Ngày nay, việc đánh giá chất lượng nguồn nhân lực đã không chỉ dừng lại ở các thông số về kỹ năng, trình độ tay nghề đơn thuần, mà còn ở nhận thức về nghề, ở những chuẩn mực, giá trị của người lao động, lòng yêu nghề và khả năng sáng tạo tích cực, góp phần tạo ra những nhân tố mới đem lại hiệu suất lao động cao. Đó chính là văn hóa nghề, yếu tố mà vì nhiều nguyên nhân, lao động VN còn thiếu và yếu.
Hệ quả của tâm lý tiểu nông
Có thể thấy, tâm lý tiểu nông tồn tại qua nhiều thế hệ đang ảnh hưởng không nhỏ trong xã hội hiện đại. Nó hiện diện như một trở ngại về mặt tâm lý, biểu hiện cụ thể qua tác phong tùy tiện, tính kỷ luật kém, thái độ và cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của người lao động (NLĐ).
Hằng năm tại các khu công nghiệp (KCN), nhất là các KCN phía Nam, có một số lượng lớn công nhân về quê nghỉ Tết, nghỉ phép, song không trở lại làm việc. Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng chủ yếu xuất phát từ ý thức kỷ luật kém, sự tùy tiện, thiếu tinh thần trách nhiệm về nghề và với doanh nghiệp (DN). Những NLĐ này không biết rằng chính sự tùy tiện của họ đã gây ra những khó khăn cho hoạt động, thậm chí những thiệt hại kinh tế của DN.
Khi mới thành lập, các nông trường cao su ở Tây Nguyên đã tuyển dụng nhiều lao động tại chỗ, với mục tiêu giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, họ bỏ nông trường về với ruộng, nương của mình. Vì quen với lao động tự do nên khi bị uốn vào nội quy với việc tuân thủ những yêu cầu mang tính bắt buộc, họ không thích ứng được. Hiện tượng này cũng đang diễn ra rất phổ biến và luôn là nỗi lo của các nhà sản xuất, các DN trong và ngoài các KCX, KCN ở khắp các tỉnh, thành.
Năm 2000, khi tôi có dịp sang nghiên cứu ở Hàn Quốc, chứng kiến ở các ga tàu điện ngầm, nơi công cộng, nhà nghỉ ở Seoul dán lệnh truy nã một công dân VN phạm tội giết người. Đó là một lao động của ta sang làm việc ở Hàn Quốc cãi nhau với nhân viên bảo vệ ký túc xá và đã giết luôn người này. Cùng thời gian đó, một đoàn cán bộ của chúng ta sang Hàn Quốc tham dự triển lãm thương mại và khi triển lãm chưa kết thúc đã có nhiều người trốn ở lại để lao động kiếm tiền… Đó là mặt trái của xuất khẩu lao động, làm giảm uy tín, hình ảnh của lao động VN ở nước ngoài.
Xây dựng hình ảnh người lao động mới
Đáng lo là các biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông xuất phát từ văn hóa nghề thấp đang tác động sâu rộng lên đời sống xã hội, trong môi trường làm việc, ở mọi ngành nghề; không chỉ ở lĩnh vực xuất khẩu lao động, nông nghiệp, sản xuất mà ngay các công sở, cơ quan Nhà nước. Chúng ta bắt gặp ở không ít cơ quan Nhà nước, có tình trạng cán bộ đi muộn, về sớm, không làm đủ 8 giờ quy định. Trong thời gian làm việc ở cơ quan, nhân viên thiếu tinh thần trách nhiệm với công vụ được giao, lạm dụng thời gian cho việc giải khát, đọc báo, tán gẫu; thậm chí đánh cắp thời gian rủ nhau đi uống bia, cà phê hoặc tranh thủ về sớm lo đón con, đi chợ, nấu ăn…
Trong xã hội hiện đại, biểu hiện tâm lý tiểu nông đã không còn phù hợp. Xóa bỏ nó và hướng đến xây dựng hình mẫu NLĐ có tri thức, tay nghề cao, có tác phong công nghiệp, thái độ làm việc chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao, yêu nghề, say mê làm việc và cống hiến là những yêu cầu mang tính bắt buộc để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Văn hóa nghề chính là thước đo chất lượng nguồn nhân lực. Chỉ khi nào người lao động có văn hóa nghề theo đúng nghĩa của nó thì khi đó chúng ta mới có nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế đất nước.
Bình luận (0)