Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Bước vào thời kỳ đổi mới, TP.HCM luôn quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng đó là xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.


Tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ, TP.HCM xác định xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội

Tại Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển”, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, Đề cương văn hóa ra đời thể hiện mặt tư tưởng, có sức mạnh hiệu triệu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, khơi dậy được khát vọng độc lập, tự do và niềm hạnh phúc của dân tộc.

Những tư tưởng chủ đạo mà Đề cương văn hóa Việt Nam nhấn mạnh đến dân tộc, khoa học, đại chúng không chỉ là đường lối văn hóa trong bối cảnh bị chủ nghĩa thực dân, đế quốc, phát xít nô dịch mà còn là tư tưởng vạch đường cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam.

Tại Sài Gòn – Gia Định, trung tâm đầu não của kẻ thù trong những năm kháng chiến, các hoạt động văn hóa nghệ thuật trên tất cả các lĩnh vực đều thể hiện tính chiến đấu. Hình thành một mặt trận đấu tranh tư tưởng, gây dựng và duy trì được sự thúc đẩy các phong trào yêu nước trong giới văn nghệ sĩ, báo chí… góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, đặc biệt bước vào thời kỳ đổi mới, TP.HCM luôn quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, đó là xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

“Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần 11 khẳng định tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về văn hóa, nâng cao hiệu quả xây dựng đời sống, môi trường văn hóa, phát triển văn hóa gắn với phát triển thị trường hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại”, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê cho biết.

“Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, TP đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài cho sự nghiệp phát triển văn hóa, không ngừng giới thiệu đất nước, con người Việt Nam và TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê cho biết thêm.

Theo đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, việc thực hiện đồng bộ giữa xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị, chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn TP đã góp phần hoàn thiện vào hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người TP mang tên Bác.


Trong những năm qua, TP.HCM luôn chú trọng xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong các cơ quan, đơn vị

Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng văn hóa trong tổ chức Đảng, các cơ quan đơn vị, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xây dựng văn hóa trong chính trị gắn với việc đẩy mạnh học tập làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng Đảng bộ, chính quyền TP trong sạch, vững mạnh, từng bước ngăn chặn, đấu tranh với sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân duy trì thường xuyên các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hoạt động tình nguyện, thiện nguyện, các hoạt động tương trợ khó khăn không chỉ trong phạm vi TP.HCM mà lan tỏa ra các vùng miền, các nước bạn trong khối ASEAN trực tiếp là Lào, Campuchia. Qua đó, đã góp phần khẳng định bản sắc giá trị văn hóa con người TP tiếp tục được phát huy.

Từ thực tiễn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển, TP.HCM xác định tiếp tục nâng cao nhận thức về giá trị Đề cương về văn hóa Việt Nam, đặc biệt về giá trị lý luận thực tiễn, sức sống lâu bền và quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển tư tưởng cốt lõi của Đề cương văn hóa về văn hóa Việt Nam.

Qua đó, không ngừng nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa, đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, mọi tầng lớp nhân dân TP.HCM trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa và con người TP mang tên Bác.

Được biết, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo năm 1943, đã đi vào lịch sử như một bản Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa. Thực tiễn đấu tranh cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam 80 năm qua đã cho thấy ý nghĩa và giá trị mang tầm thời đại của văn kiện này.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)