Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Văn hóa đọc và sự hoàn thiện nhân cách của trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

1. Sách từ lâu được coi là một sản phẩm văn hóa, có chức năng truyền bá tri thức, là phương tiện để chuyển tải những giá trị, thông tin, thông điệp, tình cảm tốt đẹp cho con người. Ở Việt Nam và một số nước phương Đông xưa, người ta hay nhắc đến câu “Thư trung tự hữu hoàng kim ốc” (nghĩa là: tự trong sách đã có cái nhà vàng), “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc” (nghĩa là: trong sách có người con gái đẹp như ngọc), nhưng soạn giả Loan Thảo viết trong bài tân cổ “Trăng sáng vườn chè” (tân nhạc của Văn Phụng, thơ của Nguyễn Bính) thì: “Nhan sắc của vợ hiền đâu sánh bằng biển thánh rừng nho”… Dù cách nói nào thì người ta cũng ca ngợi sách với những giá trị bất diệt.


Theo tác gi, đc sách là cách rèn luyn tư duy rt hiu qu (nh minh ha). Ảnh: Y.Hoa

Bởi vậy, khi xua quân xâm lược Đại Ngu vào năm 1407, Minh Thành Tổ Chu Đệ đã ra lệnh cho quân đội nhà Minh phải gom hết sách của nước ta đem về Nam Kinh, hòng làm mất đi giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị tinh thần của một dân tộc, để cho dân tộc ấy không để tồn tại và phát triển được nữa. Cho nên, có ý kiến cho rằng trong những lần mất nước thì giai đoạn 20 năm này (1407-1427), dân tộc ta bị tác động rất nặng nề, vì đất nước ta không chỉ trải qua một thời kỳ rất đen tối về mặt chính trị, nhân dân bị tổn thất rất lớn về mặt nguồn nhân lực mà còn sự mất mát về văn hóa, tinh thần, giá trị của sách vở cũng thực sự không nhỏ. Dù vậy, mưu mô thâm độc đó đã khiến nước ta mất mát rất nhiều tài liệu quý giá nhưng không thể nào lấy cho kỳ hết các sách cũng như không thể nào làm mất đi tất cả các giá trị đó.

2. Tiến trình tồn tại và phát triển của con người đã trải qua thời kỳ tiền sử, tức là trước khi có sử viết thành văn. Tức là chữ viết và chữ viết in thành sách (với những hình thức khác nhau, từ dạng trên đất sét, xương và da thú, thẻ tre, vải… đến giấy) là một trong những dấu hiệu của nền văn minh loài người hay từng dân tộc. Giá trị đó của sách có lẽ sẽ không bao giờ thay đổi. Chính vì hiểu giá trị đó nên hầu như cha mẹ nào cũng khuyên con đọc sách và thường nói với con về những ích lợi của sách và của việc đọc sách. Nhiều người sẵn sàng mua cho con những cuốn sách in đẹp, nhiều màu sắc, sách song ngữ, ngay từ khi con bắt đầu học đọc, học viết, với một niềm tin rằng sách sẽ giúp con mau biết chữ và ham đọc sách hơn. Có người rất đỗi tự hào khoe với bạn bè về việc con mình ham đọc sách, đọc được những cuốn sách mà người lớn còn ít muốn đọc. Việc đọc sách gắn với thói quen tích cực, phát huy hiệu quả từ sách, đem lại những lợi ích thiết thực thông qua đọc sách, thường được gọi là văn hóa đọc. Tức là việc đọc sách đã đạt đến một tầm cao, với sự say mê đồng thời tạo ra những giá trị thực tiễn từ đọc sách, chứ không đơn thuần là đọc để giết thời gian, để giải trí…

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nói về văn hóa đọc, chúng ta nên nhìn rộng hơn, không chỉ có đọc sách, nhất là khi gắn với việc đọc và việc thực hiện các hoạt động thực tiễn. Đó còn là đọc báo, đọc tài liệu, đọc văn bản, kể cả đọc các dòng trạng thái (status) trên mạng xã hội. Bởi vậy, với nhiều giáo viên, việc đọc giờ đây là một phần của công việc, chứ không phải đọc theo thói quen, theo sở thích. Chẳng hạn, một giáo viên phải đọc và hiểu đúng các nội dung trong sách giáo khoa/sách hướng dẫn, trong các văn bản chỉ đạo của cấp trên, trong các bài thi, bài kiểm tra của học sinh, trong các bài báo có liên quan đến hoạt động nghề nghiệp và môn học được phân công giảng dạy, trong các status trên mạng xã hội của học sinh… Giáo viên đó phải đọc sao cho nhanh, cho hiệu quả, cho chính xác, phải lẩy được ý quan trọng, cần thiết, phù hợp để thực hiện được tốt nhất nhiệm vụ của mình ở vai trò là cấp dưới và là thành viên trong một tổ chức, là một giáo viên với học sinh, là một công dân.

