Học sinh đọc truyện tranh tại thư viện nhà trường (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh
|
Trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT hay ĐH-CĐ, các giám khảo thường ngán ngẩm lắc đầu với những câu văn ngô nghê, những cột mốc lịch sử bị sai lệch, rồi lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia.. .như gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc xa rời văn hóa đọc của giới trẻ trong giai đoạn hiện nay.
Dừng chân trên những con phố đông đúc, nơi tập trung nhiều trường học, không khó để bắt gặp những cửa hàng sách cũ giá rẻ. Đa số các cửa hàng đều nằm ở mặt phố, rộng rãi, khang trang, đề bảng rất dễ tìm, và nhìn vào bên trong thì các loại sách báo khá đa dạng. Tuy nhiên, phần lớn các cửa hàng này đều hoạt động cầm chừng vì ít khách đến hỏi mua, hoặc có mua thì cũng chỉ mua truyện tranh, tiểu thuyết ngôn tình là chính. Khi được hỏi lý do vắng khách, ông Nam, chủ một cửa hàng sách trên đường Xuân Thủy (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết: “Đa phần khách là sinh viên, ít tiền nên chọn mua những quyển sách cũ giá rẻ. Nhưng hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, nhiều thứ hấp dẫn hơn sách và cũng rẻ hơn nên sinh viên không mặn mà lắm với sách”.
Hiện nay sắp bước vào năm học mới, các nhà sách lớn luôn tấp nập người đến mua. Nhưng theo ý kiến của chị Nga – nhân viên một nhà sách trên đường Tôn Đức Thắng (Q.Đống Đa, Hà Nội), mọi người đến nhà sách mua đồ dùng học tập, sách giáo khoa, sách tham khảo là nhiều. Cũng theo chị Nga, đa số sách ở dạng truyện mà nhà sách nhập về đều là truyện giải trí đang “hot” trong giới trẻ, còn những sách mang tính chuyên sâu thì nhập rất ít. Chị Nga cho rằng: “Các bạn trẻ thường đọc truyện tranh, truyện kiếm hiệp tình cảm của Trung Quốc hay truyện trinh thám kinh dị. Chứ nhập sách nghiên cứu chuyên sâu thì không biết bán cho ai?”.
Phải chăng những cuốn sách nghiên cứu chuyên sâu đang dần bị giới trẻ lãng quên?
Khi những cửa hàng sách, thư viện ngày càng vắng bóng người thì những tiệm game ngày càng mọc lên như nấm sau mưa và thu hút rất đông các bạn trẻ. Hiện nay rất nhiều bạn trẻ dành phần lớn thời gian cho facebook, cho phim ảnh, hội hè… chứ chẳng mặn mà gì với việc đọc sách. Bạn Thu Hiền, sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, khi được hỏi về việc có hay đọc sách không và đọc mấy cuốn trong một tháng đã thật thà thú nhận: “Tôi ít khi đọc sách lắm, một tháng chắc đọc không hết một quyển, mà phải sách nào dễ đọc, vui vui chứ sách khô khan thì chịu. Thỉnh thoảng tôi có đọc giáo trình trên lớp cũng là cố gắng lắm rồi”. Còn Tiến Tùng, sinh viên năm thứ 4 Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, thì cho rằng: “Chính vì sự phát triển của internet, của văn hóa nghe nhìn làm sinh viên nói riêng và thanh niên nói chung đang xa rời việc đọc sách”.
Trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, hay ĐH-CĐ dư luận thường ngán ngẩm lắc đầu với những câu văn ngô nghê, những cột mốc lịch sử bị sai lệch… đang gióng lên hồi chuông báo động về việc xa rời văn hóa đọc hiện nay của giới trẻ.
Sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông khiến một số bạn trẻ quên đi những giá trị cốt lõi của việc đọc sách. Không phải tự nhiên mà từ xưa đến nay, từ các bậc vĩ nhân đến những người thành đạt trong xã hội hiện đại đều coi trọng tầm quan trọng của việc đọc sách. Như Lê Quý Đôn đã từng nói: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng – Chẳng bằng kinh sử một vài pho”. Duy trì thói quen đọc sách đã khó, nhân rộng thói quen đó đến mọi người, đặc biệt là với giới trẻ còn khó hơn. Thiết nghĩ vấn đề này không phải chỉ ngày một ngày hai, mà cần một sự vào cuộc của cả hệ thống, cơ quan, ban ngành chức năng, có như vậy văn hóa đọc trong cộng đồng mới lan tỏa và phát triển.
Hà Tiến Dũng
(Khoa Lý luận Mác-Lênin, Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông khiến một số bạn trẻ quên đi những giá trị cốt lõi của việc đọc sách. |
Bình luận (0)