Y tế - Văn hóaThư giãn

Văn hóa bệnh viện

Tạp Chí Giáo Dục

Vào bệnh viện (BV) công, người bệnh phải chi trả mọi thứ, thế nhưng họ thường xuyên nhận lại cung cách phục vụ, thái độ, lời nói từ y, bác sĩ (BS), hộ lý rất đỗi khó chịu và lạnh lùng… nếu không nói là thiếu văn hóa.
Quát nạt, khó chịu
Chị P.Y (ở TP.HCM) nhớ mãi lần sinh đứa con đầu lòng mới đây ở một BV tại TP.HCM. “Ở nơi ấy (phòng chờ sinh) tôi và một số thai phụ bị hành, bị mắng cũng phải ráng chịu đựng để vượt cạn cho xong, thật khó mà tưởng tượng, người ta ăn nói với người bệnh như vậy”, P.Y nói.
Khi chị Y. ra nước ối, vội vào BV, thì ê kíp trực cho chị nằm chờ đã đời, đến hôm sau thì bảo về đi, hơn 10 ngày nữa mới sinh. Người nhà lo lắng, thắc mắc thì BS nói “ở đây tôi là BS”. “Đành làm thủ tục xuất viện. 3 giờ chiều xuất viện về nhà, con tôi tiếp tục đau bụng và ra nước ối, quá lo lắng, tôi đưa cháu đến khám ở phòng mạch một BS sản, BS này đề nghị nhanh chóng đưa vào viện ngay, vì rất nguy hiểm. Chúng tôi vội đưa cháu quay lại BV, lần này phải nhờ người quen gửi gắm thì thái độ của y, BS khác hẳn. Đến hôm sau thì Y. sinh em bé. Nếu gia đình tôi ở xa, và là người không hiểu biết, thì con và cháu tôi sẽ ra sao đây?”, bà Trang, mẹ sản phụ Y. bức xúc kể.
Chia sẻ với PV Thanh Niên về lần vượt cạn, chị Y. nói: “Là giáo viên, nhưng tôi phải ráng chịu đựng thái độ, cách ăn nói thiếu tế nhị của một số người của BV này. Họ quát nạt, la mắng người bệnh như con cháu! Khi ở phòng chờ sinh, theo hướng dẫn của y, BS, nhiều thai phụ đi lại để dễ sinh, đến khi nhân viên khác vào thì quát “trời ơi, khi nào sinh thì nó sinh, các bà tưởng đi lại như thế là dễ sinh à?!”. Thế là chị em thai phụ lót tót bò lại lên giường!”.
Còn chị Nhi (ở TP.HCM) đưa con trai 8 tuổi bị viêm mũi đến khám ngoại trú ở một BV nhi. Uống thuốc 4 ngày nhưng bé vẫn còn ho, sốt, chị lo lắng đưa cháu quay lại BV tái khám. Thấy con ho nhiều, sợ cháu mắc bệnh phổi, chị muốn bày tỏ với BS cho kiểm tra phổi. “Mới mở miệng chưa dứt lời thì bị BS gắt gỏng “nếu muốn đi chụp thì cứ đi, thích thì làm”. Mình đã bỏ tiền khám dịch vụ, thay vì thấy người nhà lo lắng thắc mắc, thì BS nên giải thích rõ, có cần thiết phải chụp kiểm tra phổi hay không, đằng này lại gắt gỏng như thế. Thật tình mỗi khi vào BV, sợ lắm cách ăn nói của BS!”, chị Nhi ngao ngán.
Ở lĩnh vực sản và nhi thì như thế, còn tại phòng săn sóc đặc biệt của BV đa khoa T. (Q.5, TP.HCM), mới đây, chị Gái, ngụ (Q.10, TP.HCM) là người nhà một bệnh nhân lớn tuổi, cùng nhiều thân nhân bệnh nhân khác đang điều trị không chịu đựng được kiểu quát nạt, la mắng của một hộ lý tại đây nên đã cùng nhau lên phản ánh với ban giám đốc BV. Sau khi nhận phản ánh, một lãnh đạo BV này đã xuống tận khoa họp rút kinh nghiệm, đồng thời điều chuyển người hộ lý ấy sang làm việc tại một khâu khác. “Nếu lãnh đạo BV nào cũng biết lắng nghe, khắc phục như BV này thì sẽ giảm thực trạng thái độ cư xử, cung cách phục vụ xem thường người bệnh của y, BS”, chị Gái nói.

