Giao thông cũng cần đến văn hóa. Vì thế mới có khái niệm văn hóa giao thông. Để hiểu rõ về vấn đề này, Báo Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Lâm Nhân – Trưởng khoa Sau ĐH (Trường ĐH Văn hóa TP.HCM)…
PV: Thưa tiến sĩ, nên hiểu như thế nào về văn hóa giao thông? Nói văn hóa giao thông cũng là một loại văn hóa ứng xử và liên quan đến đạo đức con người có đúng không?
Văn hóa giao thông là một khái niệm mới để chỉ hành vi ứng xử của con người khi tham gia giao thông đường bộ. Tôi cho rằng cụm từ này chỉ mới xuất hiện những năm gần đây. Để lý giải tại sao văn hóa giao thông ở Việt Nam lại như vậy, chúng ta phải xem xét vấn đề lịch sử của văn hóa Việt Nam. Theo truyền thống của làng xã Việt Nam, người dân ở trong cộng đồng làng, giao thông chủ yếu là đi bộ, xe ngựa, xe bò. Mà loại giao thông này thì không cần đi có hàng có lối. Việc di chuyển này đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người Việt Nam. Ở nhà lầu nhưng nếp sinh hoạt vẫn giữ như ở làng, đi xe máy nhưng vẫn như đi xe bò hoặc đi bộ… và giao thông ở đô thị họ vẫn giữ như đi trong làng. Đôi khi họ không có lỗi mà do lối sống nếp sống chưa phù hợp với điều kiện môi trường công nghiệp, đô thị hiện tại.
So với trước đây, văn hóa giao thông càng ngày càng cần thiết hơn trong cuộc sống? Có phải chúng ta vẫn đang còn thiếu văn hóa giao thông khi bắt gặp những cuộc cãi vã tay đôi, gây sự, cả đánh nhau khi hai xe đụng nhau, đôi khi chỉ là va quẹt nhỏ? Vậy, thưa tiến sĩ đâu là nguyên nhân?
Đương nhiên là chúng ta chưa có văn hóa giao thông theo cách hiểu văn hóa giao thông như hiện nay. Vì chưa có nên mới phải xây dựng. Sống trong môi trường đô thị, văn hóa giao thông là hết sức cần thiết, không chỉ ở cá nhân hay một cộng đồng mà là toàn xã hội. Văn hóa giao thông từ những va quẹt nhỏ, cãi vã, đánh nhau… theo tôi cần phải xem xét từ góc độ lịch sử. Tại sao lại có chuyện như vậy? Ở phương Tây, khi xảy ra va quẹt nhỏ, người ta sẵn sàng xin lỗi và mỉm cười tha thứ cho nhau. Việc va quẹt lớn, họ không tranh cãi mà chờ cảnh sát đến giải quyết. Còn ở ta, mặc dù có cảnh sát nhưng thói quen của người dân là tự giải quyết. Khi xảy ra va quẹt nhỏ, con người tự giải quyết dẫn đến mất kiểm soát, việc cãi vã, đánh nhau rất dễ dàng xảy ra.
Thưa tiến sĩ, đâu là tính pháp lý và tính cộng đồng trong văn hóa giao thông? Những tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua, ngoài nguyên nhân về cơ sở vật chất, có phải do ý thức văn hóa giao thông của người điều khiển phương tiện?
Công trình cầu vượt tại TP.HCM. Ảnh: H.T
|
Ý thức của con người không thể hô hào chung chung, cần phải có luật pháp đi kèm. Ai bảo người Việt không có ý thức. Lấy ví dụ, ta lấy một người hoặc một nhóm người Việt bất kỳ ở đâu, đưa qua Singapore hoặc châu Âu, xem họ có ý thức tuân thủ văn hóa giao thông và luật pháp ở nơi đó hay là không. Trước khi lên máy bay, họ đã được hướng dẫn viên nhắc nhở về luật pháp sở tại. Và khi mắc lỗi, họ bị phạt rất nặng mà không thể nhờ ông này, bà kia xin được. Từ đó, họ sẽ có ý thức văn hóa nơi công cộng. Như vậy, ngoài cơ sở vật chất, hệ thống pháp luật cần phải chặt chẽ và nghiêm minh.
Tiến sĩ có thể cho biết, tại sao văn hóa giao thông luôn được tuyên truyền giáo dục trong nhà trường và ngoài xã hội, nhưng ý thức tham gia giao thông của nhiều người vẫn kém nếu không nói là trái ngược với những bài học trong sách?
Việc này chúng ta nhìn nhận lại ở góc độ lịch sử như đã nói ở trên. Khi mắc lỗi tham gia giao thông ở đô thị, bị cảnh sát phạt, việc đầu tiên là người ta xuống năn nỉ, xin xỏ chứ không nhận thấy lỗi lầm của mình, việc tiếp theo là gọi điện cho người thân, bảo quen biết ông này, bà kia. Bài học trong sách vở đâu có thể mang theo trong đời sống hàng ngày. Mọi người sẽ áp dụng thói quen văn hóa của họ. Trẻ em sẽ học theo người lớn. Nếu người lớn không làm gương thì làm sao sách vở có thể dạy cho trẻ được.
Chương trình giảng dạy và giáo dục hiện nay trong nhà trường, theo tiến sĩ có gì được và chưa được?
Theo tôi, chương trình giáo dục hiện nay chỉ cần đưa văn hóa giao thông vào học đường từ cấp 1, cấp 2 hoặc từ mẫu giáo nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, thầy cô, gia đình, xã hội có là tấm gương để cho trẻ con noi theo hay không? Việc xây dựng văn hóa giao thông là cả một quá trình. Quá trình này phải tiến hành đồng bộ. Đừng tập trung quá nhiều vào chương trình giáo dục, nhà trường mà quên đi vấn đề giáo dục từ gia đình, xã hội và luật pháp đi kèm.
Xin cảm ơn tiến sĩ!
Phan Ngọc Quang (thực hiện)
Văn hóa giao thông không tỷ lệ thuận với trình độ học vấn
Việc có học vấn cao chưa chắc đã có ý thức giao thông tốt. Tuy nhiên, người có học vấn cao, họ phải sống ở thành phố lớn, đô thị lớn trong một thời gian dài, thói quen giao thông ở đô thị đã có. Vì vậy, có thể những vấn đề vi phạm giao thông ở đội ngũ này có phần ít hơn so với đối tượng khác. Nhưng tôi không đồng tình với việc khẳng định văn hóa giao thông tỷ lệ thuận với trình độ học vấn.
|
Bình luận (0)