Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Văn hóa & Ðạo Ðức: Niềm vui của mẹ tôi

Tạp Chí Giáo Dục

Ðợt vừa rồi vì bận công việc, gần hai tháng vợ chồng tôi không đưa con về thăm ông bà ngoại. Nhân ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi đưa con về chơi, kẻo ông bà đã gọi điện trách mấy lần.

Bố mẹ tôi đều là giáo viên về hưu, hiện ở với anh trai tôi. Nghe tiếng con cháu, mẹ tôi vội vàng ra mở cửa, rồi vừa bế vừa nựng cháu bé, vừa trách vợ chồng tôi để bà phải đợi cả tháng mới được bế cháu. Vào nhà, ông bà con cháu chuyện trò ríu rít được một lát thì lại có tiếng chuông. Tôi ra mở cửa. Ngoài cửa là một người đàn ông cao lớn, da ngăm đen, tay ôm bó hoa, tay xách cái túi. Thấy tôi, người đàn ông hỏi: "Hoài nhận ra anh không?". Tôi ngờ ngợ vì có nét quen quen nhưng chưa nhớ là ai, chỉ đoán là học trò cũ của bố mẹ tôi. Tôi cười và thú thật là chưa nhớ, rồi mời anh vào nhà. Nhìn người đàn ông từ cửa đi vào, đang ngồi ôm cháu trên ghế, mẹ tôi đứng bật dậy và hỏi: "Trung phải không em?". Người đàn ông òa khóc rồi chạy tới ôm chầm lấy mẹ tôi. Mẹ tôi cũng vậy. Lúc ấy tôi mới nhớ ra, anh tên là Trung, gần chục năm trước anh là học trò của mẹ tôi.
Anh Trung tặng mẹ tôi bó hoa, lúng búng mấy câu gì đó xong ngồi xuống ghế. Mẹ tôi nhìn anh từ đầu đến chân, rồi hỏi: "Em đi đâu mà chục năm không cho cô biết tin?". Anh Trung lặng đi một lát, mắt vẫn đỏ hoe, nói với mẹ tôi:
– Ngày trong trại, em nhớ bố mẹ, thương bố mẹ vì em mà khổ sở, vất vả. Em nhớ cô, vì em không nghe lời cô. Em nhớ các bạn vì ai cũng có công ăn việc làm tử tế, mình em là đâm đầu vào chỗ xấu xa. Ra trại, em xấu hổ không dám về nhà. Bác ruột em ở miền nam đưa em vào trong đó làm việc. Em ra trại một thời gian, bố mẹ em chuyển nhà về quê dưới xuôi. Hằng năm em ra bắc thăm bố mẹ, nhưng chưa dám lên đây thăm cô. Giờ em đã có nhà cửa, công việc ổn định, lại sắp cưới vợ, em mới dám lên đây gặp cô.
Mẹ tôi lại ứa nước mắt, cầm tay anh Trung và bảo: "Cô đến nhà tìm, hàng xóm bảo bố mẹ em đã chuyển về quê, từ dạo ấy cũng bặt tin em luôn".
Hồi còn đi học, mọi người gọi anh Trung là "Trung đầu bò", học sinh cá biệt trong lớp mẹ tôi là chủ nhiệm. Anh nghịch ngợm, bướng bỉnh và chẳng sợ ai. Nhà trường, gia đình anh rồi mẹ tôi tìm đủ cách dạy bảo, anh vẫn chẳng thay đổi. Cuối năm cấp hai anh bỏ học. Bố mẹ anh khóc hết nước mắt. Mẹ tôi và các anh chị cùng lớp đến nhà thuyết phục thế nào anh cũng không đi. Một lần, anh trèo lên cái ô-tô đường dài chạy qua thị xã rồi đi luôn, không nói với ai. Gia đình anh tìm mãi mà không thấy. Vài năm sau có tin anh tham gia nhóm cướp giật, bị công an bắt, phải đi cải tạo. Ngày đó tôi vẫn ở nhà với bố mẹ, nhiều lần bạn bè cùng lớp anh đến thăm mẹ tôi, thấy các anh chị đều trưởng thành, nhắc đến anh Trung là mẹ tôi lại buồn, thở vắn than dài, dặn các anh chị nếu biết anh Trung ở đâu thì báo cho mẹ tôi biết… Thế mà gần mười năm đã trôi qua.
Anh Trung lấy từ chiếc túi ra một gói quà, anh vừa rơm rớm vừa nói: "Cô ơi, đây là tấm vải em đem từ miền nam ra. Em muốn cô may một chiếc áo, để mỗi lần mặc áo cô lại nhớ đến em, và cô sẽ luôn nghĩ em đã thành người tử tế". Nghe anh Trung nói, tôi cũng thấy xúc động. Còn mẹ tôi thì tay cầm món quà, tay đặt lên vai anh và bảo: "Trung à, thế là cô yên tâm rồi!".
Theo TRẦN THU HOÀI
(NDĐT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)