Vỉa hè bị lấn chiếm không còn chỗ cho người đi bộ. |
Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè làm nơi buôn bán, trông giữ xe đã và đang tồn tại từ nhiều năm qua tại TP.HCM. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử phạt nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Bát nháo và mất mỹ quan
Vỉa hè là một phần không gian công cộng của đô thị, là khoảng không gian dành cho người đi bộ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, đây còn là nơi tô điểm cho vẻ đẹp của đô thị. Nhưng thực tế, tại TP.HCM, một số vỉa hè trên khá nhiều tuyến đường từ lâu đã không còn được sử dụng đúng với chức năng vốn có của nó mà bị chiếm dụng làm nơi để xe gắn máy, ô tô hoặc buôn bán hàng rong. Điển hình cho thực trạng này là tình trạng mất trật tự tại nhiều vỉa hè trên tuyến đường Trần Hưng Đạo, Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi… Có thể nói, hầu như ở tất cả các quận huyện trên địa bàn TP đều xảy ra cảnh lấn chiếm vỉa hè để buôn bán hay lập bãi giữ xe, gây nên cảnh bát nháo và mất mỹ quan đô thị. Thậm chí, trong số 15 tuyến đường kiểu mẫu văn minh đô thị của TP cũng có không ít nơi vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm để buôn bán, đậu xe mất trật tự, như đường Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Trường Sơn, Khánh Hội…
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến vỉa hè ngày càng bị chiếm dụng là do tập quán kinh doanh buôn bán của người dân đô thị gắn liền với nét văn hóa mặt tiền đường. Trong khi TP chưa bố trí được khu vực đậu xe máy cho người dân thì một bộ phận không nhỏ cư dân địa phương vẫn dựa vào việc buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè để cải thiện đời sống. Đồng thời, người lao động nghèo ở địa phương và các đối tượng nghèo của những tỉnh thành khác cũng đổ về TP kiếm sống. Vốn ít, họ chủ yếu sử dụng xe đẩy tay, xe máy để buôn bán hàng rong trên vỉa hè, dưới lòng đường.
Cần những giải pháp căn cơ
Trước đây, Sở GTVT TP.HCM đã gửi văn bản đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất một số kiến nghị như: Đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm ổn định, lâu dài cho người nghèo một cách căn cơ, từng bước xóa dần tình trạng kiếm sống dựa vào buôn bán lấn chiếm lòng lề đường. Đối với bộ phận nhập cư nghèo buôn bán hàng rong từ các địa phương khác tới, cần có chính sách quản lý hiệu quả, kết hợp với tuyên truyền vận động đưa người dân trở về địa phương sinh sống. Song song đó, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu thành lập thí điểm lực lượng “cảnh sát đô thị” để chuyên quản lý và xử lý các vấn đề trong không gian công cộng của đô thị TP. Điều chỉnh mức xử phạt trong trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè được quy định tại Nghị định 34/2010/NĐ-CP là từ 500 ngàn đồng – 30 triệu đồng/lần tăng lên từ 20 triệu đồng – 30 triệu đồng/lần để phù hợp hơn đối với các trường hợp đối tượng không có cơ sở kinh doanh cố định, không chịu nhiều ràng buộc.
Bên cạnh tình trạng chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh mua bán thì việc họp chợ lấn đường cũng thường xuyên diễn ra ở một số quận huyện, gây nên cảnh ùn tắc giao thông. Điển hình là nhiều năm qua, tại khu phố 6, phường Linh Trung, Q.Thủ Đức, tiểu thương từ khắp nơi vẫn đổ về đây họp chợ. Xe cộ, người bán, người mua lẫn lộn vào giờ tan tầm khiến tình hình giao thông trở nên phức tạp. Mặc dù đã có bảng cấm họp chợ nhưng những người này vẫn ngang nhiên bày bán hàng hóa dưới mọi hình thức. Đặc biệt, tại một số khu công nghiệp trên quốc lộ 1A, tình trạng lấn chiếm lề đường buôn bán, gây ùn tắc giao thông diễn ra hàng ngày. Vào tầm tan ca, hàng ngàn công nhân “hồn nhiên” dựng xe dưới lòng đường mua các nhu yếu phẩm. Người bán bày la liệt hàng hóa trên đường, người mua vô tư lựa chọn mặc kệ xe cộ qua lại phải nhích từng chút một. Biết phạm luật nhưng họ vẫn cứ làm, hễ thấy cơ quan chức năng đi kiểm tra liền gom hàng hóa chạy, khi “trời yên biển lặng” thì đâu lại vào đấy. Điều đáng nói, các chợ tự phát hiện nay chủ yếu nằm trên các tuyến giao thông trọng điểm, lưu lượng người và xe cộ qua lại tấp nập. Trong đó, các phương tiện giao thông vận tải lớn thường xuyên lưu thông với tốc độ cao, tiềm ẩn những mối đe dọa về tai nạn giao thông. Ngoài chợ tự phát, chợ di động lấn chiếm vỉa hè, trên địa bàn TP còn xuất hiện khá nhiều gánh hàng hay xe hàng rong hình thành dọc hai bên đường. Người bán hàng loại này chủ yếu là dân tứ xứ về thành phố để mưu sinh. Họ tụ tập rồi hình thành luôn những chợ cóc ven đường. Tình trạng nói trên khiến môi trường đô thị nhếch nhác và gây cản trở giao thông.
Bài, ảnh: Anh Kiệt
Bình luận (0)