Từ lâu lễ giáo luôn được coi trọng và được xem như là cơ sở để xây dựng mọi luật lệ, phép nước, tạo ra kỷ cương cho xã hội. Ngày nay, trước áp lực của nền kinh tế, trào lưu văn hóa mới. Lễ cũng luôn được xem là mối quan tâm của xã hội, đặc biệt trong môi trường giáo dục.
Tác giả đang chia sẻ chuyên đề “Văn hóa lễ phép – kỷ luật tại doanh nghiệp” ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Dùng “Lễ” để tu thân
Lễ là một phạm trù lớn trong học thuyết cả Nho gia. Truy nguyên về nguồn gốc, lễ xuất phát từ nghi thức tế thần. Trong cuốn Lễ ký – Lễ vận có ghi: “Phù lễ chi sơ, thủy chư ẩm thực, kỳ phiền thử bài đồn, ô tôn nhi phẫu ẩm, quy phù nhi thổ cổ, do nhược khả dĩ chí kỳ kính ư quỷ thần”. Nghĩa là, từ thời thượng cổ, lễ được bắt nguồn từ thói quen ẩm thực, thời đó, con người chưa phát minh ra đồ gốm, họ đem thóc lúa, thịt heo đặt trên tảng đá đã được hun nóng để nướng chín, khoét trên đá một lỗ nhỏ làm ly rượu, dùng hai tay bê lên để uống, dùng đất viên thành dùi trống, đối với họ, cách dùng phương thức sinh hoạt này có thể để bày tỏ lòng thành kính đối với quỷ thần. Nghi thức cúng tế ngày một phức tạp, các quy tắc hành vi con người bắt buộc phải tuân thủ theo những nghi thức ấy cũng dần được hệ thống hóa, từ đó bắt đầu hình thành một hệ thống nghi thức. Hình thức này, sau được gọi là lễ.
Đến thời Khổng Tử và những người kế thừa ông, lễ không chỉ dừng lại ở các lễ nghi và cúng tế mà mang ý nghĩa rộng hơn. Ngày nay, lễ của Nho gia ít nhất mang ba hàm nghĩa quan trọng: Lễ pháp, Lễ nghĩa và Lễ nghi. Theo đó, “Lễ pháp” là chỉ chế độ chính trị, xã hội, như Khổng Tử đã nói: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”, “Vi quốc dĩ lễ” (dùng lễ để trị nước). Lễ ở đây chỉ sự phân cấp, trên dưới, trước sau để ứng xử cho phù hợp… “Lễ nghĩa” chỉ chuẩn mực hành vi xã hội của con người, thuộc về hệ thống đạo đức. Khổng Tử nói: “khắc kỷ phục lễ vi nhân” (có thể tự kiềm chế bản thân, bỏ mình đi để thực thi lễ nghĩa thì thiên hạ sẽ có được lòng nhân ái). Không Tử còn giải thích thêm: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (nếu không phải lễ thì không nhìn, không nghe, không nói, không hành động). “Lễ nghi” là chỉ những lễ tiết trong các mối quan hệ giữa người với người, biểu thị vị thế của bản thân và sự tôn trọng dành cho vị thế của đối phương, đồng thời cũng chỉ những lối sống đã trở thành tập tục, được gọi là phong tục lễ nghi.
Học thuyết về lễ của Nho gia đã ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội phương Đông cổ đại, đồng thời vẫn giữ được giá trị hiện thực nhất định trong xã hội ngày nay. Cho dù là sự tu dưỡng cá nhân, cách đối nhân xử thế, hay trong các mối quan hệ qua lại giữa người với người, cho đến việc quản lý ứng xử trong công việc, tất cả đều cần có sự chỉ đạo, quy chuẩn và sự ràng buộc của lễ. Xét từ phương diện tu dưỡng đạo đức cổ nhân, Khổng Tử nói: “Bất tri lễ, vô dĩ lập dã”, nghĩa là: không hiểu biết về lễ, thì không thể lập thân trong xã hội. Khổng Tử cho rằng, lễ là cơ sở để mỗi người có thể an cư lạc nghiệp, có vai trò quan trọng trong việc tu dưỡng đạo đức của mỗi cá nhân. Nói một cách cụ thể, đã sống làm người thì bắt buộc phải tu dưỡng các loại phẩm chất đạo đức, mà lễ chính là sự ràng buộc của tất cả phẩm hạnh ấy. Không phải ngẫu nhiên có câu “Tiên học lễ, hậu học văn” – học lễ trước đã! Ở phương Tây tuy không có Khổng giáo nhưng không phải là không biết lễ. Cái lễ của họ được xây dựng trên cơ sở tôn trọng quyền cá nhân của mỗi con người. Đó là phép lịch sự trong quan hệ xã hội, cũng chính là hành vi đạo đức trong đối nhân xử thế.