Sự ân cần của y, bác sĩ là “liều thuốc” giúp người bệnh mau khỏi bệnh – Ảnh: Thanh Tùng
Lơ đễnh, thiếu quan tâm
Thái độ, cung cách phục vụ của y, BS không chỉ là lời ăn, tiếng nói với người bệnh, mà còn thể hiện qua việc theo dõi, chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Đành rằng, nhiều lúc lượng bệnh nhân đông đúc quá tải, khiến y, BS khó mà quan tâm sát sao từng ca bệnh; tuy nhiên, việc không quan tâm sát sao người bệnh, dẫn đến nhiều trường hợp bị tai biến, tử vong đáng tiếc diễn ra. Những vụ tai biến sản khoa liên tục xảy ra trong thời gian ngắn vừa qua là ví dụ điển hình.
Cuối tháng 5 vừa qua, một nam bệnh nhân 45 tuổi vào điều trị tại BV B.D (TP.HCM) và được chẩn đoán bị sỏi thận bên trái. Thế nhưng, sau khi mổ (ngày 30.5), bệnh nhân phát hiện BS mổ thận bên phải. Gia đình người bệnh ngạc nhiên, tìm gặp BS, lãnh đạo BV thắc mắc. Sau đó phía BV trả lời: do BS phát hiện thêm bệnh nhân có cả sỏi bên thận phải, nên mổ phía thận phải trước (?!). Câu trả lời này, giới trong nghề không đồng tình bởi nếu đã chỉ định mổ sỏi thận trái, mà sau đó mổ thận phải thì cần thông báo cho người nhà biết trước mổ chứ? Phải chăng, vì lỡ nhầm lẫn rồi nên giải thích cho qua chuyện?
Hy hữu hơn, trước đó, BS của BV Đ. (một BV đa khoa khu vực quận ở TP.HCM) lơ đễnh đến mức bệnh nhân nữ 21 tuổi bị gãy chân bên trái, có chụp phim X-quang hẳn hoi, nhưng BS lại bó bột phía chân bên phải (chân không gãy). Bó bột xong, BS cũng không hề hay, đến khi người nhà phát hiện thì BS và Khoa Ngoại mới biết!
Những điều trông thấy mà…
* Có mặt tại BV U.B (TP.HCM) một chiều cuối tháng 5, PV Thanh Niên chứng kiến, ở quầy thu viện phí, nữ bệnh nhân M.T (ở Tây Ninh) cứ phải chạy qua chạy lại giữa ô đóng tiền số 1 và số 5 thật tội nghiệp. Vì không biết, nên chị nộp trước thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) vào ô cửa số 5, nên khi qua ô số 1 nhân viên hỏi thẻ BHYT thì chị không có. Chị nhờ một nữ nhân viên phụ trách chuyển bệnh án xuống nơi làm thủ tục xuất viện để nhờ xin lại giấy BHYT đưa đi photocopy, nhưng nhân viên này không giúp mà còn la chị rồi bỏ đi. Khi chị M.T nhoài người vào cửa số 1 để hỏi người đứng quầy thu tiền: “Trường hợp của em bây giờ phải làm sao hả chị?”, hỏi đến 3, 4 lần thế nhưng không được đáp lại lời nào!
* Tại BV sản khoa H. (TP.HCM), ở khu nhận bệnh, một nhân viên phụ trách khai thông tin bệnh nhân lạnh lùng hỏi các chị em đến khám: “Tên? Tuổi? Làm gì? Ở đâu? Mấy con rồi?…”. Giọng điệu và cách hỏi ấy khiến nhiều chị em cứ tưởng như mình đang bị lấy cung.
* Tại BV R. (TP.HCM): Chị T.H (quê Đồng Nai) vào chăm sóc mẹ đang điều trị ở lầu 6, vì xách đồ đạc quá nặng chị định đi nhờ thang máy thì bị nhân viên thang máy đuổi thẳng và nói: “Thang máy này ưu tiên BS đi khám bệnh”!
 
Theo TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)