 lần nhận danh hiệu “vòi vàng” Việt Nam), cũng chưa bàn đến khả năng chuyên môn của họ.
Ở đây, rõ ràng là trọng tài cứng nhắc, thiếu uyển chuyển và nói thẳng là sợ trách nhiệm nên không dám tạm ngưng trận đấu tại thời điểm mất điện, dời sang một ngày khác.
Tính độc lập giữa trọng tài ngoại và trọng tài nội
Trọng tài Việt Nam thường không dám tự mình đưa ra các quyết định nhạy cảm, ngoài vấn đề dũng khí, còn xuất phát từ cái gọi là… “trách nhiệm của tập thể”.
Thứ hai là tính độc lập của các trọng tài Việt Nam. Đây là điều mà người ta nói đến nhiều nhất khi so sánh giữa trọng tài nội với trọng tài ngoại. Người ta không so sánh về mặt chuyên môn, bởi về chuyên môn trọng tài ngoại chưa chắc hơn trọng tài nội.
Nhưng điều mà người ta cần nơi trọng tài ngoại là sự khách quan, là tính độc lập trong từng quyết định, nhất là các quyết định ở thời điểm nhạy cảm. Cụ thể một trận đấu như trận bán kết B.Bình Dương – HA Gia Lai mới thấy trọng tài nội thiếu tính độc lập.
Trọng tài ngoại độc lập hơn trọng tài nội ở chỗ họ không liên quan gì đến các giám sát. Chuyện các giám sát trọng tài chấm điểm họ ra sao, “tâu” gì với cấp trên là điều họ không quan tâm.
Các trọng tài ngoại cũng chẳng dính gì đến các địa phương, nên họ cũng không cần biết địa phương nào chịu thiệt và địa phương nào được lợi sau mỗi quyết định của họ. Và hơn hết, chắc chắn các trọng tài ngoại không dính gì đến các zíc-zắc luôn được đồn thổi trong giới trọng tài Việt Nam.
Người ta sẽ không phản ứng về chuyên môn của tổ trọng tài điều hành trận bán kết quốc gia giữa B.Bình Dương và HA Gia Lai, nhưng người ta có quyền đặt câu hỏi về tính khách quan với các trọng tài đã không dám hủy một trận đấu bị ngắt quãng đến bất thường? Tại sao quyết định đấy đã làm lợi cho một đội và gây thiệt hại lớn cho đội khác, vốn đang bị dẫn bàn?
Trọng tài nội đôi khi bị “soi”, đôi khi mất đi tính độc lập cũng vì những chuyện tưởng như nhỏ mà không hề nhỏ ấy, dù về chuyên môn, chưa chắc họ kém!
Kim Điền (theo dantri)
Bình luận (0)