Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

“Văn hóa giao thông – nét đẹp học đường”

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là chủ đề trọng tâm về công tác giáo dục trật tự ATGT trong năm học 2015-2016 do Sở GD-ĐT TP.HCM khởi xướng, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục trật tự ATGT cho học sinh, sinh viên (HS-SV) thành phố trong năm học mới này.

Phát động Tháng ATGT trong tiết chào cờ đầu tuần

Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT thành phố, tất cả các cơ sở giáo dục cần chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục pháp luật về ATGT năm học 2015-2016 cho HS-SV. Theo đó, quy định 100% HS-SV phải nghiêm túc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy và phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện; không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; thực hiện mặc áo phao khi đi đò; 100% các cơ sở giáo dục phổ thông phải thường xuyên tổ chức cho phụ huynh HS ký cam kết không giao xe máy cho HS khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; thường xuyên chú trọng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường; hướng dẫn cho phụ huynh HS có nhu cầu đăng ký xe đưa đón con đến trường và thống kê danh sách HS đăng ký đi xe đưa đón gửi về Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng (102 Ký Con Q.1 – ĐT: 38.216.496-39.142.580) để phối hợp tổ chức xe đưa đón HS an toàn và tiện lợi…

Bên cạnh công tác xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục ATGT trong năm học mới, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố cho biết, một công tác quan trọng cần thực hiện ngay khi vào đầu năm học mới là tất cả các cơ sở giáo dục đều tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng ATGT tại đơn vị trong tiết chào cờ đầu tuần vào ngày thứ hai (7-9-2015). Theo đó, thủ trưởng các đơn vị có địa bàn gần khu vực sông nước hoặc có nhiều ao hồ, kênh rạch cần chú ý kết hợp “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, trong đó quản lý chặt chẽ HS trong đi lại sinh hoạt hàng ngày để tránh tình trạng đuối nước; nhắc nhở HS luôn sử dụng phao cứu sinh khi tham gia giao thông đường thủy. 

HS tiểu học cần được thực hành cách đi trên đường, đi bộ qua đường an toàn

Cũng theo bà Diễm Thu, các trường CĐ và trung cấp chuyên nghiệp cần chủ động lồng ghép phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT cho HS-SV vào tuần sinh hoạt công dân ngay từ đầu năm học. Đối với HS mầm non, tiểu học, THCS, sở cũng đề nghị nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho HS cất giữ và bố trí sắp xếp nơi thuận tiện để các em có chỗ treo mũ bảo hiểm một cách ngăn nắp, gọn gàng.

Chú trọng giáo dục ATGT ở các cấp học

Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT thành phố, bên cạnh phương hướng chung, việc giáo dục trật tự ATGT còn được tập trung thực hiện ở từng cấp học. Cụ thể, đối với bậc học mầm non, nhà trường cần tổ chức cho HS học tập thông qua các hoạt động vui chơi, ngoại khóa, các khái niệm cơ bản về ATGT, làm quen với các phương tiện giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt, hàng không; làm quen với tín hiệu giao thông, các loại biển báo giao thông đường bộ đơn giản về các loại màu sắc, hình dạng, quy định; tập cho các bé ngồi trên phương tiện xe đạp, xe máy, tàu hỏa, thuyền và cách đi bộ an toàn. Đối với bậc tiểu học, HS cần được học và thực hành cách đi trên đường, đi bộ qua đường an toàn, đi xe đạp trên đường an toàn; cách ngồi trên xe đạp, xe máy an toàn; cách lưu thông an toàn khi đi ô tô, xe buýt; chấp hành nghiêm việc đội mũ bảo hiểm, phổ biến hiệu lệnh tín hiệu giao thông, hiệu lệnh và chỉ dẫn của biển báo đường bộ, hiệu lệnh của CSGT, văn hóa khi tham gia giao thông. Đối với bậc THCS, HS cần được hướng dẫn cách đi bộ qua đường ở những nơi không có bảng chỉ dẫn, cách đi xe đạp trên đường an toàn, cách qua đường ở những nơi đường bộ giao nhau với đường sắt, điều khiển xe đạp điện an toàn, quy định đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy; cách nhận biết các tình huống nguy hiểm, cách phòng tránh TNGT, cách nhận biết hiệu lệnh tín hiệu giao thông, hiệu lệnh và chỉ dẫn của biển báo đường bộ, hiệu lệnh của CSGT, văn hóa khi tham gia giao thông. Đối với bậc THPT, GDTX, các trường cần lưu ý cung cấp cho HS các quy định về độ tuổi của người điều khiển xe mô tô, gắn máy; quy định đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện; các kỹ năng điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện an toàn; cách nhận biết tình hình TNGT và hậu quả của TNGT; giáo dục ý thức chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ, tình huống khi tham gia giao thông, cách phòng tránh TNGT, hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông, văn hóa giao thông. Bên cạnh việc giáo dục kỹ năng cho các em, các trường cần đưa giáo dục trật tự ATGT vào giờ học chính khóa của bộ môn giáo dục công dân. Theo đó, giáo viên cần chủ động phối hợp với ban chấp hành Đoàn trường mời CSGT đến báo cáo ngoại khóa một buổi cho toàn thể CB-GV-NV và HS toàn trường (thực hiện 2 lần/năm học). Riêng đối với khối CĐ – trung cấp chuyên nghiệp, giáo dục trật tự ATGT cần được đưa vào chương trình ngoại khóa của môn giáo dục pháp luật trong SV-HS, đồng thời phổ biến cho HS-SV các quy định về điều kiện được điều khiển xe mô tô, gắn máy; các kỹ năng điều khiển xe mô tô, gắn máy, phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện an toàn…

Bài, ảnh: Bích Vân

Theo bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố, theo quy định trong năm học mới này, công tác giáo dục ATGT trong trường học sẽ trở thành một trong những tiêu chí đánh giá thi đua trong năm học 2015-2016 đối với các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố.

 

Bình luận (0)