GV phải luôn tự rèn luyện mình để xứng đáng với tình yêu thương của học trò (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: N.Anh
|
Thầy trò phải xưng hô đúng mực để giữ được mối quan hệ tốt đẹp và thân thiện giữa hai bên. Có như vậy học sinh mới tôn trọng thầy và ngược lại thầy cũng luôn được các em yêu quý, nể trọng.
Xưng hô đừng thiếu văn hóa
Trong xã hội phong kiến hình ảnh thầy đồ luôn được người dân và các môn đệ kính trọng. Không chỉ có trình độ thâm nho mà thầy đồ luôn có công trong việc giáo dục con trẻ thành người và đỗ đạt. Học trò làm sai thầy có quyền trừng phạt bằng roi vọt và la mắng. Cha mẹ học trò luôn biết ơn và quý trọng thầy vì đã quan tâm dạy dỗ con em mình chu đáo. Ngược lại có khi thầy làm sai nhưng học trò cũng không có quyền thắc mắc và cãi lại. Cách xưng hô giữa thầy và trò được xã hội quy định rất khắt khe không ai có quyền tự ý thay đổi, chủ yếu là “thầy – con/ các con”. Không bao giờ có chuyện trò xúc phạm thầy hoặc tỏ thái độ vô lễ đối với thầy ngay cả trong cách xưng hô.
Thế nhưng chuẩn mực đó dần dần được thay đổi khi xã hội có sự chuyển biến nhanh chóng. Quan hệ giữa thầy và trò không còn cách biệt như trước và dần dần cũng dân chủ hơn. Ngoài vai trò là người anh, người chị, giáo viên (GV) còn phải là người bạn của học sinh (HS) nên cách xưng hô bắt đầu có sự thay đổi. Như đã nói, không chỉ gọi học trò bằng từ “em” mà nhiều GV còn gọi bằng những từ mới như: Tôi – bạn/ các bạn, anh, chị/ các anh, các chị… Cách xưng hô này thể hiện sự bình đẳng hơn trong mối quan hệ thầy trò, nhất là đối với HS lớn tuổi hoặc học viên trong các trường chuyên nghiệp, trường nghề. Điều này cũng thể hiện rất rõ ở cách xưng hô trong các bài viết tập làm văn. Nếu ở bậc tiểu học và THCS đề thi thường được xưng là “em” theo kiểu: “Em hãy phát biểu cảm nghĩ về câu thơ…” thì lên đến bậc THPT và ĐH-CĐ, đề thi bộ môn này đã được thay từ “em” bằng từ “anh/ chị”. Lúc này cách xưng hô tuy không mang tính pháp lệnh nhưng có sự quy ước rõ ràng. Vì thế mà HS các bậc học này, ngoài cách xưng “em” còn xưng “tôi” khi làm đơn xin phép hoặc trình bày ý kiến của mình.
Thực tế cho thấy đa số GV không “quan tâm” đến chuyện này nhưng có một số thầy cô khắt khe hơn thì không bao giờ cho phép HS tự xưng là “tôi” với mình. Cụ thể, cô H. – GV Trường Trung cấp Văn thư lưu trữ TW 2 (TP.HCM) – đã yêu cầu em D. (lớp văn phòng 14) viết lại tờ kiểm điểm vì đã lỡ xưng “tôi” với GV bộ môn. Một học viên của Trung tâm GDTX Bình Thạnh đã bị thầy giáo L. chỉnh sửa cách xưng hô vì đã gọi “thầy – tôi” mặc dù hai người xấp xỉ tuổi nhau.
Trở lại cách thầy trò xưng hô “mày – tao”, chúng ta thấy đây không phải là cách dùng phổ biến trong trường học. Cách dùng này chỉ phù hợp với bạn bè cùng lứa ngoài xã hội hoặc anh, chị trong gia đình trò chuyện với em út. Mặc dù được phép nhưng nhiều gia đình hiện nay vẫn không chấp nhận ba/ mẹ nói chuyện với con mình bằng “mày – tao” vì họ quan niệm như thế là không tôn trọng và thiếu gương mẫu. Đây cũng là quan niệm của số đông GV khi họ cho rằng xưng hô “mày – tao” với HS là thiếu văn hóa và không làm gương được cho người khác mặc dù cách gọi đó có vẻ thân thiện hơn.
Không làm ảnh hưởng mối quan hệ thầy – trò
Như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, không phải lúc nào hai cô giáo (ở TP.HCM và Hải Phòng) đều xưng “mày – tao” với học trò. Chỉ khi nào bức xúc không kiềm chế được bản thân do sự cứng đầu của HS họ mới tuôn ra những lời lẽ nặng nề như vậy. Đó cũng là thói quen phản ứng của một số GV ở các trường phổ thông khi đứng trước những tình huống sư phạm “bó tay.com”. Không chỉ thay đổi cách xưng hô mà họ còn tìm những từ ngữ “cay nghiệt” nhất để trút lên đầu HS với mong muốn các em sẽ “tỉnh ngộ”. Tuy nhiên cách giải quyết này hoàn toàn phản sư phạm, “lòi” ra sự bất lực của GV và điều tệ hại hơn là hiệu quả giáo dục không được như mong muốn. HS thấy mình bị xúc phạm, còn hình ảnh người thầy hiền từ đôn hậu chắc chắn bị giảm đi trong suy nghĩ của các em. Quan hệ thầy trò bị xáo trộn, tuột dốc chỉ vì lời ăn tiếng nói. Đến lúc GV nhận ra lỗi lầm của mình thì tất cả đã muộn vì “lời đã nói ra làm sao rút lại được”.
Cuộc đời có nhiều cánh cửa mở rộng, cơ hội làm trò thì nhiều nhưng cơ hội làm thầy rất ít. Người thầy trong nhà trường luôn đóng vai trò chủ đạo. Xác định được điều này GV phải biết tự rèn luyện mình, phải chấp nhận những “chông gai” trong nghề, đừng để cái đầu của mình luôn quá “nóng”. Không biết kiềm chế thì mọi việc dễ “hư bột hư đường” dẫn đến thất bại.
Khi sự việc hai cô giáo ở TP.HCM và Hải Phòng mắng HS bằng những lời “chướng tai” bị dư luận lên án, một GV THPT đã nói với chúng tôi: “Ai không giữ gìn được tính mô phạm, chuẩn mực trong đạo đức, lối sống và cả trong giao tiếp xưng hô thì đừng chọn nghề giáo”.
“Thầy phải ra thầy” thì mới tạo được mối quan hệ đúng mực và có như vậy mới xứng đáng là ngọn đèn sáng soi rọi vào tâm hồn và tình cảm HS.
Hương Thủy
“Ai không giữ gìn được tính mô phạm, chuẩn mực trong đạo đức, lối sống và cả trong giao tiếp xưng hô thì đừng chọn nghề giáo”. |
Bình luận (0)