Cách xưng hô thầy/cô – em/các em là phù hợp, thể hiện đúng mối quan hệ giữa GV và HS. Ảnh: N.Q |
Sự kính trọng của học sinh (HS) đối với người thầy được thể hiện qua hành vi và cách xưng hô. Ngược lại, người thầy xưng hô thế nào với học trò không chỉ thể hiện đạo đức, tác phong mà còn là cách cư xử của người có văn hóa. Giáo Dục TP.HCM đã ghi lại ý kiến của các thầy cô bàn về văn hóa giao tiếp trong nhà trường.
Thầy Cao Xuân Hùng (Phó hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa): Cần có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự
Trong trường phổ thông, nhất là bậc THPT, từ trước đến nay giáo viên (GV) vẫn xưng với học trò là thầy/cô (các thầy/các cô) và gọi HS là các em. Theo tôi, đó là cách gọi phù hợp nhất. Trước đây khi mới ra trường, do còn trẻ và chưa quen tôi vẫn xưng với các em bằng tôi – em. Cách xưng hô này có khoảng cách hơn và HS thấy GV còn xa lạ với mình. Bây giờ tôi đã lớn tuổi đáng bậc cha chú với các em nên xưng thầy rất dễ dàng và cũng không nhớ thói quen đó bắt đầu từ khi nào. Cũng có GV hay nói chuyện với HS bằng “mày – tao” nghe rất chướng tai. Dù đã được đồng nghiệp nhắc nhở nhưng hầu như họ không sửa được vì đã trở thành thói quen. Hình như, nếu gọi HS bằng cách xưng hô khác thì họ không còn tự tin lắm và cảm thấy rằng không còn là chính mình nữa. Không phải vì họ coi thường học trò mà đó là “nét riêng” của con người đó và như trên đã nói do thói quen đã ăn sâu trong cách giao tiếp. Ở đây cũng xin nói thêm một câu chuyện khác có liên quan đến cách xưng hô trong nhà trường. Trước đây không chỉ HS gọi GV là thầy mà ngay cả PHHS cũng gọi thế. Tuy nhiên thời gian gần đây đã có sự thay đổi là nhiều người vào trường vẫn gọi chúng tôi là anh/chị. Tôi thấy cách gọi đó không phù hợp trong môi trường giáo dục nên thường nhắc nhở, khi đó họ bảo là do gọi quen ở ngoài xã hội, nhất là khi lên phường, xã chứng giấy tờ… Theo tôi, PHHS có con học trong trường thì nên gọi GV bằng thầy/cô chứ không nên gọi bằng anh/chị như ở các nơi khác. Mong sao các thầy cô, các em HS và cả phụ huynh không chỉ có cách xưng hô phù hợp, chuẩn mực mà còn có thái độ ứng xử văn minh lịch sự thể hiện được con người có trình độ và có văn hóa.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Linh (Phó hiệu trưởng Trường THCS Khánh Hội A, Q.4): Xưng hô đúng mực để làm gương cho HS
Tôi thấy cách xưng hô thầy/cô – em/các em là phù hợp và hay nhất, thể hiện đúng mối quan hệ giữa GV và HS. Ở một số trường GV lại gọi HS là trò (như trò Nguyễn Văn A., trò Lê Thị B…) nhưng cũng rất hiếm. Tuy nhiên, mặc dù được gọi là em nhưng gần đây lại có xu hướng “HS tự xưng mình là con chứ không xưng em như những năm trước”. Cách xưng hô này chỉ phù hợp với những GV lớn tuổi chứ GV mới ra trường còn trẻ thì không hợp lắm. Tôi có cảm giác khi xưng thầy/cô – con/các con có vẻ gần gũi hơn nhưng nặng tính chất gia đình và thiên về tình cảm hơi nhiều. GV gọi HS là con chỉ phù hợp với các bé ở trường mầm non hoặc bậc tiểu học mà thôi. Còn việc xưng hô mày -tao với học trò là chuyện không nên. Nếu có thì chỉ vài GV đã lớn tuổi nhưng cũng không phổ biến vì đó là cách gọi chưa thật sự có văn hóa và không phù hợp với việc làm gương để răn dạy, giáo dục HS. Vì đại từ nhân xưng trong tiếng Việt không giống như tiếng nước ngoài nhất là tiếng Anh, ngoài ý nghĩa ngữ pháp còn biểu hiện sắc thái tình cảm, thái độ trân trọng và mối quan hệ đặc biệt giữa các nhân tố giao tiếp (người hô và người xưng). GV nên có cách xưng hô đúng mực để làm gương cho HS của mình.
Ngọc Quang (thực hiện)
Bình luận (0)