Người thầy phải gương mẫu trong mọi hành động, cử chỉ, đạo đức lối sống… (ảnh manh tính minh họa). Ảnh: N.Q
|
Tục ngữ có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Thế nhưng trong quan hệ giao tiếp của con người, nhiều từ ngữ xưng hô lễ phép và đúng mực đang bị hoán chuyển cho lối giao tiếp thiếu văn minh và lịch sự, trong đó có cả cách xưng hô giữa thầy và trò.
Trong nhà trường, thầy cô là thế hệ đi trước có kiến thức sâu rộng và trình độ hiểu biết hơn học sinh (HS). Về tuổi đời, thầy cô cũng là người đáng bậc anh chị và có khi cả bậc cha chú trong gia đình. Chính vì thế họ luôn được HS của mình kính trọng và yêu mến.
Xưng phải khiêm, hô phải tốn
Sự kính trọng của HS không chỉ thể hiện qua hành vi, cử chỉ, thái độ mà còn biểu hiện rõ nhất qua cách xưng hô. Ở Việt Nam, cách xưng hô giữa thầy và trò đã được định hình qua hệ thống từ ngữ giao tiếp rất phổ biến và quen thuộc như: Thầy (cô) – em (các em). Cách xưng hô này đã thể hiện được khoảng cách giữa hai đối tượng và cũng thể hiện sự tôn trọng giữa hai bên. Trong thực tế, nhất là thời gian gần đây, ngoài các cặp từ trên một số GV còn dùng các cặp từ xưng hô khác như: Tôi – bạn, anh (chị), cậu (cô)… Những cách xưng hô đó tuy có những mức độ khác nhau về tình cảm nhưng đã thể hiện được tính đúng mực trong xưng hô. Khi xưng mình là “thầy”, người GV đã xác định được vị thế của bản thân trước các em HS. Đã là thầy thì phải gương mẫu trong mọi hành động, cử chỉ, đạo đức lối sống và trước hết là gương mẫu trong… cách xưng hô. Người HS xưng với GV là “em” hoặc là “con” cũng đã thể hiện sự tôn kính của mình đối với người lớn tuổi hơn và đặc biệt là những người đã dày công dạy dỗ mình nên người. Ông cha ta từng dạy: “Xưng phải khiêm, hô phải tốn” là muốn khuyên răn con cháu và mọi người phải có phép tắc lễ nghĩa trong xưng hô. Khiêm tốn trong cách xưng hô cũng thể hiện tính lễ phép của con người trong mối quan hệ xã hội.
Theo quy luật tình cảm, khi cách xưng hô thay đổi thì mối quan hệ giữa hai đối tượng giao tiếp cũng có sự đổi thay có thể theo chiều hướng tốt hơn hoặc xấu đi. Điều đó cũng thể hiện rõ chức năng ngữ nghĩa của hệ thống từ vựng nhất là các đại từ xưng hô hoặc phiếm chỉ. Gần đây câu chuyện xưng hô của một cô giáo dạy ở Trường THPT N.H.T (TP.HCM) đã trở thành “đề tài nóng” trong dư luận xã hội khi GV này nói chuyện với học trò của mình bằng những từ ngữ nghe rất chối tai: Sủa trong lớp, hốt cái đống này đi, cứt chó mà tưởng pa-tê… Không những thế cô giáo M.C cũng đã thay đổi cách xưng hô thân thiện (cô – em) bằng những đại từ rất hiếm tồn tại trong trường học (mày – tao). Tuy nhiên đây cũng chưa phải là trường hợp “điển hình” khi cách đây gần một năm tại một trường THPT chuyên lý ở TP.Hải Phòng, một cô giáo dạy ngoại ngữ đã dùng hai từ “mày – tao” để chửi một em HS trong gần 20 phút đồng hồ chỉ vì lý do em này dè bỉu trình độ tiếng Anh của cô. Rõ ràng đây là điều không thể chấp nhận được vì ngôn ngữ xưng hô đó trước hết không phù hợp với môi trường sư phạm và mối quan hệ giữa thầy và trò vốn rất được tôn trọng từ trước tới nay.
“Mày tao mi tớ”
Đã từng nhiều năm đi dạy và từng chứng kiến các cuộc giao tiếp giữa GV và HS trong trường học nên tôi thấy chuyện thầy cô xưng hô “mày – tao” không phải bây giờ mới có. Cách đây gần 30 năm, một đồng nghiệp của tôi tuy mới về trường nhưng đã có thói quen xưng hô “mày – tao” với HS. Có lẽ do “xài” từ lâu nên thầy giáo đó không thay đổi thói quen lạ lùng này của mình đến mức có một HS nữ chất vấn trực tiếp với các thầy cô khác: “Sao thầy N. lại xưng hô mày tao với tụi con chứ không giống như các thầy cô khác?”. Khi câu hỏi này đến tai thầy N. thì được giải thích: “Vì HS đã lớn tuổi nên xưng hô mày tao thì có gì mà sai và như thế mới thân thiện, gần gũi”(!). Như vậy kiểu xưng hô đó rõ ràng đã thể hiện quan điểm riêng của một cá nhân. Tuy nhiên thói quen đó thật sự lạc lõng trong thế giới giao tiếp lịch sự và đúng mực của nhà trường. Không chỉ đồng nghiệp thấy đó là chuyện bất bình thường mà các em HS cũng không an tâm để chấp nhận cách xưng hô đi ngược với truyền thống trước đây. Lại có những trường hợp lúc bình thường thầy trò xưng hô rất đúng mực nhưng khi có “sự cố” trong mối quan hệ thì từ ngữ xưng hô đã được thay đổi. Chuyện “mày tao mi tớ” với học trò đã được GV dùng vô tội vạ trong giao tiếp bên ngoài và cả trong giờ học. Hiện tượng này trong thời gian gần đây đang có chiều hướng gia tăng khi GV đứng trước những tình huống khó xử và thể hiện sự bất lực của mình trong việc giáo dục các em HS cá biệt.
Nguyễn Hoàng Anh
Thầy trò xưng hô đúng mực không chỉ thể hiện đạo đức, tác phong mẫu mực của hai phái mà còn thể hiện cách cư xử của người có văn hóa và tính thân thiện trong môi trường sống. |
Bình luận (0)