Chữ “Lễ” trong xã hội hiện đại
Muốn học được lễ và hiểu được lễ, phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Ngay từ bé, người lớn đã dạy cho trẻ biết khi gặp người lớn phải gọi “ông” “bà”, “chú”, “dì”, đây là lúc bắt đầu con trẻ học lễ. Đến độ tuổi đi học, thầy cô dạy học sinh phải biết “tôn sư trọng đạo”, kính trọng người hơn tuổi, nhường nhịn bạn bè, đây là lúc người trẻ bắt đầu biết lễ và hiểu lễ. Ngay từ nhỏ cần bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp, biết khiêm tốn lễ độ, thì khi trưởng thành bước vào xã hội, chúng ta hiểu được một số cách thức trong đối nhân xử thế, sẽ không hành động tùy tiện hay đi ngược lại với quy định trước đó.
Chữ lễ ngày xưa là lễ cứng nhắc, lễ phục tùng. Còn lễ ngày nay là lễ kính trọng. Lễ của kính trên nhường dưới, lễ của những người dám nghĩ, dám làm, dám bỏ những cái cũ, tiếp cận những cái mới, dám mang cái tư duy mới vào để làm cho chữ lễ sáng hơn. Vì vậy, ở bất kỳ thời đại nào, Nếu mỗi người đều coi việc “học lễ hiểu lễ” là điều căn bản để hoàn thiện việc tu dưỡng phẩm chất đạo đức cá nhân, thì người hưởng lợi cuối cùng không chỉ là bản thân chúng ta, mà còn có lợi cho cả cộng đồng và xã hội. |
Phẩm chất đạo đức của một người thường được thể hiện qua cách đối nhân, xử thế, có ảnh hưởng rất lớn với cuộc sống của người đó. Những người nho nhã, khiêm tốn, có phẩm chất cao thượng, thường được sự tôn kính của người khác, hóa hung thành cát mỗi khi gặp khó khăn. Đó là họ dùng lễ để đối đãi với mọi người, họ gieo cho mình mầm lương thiện, để rồi gặt hái được thiện duyên (sự đền đáp mỹ mãn), khi gặp khó khăn tự nhiên có người tình nguyện ra tay giúp đỡ. Một người có lễ thường có nhiều ưu thế trong xã hội. Họ kính trọng mọi người nên thường được xóm làng giúp đỡ, cấp dưới tín nhiệm, cấp trên thăng thưởng. Trong nhà trường, học sinh lễ phép thì được thầy cô ưu ái, ai cư xử hòa nhã với bạn bè thì được quý trọng. Đấy là cái lợi của việc văn và lễ hài hòa với nhau.
Trong xu thế hội nhập hiện nay, một mặt, chúng ta cần tiếp thu các yếu tố tiến bộ của khoa học, mặt khác cần gạn lọc và phát huy có cải biến những yếu tố truyền thống thích hợp với thời đại mới. Những tàn dư xấu của lễ chế phong kiến còn rất nặng nề, in đậm dấu ấn trong tục lệ tang ma, tế lễ, cầu đảo… Những điều này hoàn toàn đối lập với nếp sống văn minh hiện đại. Chữ lễ ngày nay, nội hàm được mở rộng nghĩa, với nhiều hình thức mới, không chỉ đạo đức nói chung, mà là sự khai phóng tư duy. Một học trò tranh luận, chất vấn thầy cô không bị xem là vô lễ, bởi một người thầy hiện đại là người biết “lấy người học làm trung tâm”, khai mở trí tuệ cho người học bằng cách đặt vấn đề giúp người học tranh luận và tìm kiếm sự hiểu biết. Mọi thành phần xã hội đều đối xử bình đẳng nhau theo đúng những phép tắc được quy định trong pháp luật. Tôn trọng luật pháp tức là tôn trọng chữ lễ.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Bình luận (0)