Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Vận động quá sức dễ bị ngất

Tạp Chí Giáo Dục

Không nên cho HS vận động quá sức để tránh bị ngất xỉu (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Trong những giờ ra chơi, nhất là các tiết học thể dục thường xảy ra hiện tượng một số HS bị ngất xỉu. Những lúc đó, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dễ bị nguy hiểm đến tính mạng.
Ngất xỉu bất ngờ
Là một vận động viên của Trường THCS B.L.T, Q.Bình Thạnh, TP.HCM em Nguyễn Thị Th., HS lớp 9 đã tình nguyện đăng ký cuộc thi chạy vì phong trào TDTT trong trường học do Quận đoàn tổ chức. Trong đoạn đường đầu khoảng 1km Th. chạy rất hăng, vượt qua một số đối thủ mạnh trong tốp. Thế nhưng, chạy được nửa đường thì em có vẻ bắt đầu mệt, tốc độ không còn được như trước nữa. Khi chạy đến cuối đường Lê Quang Định, do gắng thêm nên nhịp chân của Th. bắt đầu chậm lại. Lúc này mặt em đã bắt đầu biến sắc, từ hồng hào chuyển sang tái xanh và thở dốc như không còn hơi trong người nữa. Chỉ còn 500m nữa là về tới đích thì bất ngờ Th. ngã quỵ xuống và nằm sấp giữa mặt đường. Một cổ động viên là BS có mặt trong ngày hôm đó khẳng định, Th. đã bị ngất do ráng sức trong khi vận động.
Trước đó, trong một giờ học thể dục tại SVĐ Quân khu 7,HS Lê Huy T. Trường THCS T., Q.Tân Bình đã ngất xỉu sau khi chạy một vòng quanh sân. Nằm ngửa xong, mắt T. trợn ngược, miệng sùi bọt mép, chảy nước dãi, hỏi gì cũng “không chịu” trả lời. Sau khi được sơ cứu, T. tỉnh lại nhưng cũng đã làm cho thầy giáo và bạn bè trong lớp bị một phen hú hồn. Theo BS. Châu Ngọc Hoa – Trưởng khoa Tim mạch BV Đại học Y dược TP.HCM thì triệu chứng ngất xỉu có liên quan đến bệnh tim mạch. Có người hay bị chết giấc trong môi trường ngột ngạt hoặc do có tiền sử về bệnh tim mạch mà cụ thể là bệnh lý của một số bộ phận trong tim như: Cơ tim, van tim, mạch máu. Vì thế, có nhiều HS dù ngồi trong lớp học không hoạt động gì vẫn có thể bị ngất một cách bất ngờ. Ngất xỉu thường xảy ra khi trong cơ thể bị rối loạn nhịp tim: Quá chậm (dưới 30 nhịp đập / phút), quá nhanh (trên (180 nhịp/ phút).
Phải sơ cứu thật nhanh
Đối với HS, mặc dù đây là lứa tuổi cơ thể đang phát triển nhưng nếu ít vận động thì rất dễ bị ngất xỉu sau mỗi lần vận động quá sức trong các tiết học thể dục. Tuy có sức khỏe nhưng Nguyễn Thị Th. lại có “thói quen” không chịu ăn sáng. Trước khi vận động lại uống ít nước. Đó cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng ngất của HS trước khi đến trường vào lớp. Theo lời khuyên của BS. Hoa, khi bạn bè trong lớp bị ngất xỉu, cần phải được phát hiện kịp thời và sơ cứu thật nhanh như: Đem vào chỗ thoáng mát, đắp khăn ướt, nới lỏng quần áo kịp thời xoa bóp kích thích cơ thể. Tốt nhất cho người bệnh nằm nghiêng đầu sang một bên để tránh thụt lưỡi mà dân gian gọi là cứng họng, đầu thấp hơn người để cho máu lúc này chảy xuống nuôi não. Có thể cử động chân tay lên xuống hoặc ấn ngực nhẹ, nhấn huyệt nhân trung (dưới gốc mũi), hô hấp nhân tạo để phục hồi nhịp thở của tim sau đó nhanh chóng đưa vào cơ sở y tế gần nhất để tiêm thuốc trợ tim.  Trong dân gian có nhiều kinh nghiệm khác như: Gây hắt hơi bằng cách ngoáy mũi, xông khói quả bồ kết nướng, uống nước gừng pha rượu, tát nhẹ vào má hoặc giật tóc cho tỉnh. Nếu nhẹ chỉ sau một phút là bệnh nhân tỉnh táo lại. Phải bằng mọi cách để cứu sống mạng người trong khả năng có thể.
Giáo viên dạy thể dục không chỉ giảng dạy theo nội dung giáo án của mình mà phải có phương pháp linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, quan tâm và ưu tiên hơn với HS thể lực yếu, đang bị bệnh. Không nên cho HS vận động quá sức, nhất là giữa thời tiết nắng nóng, đặc biệt là không trách phạt các em bằng mọi hình thức vận động theo kiểu cực hình.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

Bình luận (0)