Y tế - Văn hóaThư giãn

Vận đen của tàu ngầm hạt nhân K-19 – Kỳ cuối

Tạp Chí Giáo Dục

Trong chuyến hành trình đầu tiên vào ngày 4/7/1961, dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng số 1 Nikolai Vladimirovich Zateyev, K – 19 được điều hành tập trận tại khu vực bắc Đại Tây Dương gần với phía nam đảo Greenland.

THẢM HỌA HẠT NHÂN
Con tàu đã gặp phải vấn đề khi có một lỗ rò lớn ở hệ thống làm lạnh lò phản ứng, làm áp suất nước ở đáy lò phản ứng giảm đột ngột bằng 0 và gây hỏng bơm nước làm mát. Một sự cố khác đã vô hiệu hóa hệ thống sóng dài làm con tàu không thể kết nối về Moskba. Mặc dù các thành điều khiển được đút vào thông qua cơ chế SCRAM (ngừng khẩn cấp lò phản ứng) nhưng nhiệt độ lò tăng một cách không kiểm soát, lên tới 800OC do sự phân rã hạt nhân. Lò phản ứng tiếp tục tăng nhiệt do không được cấp nước làm mát trong quá trình ngừng khẩn cấp. Đây là một thiếu sót trong thiết kế do không tính toán tới hệ thống làm mát dự phòng.
Đưa ra quyết định táo bạo, Zateyev ra lệnh các kỹ sư phải tạo ra hệ thống nước làm mát mới bằng việc cắt bỏ các van cấp khí và hàn thành hệ thống ống cung cấp nước. Công việc yêu cầu các kỹ sư phải làm việc trong môi trường phóng xạ cao trong nhiều giờ. Sự cố đã làm rò rỉ hơi phóng xạ chứa các sản phẩm phân hạch và qua hệ thống thông hơi lan tỏa tới các khoang khác trên tàu. 

Thuyền trưởng Zateyev.

Các kỹ sư đã hy sinh mạng sống của chính bản thân đi lấy dung dịch làm mát từ lò phản ứng thứ hai để tránh làm tan chảy lò phản ứng bị sự cố. Hệ thống nước làm mát tạm thời đã hoạt động thành công giúp làm giảm nhiệt độ ở lò phản ứng. 

Thay vì tiếp tục nhiệm vụ như kế hoạch, thuyền trưởng quyết định quay lại phương nam để gặp những con tàu ngầm sử dụng diesel. Những lo lắng về sự nổi loạn của thủy thủ đoàn khiến Zateyev yêu cầu mọi người vứt bỏ hết vũ khí, trừ 5 khẩu súng ngắn trang bị cho 5 sỹ quan tin cậy nhất. Một tàu ngầm chạy diesel mang tên S – 270 đã lai dắt K – 19 trong tình trạng hết năng lượng.
Các tàu chiến Mỹ gần khu vực đó cũng phát hiện ra sự việc và đề nghị giúp đỡ nhưng Zateyev do lo ngại lộ bí mật quân sự của Liên Xô với phương Tây nên đã từ chối và quyết định tiếp cận với S – 270. Ông sơ tán thủy thủ đoàn và trở về căn cứ quân sự của Nga. Sau khi cập cảng, con tàu làm ô nhiễm một khu vực có bán kính 700 m. Tiếp sau hai năm, các đội đã sửa chữa và thay thế lò phản ứng bị hỏng. Quá trình sửa chữa gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Hải quân Liên Xô đã vứt bỏ khoang chứa phóng xạ xuống biển Kara.
Sự cố khiến chất phóng xạ nhiễm toàn bộ con tàu và một vài tên lửa hành trình đặt trên boong, toàn bộ thủy thủ đoàn cũng bị ảnh hưởng. Bảy thành viên của đội kỹ sư đã chết do phơi nhiễm phóng xạ trong tháng sau đó và 15 thủy thủ lần lượt qua đời trong hai năm sau đó. 

K – 19 trong hành trình đầu tiên.

Con tàu tiếp tục trải qua một vài vụ tai nạn, gồm hai lần hỏa hoạn và một lần va chạm. Do có hàng loạt sự cố nên các thủy đoàn đã đặt biệt danh cho con tàu là Hiroshima (một trong hai thành phố của Nhật Bản phải hứng chịu bom hạt nhân từ Mỹ).

Theo giải thích của quan chức chính phủ về vụ tai nạn, các đội sửa chữa đã phát hiện lỗi là do quá trình hàn lắp ráp. Những kỹ sư phát hiện trong khi lắp đặt hệ thống ống làm mát, do không gian làm việc chật chội, các thợ hàn đã ngại không phủ chất a-mi-ăng lên ống để bảo vệ ống. Những tia lửa hàn đã gây ra các vết nứt vô hình trên bề mặt đường ống. Những vết nứt này dưới áp suất lớn (hơn 200 atm) đã lan rộng trên hệ thống ống nối của tàu, dẫn đến sự cố nghiêm trọng.
Tuy nhiên, kết luận này đã vướng phải những ý kiến trái chiều. Thiếu tướng Hải quân nghỉ hưu Nikolai Mormul nhận định rằng lò phản ứng khi bắt đầu thử ở trên cạn, đội xây dựng đã không gắn đồng hồ áp suất vào hệ thống làm mát. Trước khi bất kỳ ai nhận ra có vấn đề, các ống làm mát phải chịu áp suất lên tới 400 atm, gấp đôi áp suất giới hạn. 
Ngày 1/2/2006, cựu Chủ tịch Liên Xô Mikhail Gorbachev đã gửi thư tới Ủy ban Nobel Na Uy đề nghị trao giải Nobel Hòa bình cho thủy thủ đoàn K – 19 vì những hành động dũng cảm và xả thân mình của họ để cứu lò phản ứng hạt nhân, ngăn chặn một vụ thảm họa hạt nhân xảy ra trong ngày 4/7/1961.

Hoàng Trang/ Tin tức

 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)