Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Văn hóa biển: nhiều điều chưa khám phá

Tạp Chí Giáo Dục

 Những bằng chứng về sự hiện diện của các cộng đồng dân cư người Việt trên biển Đông từ hàng nghìn năm trước vừa được giới thiệu trong triển lãm Di sản văn hóa biển VN khai mạc chiều 18-5 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (25 Tông Đản, Hà Nội).
Chân đèn Lạch Trường (thời kỳ Đông Sơn) mang phong cách La Mã được phát hiện ở mộ cổ Việt Khê (Đông Triều, Quảng Ninh) – Ảnh: H.Hương
Nhân triển lãm này, Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (ĐH KHXH&NV Hà Nội) – người tham gia nhiều cuộc khảo sát, khai quật khảo cổ học tại các di chỉ Cù Lao Chàm, văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo – về những hiện vật đại diện cho văn hóa biển của cộng đồng người Việt. Bà nói:
– Chúng ta phải hiểu văn hóa biển là gì, là sống với biển, khai thác biển, triết lý và tư duy về biển.
* Những di vật hiện có sau các cuộc khai quật khảo cổ học thể hiện vai trò của người Việt trên biển Đông như thế nào?
– Thời Đông Sơn thể hiện rất rõ, cư dân Đông Sơn phải chiếm lĩnh được biển họ mới giao thương, trao đổi được các trống đồng. Người Sa Huỳnh, tiền Sa Huỳnh cũng thế, nếu không có thì sao có những sự giống nhau giữa Philippines với VN về đồ gốm, khuyên tai hai đầu thú và lối chôn cất. Kể cả thời nhà nước phong kiến sau này, tàu nước ngoài chỉ vào ăn hàng nhưng không cập cảng cũng không phải tư duy biển người Việt có vấn đề, mà là do những vấn đề về quốc phòng an ninh. Việc ngoại thương hơi bị động chỉ nằm ở nhóm người Việt phía Bắc, trong một số giai đoạn lịch sử thôi và đấy là mang tính chính ngạch, mình chưa biết tiểu ngạch như thế nào đâu.
Những hiện vật về giao thương, trao đổi này cho thấy vào thời Sa Huỳnh, cư dân vẫn đi lại nhộn nhịp trên biển, có các cuộc di dân thông qua con đường biển, đóng mảng, dựa vào gió mà đi.
* Thực tế việc nghiên cứu “văn hóa biển” ở VN hiện nay đã đi đến đâu?
– Thật ra GS Trần Quốc Vượng, GS Ngô Đức Thịnh đã nói từ rất sớm nhưng nếu nói bài bản và hệ thống thì chưa thấy. Hiện nay chúng ta chưa có ngành khảo cổ học biển, kể cả khảo cổ học sông cũng chưa có. Đó là ngành phải có lộ trình, đòi hỏi nhân lực cao, trong khi chúng ta không có chuyên gia. Nếu mình không làm bây giờ thì về sau nữa rất khó, các cửa biển giờ cũng sắp biến thành đầm nuôi tôm hết rồi. Phần lớn địa điểm khảo cổ học cứ chìm đi thôi. Tiền là một chuyện nhưng hiện nay chúng ta không có chiến lược.
Về mặt khảo cổ học biển đảo phải có những phương pháp, phải có chuyên ngành riêng, phải có kinh phí. Đơn giản câu chuyện mình chứng minh chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Người Trung Quốc nói rằng có gốm Trung Quốc ở Hoàng Sa. Cái đó không chứng minh được điều gì cả bởi gốm sứ là những mặt hàng trao đổi. Không thể nói ở Trung Quốc tìm thấy gốm Chu Đậu thì đó là chỗ người Việt sinh sống. Chúng ta nên tổ chức các hạm đội khảo cổ như người Philippines đang làm hiện nay với những lực lượng chuyên gia và máy móc chuyên biệt.
HÀ HƯƠNG
Theo TTO

Bình luận (0)