Vô tư chạy vào đường cấm, một hiện tượng không hiếm trên các đường phố hiện nay. Ảnh: Hà Anh |
Ông Lê Tuấn không chỉ là nhà khoa học tên tuổi về lĩnh vực năng lượng mà còn là nhà soạn nhạc được giới chuyên môn đánh giá cao. Ông đã dành cho Giáo Dục TP.HCM một cuộc trò chuyện xoay quanh chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông”.
PV: Trong những năm vừa qua, tình trạng tai nạn giao thông liên tục xảy ra ở mức báo động. Theo ông, nguyên nhân chính là do ý thức của người dân kém hay do các tài xế xem thường luật lệ giao thông?
Nhà khoa học Lê Tuấn: Theo tôi, nguyên nhân chính là do cả hai. Nhưng còn một nguyên nhân nữa đó là sự bất trắc, bất thường mà cả người dân lẫn tài xế không chú ý nên chưa lường trước được. Ví dụ như mưa to, sạt lở…
Trước đây, khi chạy xe trên đường, có những va chạm nhỏ, một số người thường nói lời “xin lỗi”. Còn bây giờ, một vài va chạm nhỏ cũng khiến người ta văng tục, thậm chí đánh, giết nhau. Đứng ở góc độ một nhà nghiên cứu, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Trong cuộc sống, có hai xu hướng luôn đối nghịch nhau. Nếu mọi người ứng xử một cách có văn hóa thì lối sống vô văn hóa sẽ bị đẩy lùi. Còn khi người ta buông tuồng trong lối sống, cách hành xử thì khó lòng mà tạo ra được nếp sống văn hóa. Rõ ràng thực trạng không xin lỗi, không hỏi được một câu “anh hay chị có sao không” đã là không hay rồi, đằng này lại còn xỉ vả, đấm đá nhau thậm chí hành hung nhau thì cần phải báo động bởi nó đã vượt qua giới hạn cho phép của một công dân lành mạnh.
Trong quá trình tham gia giao thông, có sự cố nào xảy ra gây cho ông ấn tượng, suy nghĩ về sự kém ý thức của người dân không thưa ông?
Tất cả mọi người tham gia giao thông là những người đang chuyển động, đầy năng lượng và mải miết với công việc. Tôi nghĩ khi người dân, dù là trẻ em hay người lớn mà yêu quý con đường, yêu những người công nhân làm sạch, làm đẹp con đường, yêu người chiến sĩ cảnh sát giao thông thì họ sẽ tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh hơn về luật lệ giao thông. Ý tôi muốn nói về sự cân bằng, ở đâu có chữ “luật”, ở đó nên có chữ “tình”.
Về việc tuân thủ luật lệ giao thông, ông có lời khuyên nào đối với người dân?
Luật Giao thông được ban hành nhằm đảm bảo quyền lợi của tất cả mọi người nên tôn trọng Luật Giao thông là tôn trọng con người. Hơn nữa đặc thù của tai nạn giao thông có khi không còn cơ hội để sửa chữa, hoặc hối hận thì đã quá muộn rồi. Do đó, việc chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông là điều nên được mọi người dân ý thức cao.
Cũng là một nhà soạn nhạc, ông đã có ý tưởng đưa vấn đề văn hóa giao thông vào những sáng tác của mình. Ông mong muốn điều gì thông qua các sáng tác ấy?
Xã hội nhận thấy đã đến lúc cần đưa vấn đề văn hóa giao thông vào mọi lĩnh vực của cuộc sống bởi ai muốn sống cũng phải chuyển động cả. Có văn hóa, nhiệt độ trên đường sẽ mát mẻ, người đi trên đường sẽ hạnh phúc thăng hoa. Tôi mong rằng, trong mọi sáng tác, dù của tôi hay của ai đi nữa,văn hóa giao thông sẽ được mọi người đón nhận, yêu mến cả tính văn hóa của nó chứ không chỉ vì tính văn nghệ.
Điều ông quan tâm nhất hiện nay về tình hình giao thông là gì? Trong những vấn đề kẹt xe, “lô cốt” mọc lên tràn lan, không nhường nhịn nhau, không đội mũ bảo hiểm… đâu là vấn đề nguy hiểm nhất? Đã đi nhiều nước, ông thấy giao thông nước ta cần phải đổi mới như thế nào mới theo kịp nước bạn?
Kẹt xe lỡ việc cũng “chết”, hối hả xô nhau hay đụng lô cốt cũng chết. Không nhường nhịn nhau như lửa cháy nhỏ thành to cũng hỏng, không đội mũ bảo hiểm cũng nguy. Từ cái nọ sẽ kéo qua cái kia nên tôi thấy cái nào cũng nguy hiểm. Trong quá trình tham gia giao thông, tôi cũng có khi mắc lỗi. Lỗi nhẹ thôi. Tôi xin lỗi thế là chuyện lớn thành nhỏ, nhỏ rồi thành nhỏ nữa. Để theo kịp các nước tiên tiến, ngoài việc đầu tư cho phương tiện đường sá, cầu cống, xe cộ… còn một việc rất quan trọng đó là giáo dục kỷ luật và văn hóa giao thông. Nhưng tất cả sẽ phụ thuộc vào thời gian và ý chí của chúng ta, của toàn xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Nguyên Thanh (thực hiện)
Bình luận (0)