Có dịp gặp gỡ những bạn đồng nghiệp còn con nhỏ đang dạy học tiểu học, mẫu giáo; tôi đều hỏi thăm tình hình học tập, vui chơi của các cháu để cùng san sẻ, cảm thông.
Thật bất ngờ là ai cũng khẳng định: Không những các dịp lễ, Tết gửi quà bằng tiền mặt cho gọn nhẹ mà cuối mỗi tháng, ai ai cũng đều “tự giác” bồi dưỡng cho giáo viên! Lúc đầu thì từng người đưa nhỏ lẻ (phong bì vài trăm ngàn) nhưng sau đó mọi người gom lại thành từng nhóm (5, 6 người một nhóm); bỏ chung tiền, ghi rõ phụ huynh cháu nào, em nào rồi chờ “cơ hội thuận tiện” gửi cho cô.
Tôi hỏi lại người bạn rằng: Giáo viên đều đã có lương, có chế độ; mình “bồi dưỡng” nữa làm gì?” thì được trả lời, đại ý: Cứ đưa bồi dưỡng cho cô để cô chăm sóc con mình tốt hơn (vui chơi, ăn uống, tắm giặt, đi ngủ…). Vì các cháu còn nhỏ, chưa biết nói nhiều nên cách làm “tốt nhất, hiệu quả nhất” là hàng tháng bồi dưỡng cho cô chút đỉnh, gọi là sự “biết ơn cô” đã chăm sóc, dạy dỗ cháu…
Nhưng những gia đình không có điều kiện “bồi dưỡng” thì sao? Thì con của họ cũng được chăm sóc, nhưng chăm sóc theo nghĩa vụ chứ không nhiệt tình bằng các cháu có tên “trong danh sách”… Tội nghiệp con trẻ nào có biết gì, chỉ biết về nhà “méc” với mẹ là bạn A. được cô cưng nhiều; bạn B. không được cô thương… Chính sự “bồi dưỡng” này của phụ huynh đã tạo nên sự mất công bằng trong chăm sóc, dạy dỗ trẻ!
Nhưng biết nói sao được khi đồng lương của cô quá khiêm tốn mà lớp học thì quá đông; coi sóc làm sao hết được! Hơn nữa, tâm lý chung của các vị phụ huynh bấy giờ là cứ đưa tiền “bồi dưỡng” cho giáo viên là “chắc ăn, là yên tâm” nhất để làm công việc khác!
“Văn hóa phong bì” trong môi trường giáo dục đã làm lu mờ hình ảnh người thầy, người cô! Và có mấy người đứng vững được trước cám dỗ của những chiếc phong bì…
Lê Trường Sa
Bình luận (0)