Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Văn hóa giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tem Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ (2010-2020)

Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã khẳng định: “Văn hóa giao thông (VHGT) chính là nền tảng để tạo nên một trật tự ATGT bền vững, một môi trường giao thông thân thiện nhân ái. Và xây dựng VHGT là một phần quan trọng của việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Bởi lẽ, VHGT chính là “bộ mặt của văn hóa đô thị”.
Mối lo ngại sâu sắc của toàn xã hội
Những năm gần đây, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam, nhất là các đô thị lớn diễn biến hết sức phức tạp, trở thành vấn nạn cho đất nước. Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, mỗi năm nước ta có khoảng 12.000-13.000 vụ TNGT, làm mất đi 12.000 sinh mạng và làm bị thương gần 10.000 người. Trung bình mỗi ngày có 31 người chết do TNGT. Con số này còn cao hơn cả số người chết do các đại dịch nguy hiểm khác mang lại. Đây thực sự là một tình trạng đáng báo động, là mối lo ngại sâu sắc đối với tất cả mọi người, mọi gia đình. Trật tự ATGT do vậy đã và đang trở thành vấn đề dư luận bức xúc, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản con người, cản trở không nhỏ đến tiến trình phát triển nhanh và bền vững của xã hội.
Có thể nêu ra nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tình hình giao thông hiện nay như: Đường sá còn hẹp, xấu, chưa tương xứng với sự phát triển của phương tiện và nhu cầu giao thông; luật lệ giao thông chưa chặt chẽ; mức phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông chưa đủ nặng để răn đe; việc thi hành luật chưa nghiêm, còn phổ biến tệ xin – tha. Số lượng xe cơ giới đủ các loại đan xen, ô tô, xe máy tăng lên rất nhiều (20 triệu chiếc xe máy, gần nửa triệu xe ô tô các loại…), chất lượng phương tiện cũng như người điều khiển trong đó một số rất kém, còn duy trì lượng xe quá hạn sử dụng, thiếu trạm đỗ xe dọc đường. Thiếu lực lượng cảnh sát giao thông và phương tiện điều tra… Ngoài những nguyên nhân khách quan đó, TNGT còn do nguyên nhân chủ quan của người tham gia giao thông gây ra. Đặc biệt là thái độ “vô tư” về luật pháp và đạo đức. Những biểu hiện sai trái trong việc tuân thủ Luật Giao thông, hay bao quát hơn là hành vi lệch chuẩn nói chung, có nguồn gốc sâu xa từ lối sống – văn hóa.
Vấn đề giao thông đã được xã hội đồng thuận trong việc nhận thức VHGT chính là nền tảng để tạo nên một trật tự ATGT bền vững, là một bộ phận cấu thành nếp sống văn minh đô thị, là yếu tố góp phần quan trọng đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì vậy, xây dựng VHGT là một nội dung quan trọng đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu bền bỉ của các ngành, các cấp, sự vào cuộc của toàn xã hội.
Trách nhiệm của mọi người
VHGT là một khái niệm rất rộng, nó bao hàm cả lĩnh vực văn hóa đời sống, tổ chức, pháp luật và hơn hết là đặc thù môi trường văn hóa của mỗi dân tộc. Có thể nói, VHGT là toàn bộ những yếu tố văn hóa ảnh hưởng và thể hiện về mặt trật tự giao thông trên đường phố. Là cả tri thức, hiểu biết, thói quen và hành vi của các chủ thể có liên quan đến giao thông. Nó không chỉ thể hiện ở mặt pháp lý/pháp luật mà còn ở mặt đạo lý, ý thức thẩm mỹ trong hành vi đô thị. VHGT bao gồm cả văn hóa thực hành giao thông (mặt lộ rõ) và văn hóa quy hoạch giao thông, văn hóa quản lý, quản trị giao thông (mặt tiềm ẩn). Nó thể hiện thái độ tích cực khi tham gia giao thông, là trạng thái mà người tham gia giao thông đúng luật, có ý thức tuân thủ các chuẩn mực pháp luật, đạo đức, truyền thống một cách tự giác. Những đặc điểm như vậy đang là tiêu chí của con người có nhân cách văn hóa, của một xã hội văn minh.
Việt Nam đang chuyển từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp hiện đại, chuyển từ văn hóa xóm làng sang nền văn hóa đô thị. Do đó, cần phải đồng thời xây dựng hai hệ thống trong vấn đề giao thông: Hạ tầng kỹ thuật vốn lạc hậu cùng với hạ tầng văn hóa xã hội vốn nặng tâm thức tiểu nông. Vì vậy, xây dựng VHGT đồng nghĩa với việc phải nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Công việc này là trách nhiệm của toàn xã hội và được thực hiện mọi lúc mọi nơi, cần bắt đầu ngay từ bây giờ với sự tham gia của lực lượng chức năng, các tổ chức đoàn thể, nhất là sự tự giác của người tham gia giao thông.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
(Trường ĐH Tôn Đức Thắng)
Ngày 1-10-2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành bộ tem: Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ (2010-2020) (gồm 2 mẫu) nhằm hưởng ứng Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ do Liên Hiệp Quốc phát động. Bộ tem đã mang lại ý nghĩa thiết thực trong công tác tuyên truyền về VHGT – một vấn đề nhức nhối đang được xã hội quan tâm.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)