3. Có người nói, mỗi người khi thực hiện nhiệm vụ, công tác của mình thông qua việc đưa ra các sản phẩm (thí dụ: với cán bộ là bài phát biểu, văn bản tham mưu, quyết định hành chính…; với giáo viên là bài giảng, đề bài kiểm tra, đề thi, bài viết trên mạng xã hội, kể cả lời phê trong bài kiểm tra của học sinh…) chính là việc tạo ra “đầu ra”. Muốn có “đầu ra” tốt phải có “đầu vào” tốt. Đó chính là các chất liệu từ tư liệu, tài liệu, sách báo, văn bản, thông tin trên mạng xã hội… và được đọc bằng một phương pháp phù hợp, bằng một tâm thế thích hợp, bằng một thái độ tích hợp. Do đó, dù ở chức trách, nhiệm vụ thế nào, mỗi người đều cần có “đầu vào” tốt và luôn trau dồi, rèn luyện để có thể có được “đầu vào” tốt như chọn lựa “đầu vào”, chọn lựa cách thức nạp “đầu vào”, luôn độc lập tư duy trước các vấn đề khác nhau của thực tiễn. Nếu mỗi người thực hiện tốt điều đó tức là đã xây dựng được cho mình văn hóa đọc phù hợp, từ đó sẽ góp phần đắc lực vào việc giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của mình.

Do vậy, đối với học sinh, sinh viên, những người đang hoàn thiện nhân cách, đang nạp một lượng kiến thức cơ bản đủ để có thể tham gia vào hoạt động nghề nghiệp thì lại càng cần phải có nhận thức đúng đắn về việc nạp “đầu vào” và thực sự có việc nạp “đầu vào” tốt. Các kiến thức học trong giai đoạn này có ý nghĩa nền tảng, giúp ích rất lớn cho các bạn trẻ những hành trang quan trọng trước khi vào đời. Do đó, mỗi người rất cần sự chú trọng nạp những loại kiến thức phù hợp, bằng phương pháp phù hợp. Một trong những cách nạp hiệu quả là đọc sách, tự học, tự nghiên cứu thông qua sách và các loại tài liệu, văn bản.

4. Với học sinh, sinh viên, riêng việc đọc sách sẽ giúp ích ở một số điểm cụ thể. Trước hết là cung cấp tri thức. Mỗi cuốn sách đều là những bài học truyền đạt, chia sẻ kiến thức, đưa ra một cái nhìn về một hay nhiều khía cạnh trong đời sống. Việc đọc sách hằng ngày rõ ràng sẽ giúp mỗi người nạp cho bản thân một lượng tri thức lớn, có khi đem ra sử dụng ngay nhưng nhiều trường hợp có thể được lưu giữ đó làm thành những kiến thức nền và sẽ được dùng vào một thời điểm nào đó, trong một hoàn cảnh nào đó thực sự có ích.

Đọc sách có tác dụng cải thiện kỹ năng giao tiếp rất ý nghĩa. Thông qua thói quen đọc sách mỗi ngày, các bạn trẻ có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp một cách hiệu quả bằng cách học cách lắng nghe, trau dồi, làm phong phú hơn vốn ngôn ngữ… Trong nhiều trường hợp, những câu chuyện, cách diễn đạt, ngôn ngữ… được tiếp thu từ sách vở sẽ có làm chất liệu quan trọng để giúp cuộc giao tiếp trở nên hay hơn, thuyết phục hơn. Đọc sách còn giúp phát triển trí tuệ cảm xúc. Những triết lý, quan điểm đúng đắn được chiêm nghiệm, được đúc kết và chắt lọc một cách cụ thể thông qua những trang sách có thể đưa ra cho các bạn trẻ những lời khuyên hữu ích, giúp suy nghĩ tích cực hơn, cảm xúc cũng từ đó mà được cải thiện tốt hơn.

Đương nhiên, đọc sách là cách rèn luyện tư duy rất hiệu quả. Những thể loại sách khác nhau có thể đặt người đọc vào hoàn cảnh cụ thể, giúp đưa trí tưởng tượng bay xa và cách đối mặt, xử lý với những vấn đề thường gặp trong cuộc sống. Đọc sách thường xuyên cũng là cách giúp các bạn trẻ rèn luyện tư duy thông qua những thông điệp đầy ý nghĩa đó, đồng thời gợi mở những suy nghĩ có thể đi đến nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp, đột phá. Do đó, đọc sách thường xuyên thực sự là giải pháp giúp trẻ hình thành văn hóa đọc và từ đó hoàn thiện nhân cách của trẻ!

Nguyn Minh Hi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)