Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Văn hóa đọc cần cộng đồng chung tay

Tạp Chí Giáo Dục

Tr nh đc sách ti Thư vin Cm Trưng (Qunh Yên, Qunh Lưu, Ngh An)

Khi người lớn và trẻ em đều gần như lệ thuộc vào những sản phẩm công nghệ, mà chiếc điện thoại di động thông minh (smartphone) là cái quyến rũ nhất với các trò chơi điện tử, lướt facebook, zalo, giao tiếp và trả lời tin nhắn trên các nhóm bạn (group)… Đó là thách thức với những người mang sách đến cho các nhóm cộng đồng còn thiếu sách.

Nhóm thư viện chúng tôi lúc mới thành lập gặp những câu hỏi rất ư là khó trả lời như: “Giờ ai còn đọc sách giấy nữa, sách đầy trên mạng, cần quyển nào là có, thời gian đâu mà đọc…”. Vì vậy mà nhiều nhóm đã tự giải tán sau khi hoạt động một vài năm hoặc một số thành viên trong nhóm vì nhiều lý do khác nhau cũng đã rời khỏi công việc mang sách đến cho trẻ. Cung cấp sách cho cộng đồng đã khó nhưng duy trì hoạt động mang tính dài hơi mà kết quả khó định lượng trong một vài năm đã làm nhiều người nản chí. Thư viện chúng tôi hiện nay đã có trên 500 thẻ đọc và mượn được phát hành trong 3 năm qua, đáng mừng hơn là ở đây có 500 bạn đọc thường xuyên, chiếm chừng 10% (500/5.000) dân số ở làng. Lúc này chúng tôi đối diện với những câu hỏi mới như: “Ai sẽ quản lý thư viện? Làm sao để thư viện hoạt động hiệu quả và thân thiện?”. Và, tệ nhất là việc mất sách, đây là điều mà nhiều nhà hảo tâm đóng góp cho thư viện quan tâm.

Ở đây, tôi xin nêu ra cách vận hành Thư viện Cẩm Trường (Quỳnh Yên, Quỳnh Lưu, Nghệ An) hiện nay do nhóm chúng tôi tổ chức để góp thêm một cách nhìn về hoạt động của thư viện. Để giải quyết những câu hỏi trên đây, nhóm chúng tôi đã họp bàn với nhau để tìm cách cải thiện tình hình. Ban điều hành chọn học sinh THPT để hướng dẫn cách quản lý, tổ chức sắp xếp thư viện, từ đó bạn đọc đến thư viện sẽ được các bạn quản lý hỗ trợ tìm sách đọc hay mượn về. Mỗi học sinh quản lý là một “đại sứ” để làm cho hình ảnh thư viện thân thiện và trẻ trung gần gũi hơn với độc giả lứa tuổi nhỏ. Ban điều hành thư viện mỗi người ở một nơi, mỗi năm tùy điều kiện và khả năng về gặp mặt hướng dẫn cải thiện những vấn đề còn tồn tại và hướng phát triển tốt hơn, còn quanh năm chúng tôi thường xuyên trao đổi qua công cụ messenger.

Vấn đề mất sách là đáng lo nhất, nhưng trong cái lo có cái mừng! Ai cũng biết mất sách thì phải đi xin hỗ trợ để mua sách bù vô, ai cũng hiểu nếu hoạt động không hiệu quả thì sẽ không có nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ, nhưng có một điều mà cả nhóm đều thống nhất với nhau là “mất sách cũng là điều may” vì khi mở thư viện với bao nhiêu công sức và tiền bạc chỉ sợ không ai đọc, nhưng giờ không chỉ có nhiều người đọc mà còn có bạn nhỏ vì ham đọc mà lấy trộm sách về. Chúng tôi không cổ vũ việc trộm sách, cũng không cho rằng ham đọc sách mà lấy trộm, nhưng chúng tôi vui vì học sinh trong làng đã đến với thư viện thường xuyên, còn yêu quý nhiều đầu sách đến nỗi mong muốn sở hữu nó. Và, các em khao khát sở hữu một quyển sách nào đó đến nỗi phải “trộm” có lẽ rằng các em rất thích sách.

Thiết nghĩ, để hình thành thói quen đọc sách và sau nữa là văn hóa đọc thì cần sự kiên trì của những người đã cùng chung tay xây dựng thư viện từ ngày đầu, cần sự tin tưởng từ mọi người xung quanh đặc biệt là phụ huynh học sinh, hơn nữa là các nhà hảo tâm… Đọc sách – một hoạt động được chứng minh trong lịch sử loài người là một hoạt động cần thiết và vô cùng quan trọng. Không cần thử nghiệm đúng sai mà chỉ cần thời gian để tạo nên kết quả trong sự làm việc nghiêm túc.

* Thông tin về thư viện nhóm chúng tôi đang vận hành tại: https://www.facebook.com/ThuvienCamTruong/

Nguyn Minh Thanh

 

Bình luận (0)