Hiện nay vấn đề văn hóa giao thông đô thị của người dân thành phố còn rất kém |
Tại buổi Hội thảo khoa học “Giải pháp xây dựng Văn hóa giao thông đô thị” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP phối hợp với Ban ATGT TP.HCM tổ chức, nhiều nhà nghiên cứu, học giả cho rằng hiện người dân TP vẫn chưa có khái niệm “văn hóa giao thông”.
Người lớn phải làm gương cho trẻ
Trong bài phát biểu tham luận tại Hội thảo, một đại biểu cho rằng, trẻ em không được dạy dỗ về cách ứng xử khi đi trên đường ngay từ nhỏ tại gia đình và nhà trường, lớn lên chúng lại bắt chước bố mẹ không tuân thủ Luật Giao thông thì làm sao chúng ta xây dựng văn hóa giao thông, ngay cả khái niệm văn hóa giao thông như thế nào nhiều người vẫn chưa nhận thức rõ. TS. Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn tâm lý học, ĐH Sư phạm TP.HCM kể một câu chuyện có thật. Một lần dừng trên giao lộ nghe tiếng người cha lớn tiếng với đứa con nhỏ ngồi sau lưng: “Sao con lại nhéo ba?” Đứa bé hỏi lại: “Vì sao lúc nãy đèn đỏ ba không dừng lại? Cô giáo bảo đèn đỏ phải dừng lại”. Người cha bình thản: “Đó là lúc có CSGT con à”. TS. Huỳnh Văn Sơn thêm một ví dụ mà ông trực tiếp chứng kiến: Một bà mẹ đang chở con đi trên đường, thấy tờ 200 nghìn đồng liền kêu đứa bé nhảy xuống lấy khiến phương tiện đi sau bị bất ngờ phải luống cuống tránh. Qua câu chuyện trên cho thấy, môi trường giáo dục văn hóa ứng xử giao thông của chúng ta còn nhiều vấn đề, vai trò của cha mẹ trở nên vô cùng quan trọng. Theo PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa đô thị học, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, ở Việt Nam, “văn hóa giao thông” nên được hiểu là những thái độ, hành động, cách ứng xử trong khi lưu thông trên đường sao cho mọi chuyện suôn sẻ, không chen lấn, phạm luật, chạy lên vỉa hè, không đánh chửi nhau mà nên nhường nhịn nhau để mọi người được đi đến nơi về đến chốn mà vẫn vui vẻ trong bất kỳ tình huống nào.
Một đại biểu thừa nhận, trước cảnh kẹt xe, khói bụi và nắng nóng trên đường và cộng thêm xung quanh mọi người lưu thông tùy tiện thì một người dù có ý thức tham gia lưu thông cũng khó mà giữ được sự kiên nhẫn. Trung bình cứ 10.000 phương tiện tham gia giao thông thì xảy ra 2,5 vụ tai nạn, làm chết hơn 2 người, làm bị thương hơn 1 người.
Theo Phòng CSGT Đường bộ – Công an TP.HCM, tình trạng tai nạn giao thông cao đến mức báo động là do người dân thiếu ý thức tham gia lưu thông, cao nhất là thiếu ý thức đi đúng phần đường chiếm 25,1%, kế đến là vi phạm tốc độ 15,6%, đổi hướng không đúng quy định 8,8%… TS. Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, mật độ xe máy ở TP.HCM được xem là cao nhất trên thế giới, vì vậy vấn đề quản lý giao thông cũng phức tạp nhất thế giới. TS. Nguyễn Hữu Nguyên cũng thông báo: Qua khảo sát ý kiến 400 người dân, có gần 72% đã trả lời lý do phạm Luật Giao thông là “không nhìn thấy công an”.
Lưu thông cũng cần văn hóa
Ông Phạm Đức Trọng, Trưởng khoa xã hội học ĐH KHXH&NV TP.HCM nhấn mạnh: “Với cơ sở hạ tầng như hiện nay, khi bị tắc đường, kẹt xe người ta phải lựa chọn cách đi hợp lý. Việc cấp bằng lái xe cũng nên xem lại, 60% số sinh viên được hỏi không hiểu luật, có bằng chỉ để chống chế, trên 50% trả lời trước khi có bằng và sau khi có bằng cũng điều khiển xe như nhau”. Ông Trọng khẳng định: “Lỗi này do quản lý”. Một học giả cho rằng, cả hai nguyên nhân trên đều xuất phát từ văn hóa của người tham gia giao thông. Một số chuyên gia còn nhìn nhận, một trong những nguyên nhân chính góp phần hạn chế văn hóa lưu thông của người dân là Luật Giao thông của chúng ta còn nhiều kẽ hở, xử phạt còn thiếu tính răn đe, đặc biệt là tệ nạn mãi lộ còn diễn ra nhan nhản khắp nơi.
Nhiều nhà nghiên cứu và Phòng CSGT Đường bộ TP.HCM đều nhất trí rằng, hai nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn chết người là lấn tuyến và phóng nhanh vượt ẩu. Vì vậy, cần hoàn thiện luật về giao thông, trong đó, đặc biệt là vấn đề xử phạt, lỗi vi phạm giao thông phải xử phạt thật nghiêm, tránh nhũng nhiễu. Ngoài ra, chúng ta cần đầu tư phương tiện kiểm soát giao thông, giúp cho việc phát hiện và xử phạt chính xác và công bằng. Tình hình trật tự giao thông trên địa bàn TP.HCM ngày càng diễn biến phức tạp hơn khi mật độ phương tiện tham gia lưu thông không ngừng gia tăng, số phương tiện đăng ký mới gia tăng chóng mặt (1.000 xe máy và 100 ô tô đăng kí mới mỗi ngày). Trong khi đó, tại nhiều giao lộ, tuyến đường nội thị lẫn ngoại thị, hệ thống đèn chiếu sáng còn rất hạn chế, hệ thống biển báo lắp đặt không đúng tiêu chuẩn kĩ thuật như đặt ở những nơi bị che khuất tầm nhìn, biển báo bị cong, gãy, nội dung tẩy xóa… Dải phân cách ở nhiều tuyến đường bị hư hỏng tạo điều kiện cho người đi bộ băng qua đường bất kể chỗ nào.
ANH KIỆT – MINH KHẢI
Hiện TP có hơn 4 triệu xe máy, hơn 400.000 ô tô. Như vậy, nếu tất cả các phương tiện trên tham gia giao thông cùng một lúc thì trung bình một ngày TP xảy ra trên 1.100 vụ TNGT, làm chết hơn 880 người, làm bị thương hơn 440 người. Đây là con số đáng kinh ngạc và gây rùng mình cho tất cả những người tham gia giao thông. |
Bình luận (0)