Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Văn hóa tính dục Trung Hoa cổ đại

Tạp Chí Giáo Dục

Văn hóa tính dục Trung Hoa cổ đại - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 Văn hóa tính dục Trung Hoa cổ đại Audio

Theo ThS. Nguyễn Hiếu Tín thì có lẽ không nơi nào vấn đề tính dục lại được bàn luận một cách có hệ thống và công phu như ở Trung Quốc. Cách đây hàng nghìn năm đất nước này đã viết sách dạy về tính dục với một hệ thống trước tác rất uyên bác và tinh vi.

Tình yêu của nam nữ Trung Hoa thời cổ đại

1.Quan hệ giới tính là một phương cách tự nhiên để bảo đảm duy trì nòi giống. Nó là một hình thái tồn tại vĩnh cửu của tự nhiên và phổ biến ở tất cả sinh vật. Đó cũng là nhu cầu tinh thần dưới những hình thức luyến ái, yêu đương, sự che chở cũng như tình cảm cao quý khác của con người. Nói đến khoa học về tính dục, hiện tại người ta chỉ biết đến tính dục học (sexology) như một chuyên ngành mới được hình thành ở phương Tây cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Nhưng thực ra, những công trình về tính dục học ở phương Đông đã xuất hiện từ trước công nguyên rất lâu và trên thế giới, nhất là ở Trung Quốc.

Giáo sư Lưu Đạt Lâm – nhà tính dục học nổi tiếng của Trung Quốc từng ra mắt tác phẩm Phong phú cổ vật phồn thực 5.000 năm Trung Hoa. Quyển sách gồm 300 bức ảnh được chụp từ 1.200 cổ vật phồn thực hiếm có do ông sưu tập. Toàn bộ quyển sách được chia thành những chuyên đề như: Quá trình phát triển của phồn thực; sùng bái phồn thực; văn học nghệ thuật phồn thực; vật dụng mang tính phồn thực; các hành vi tính dục kỳ lạ; ức chế và cấm đoán tính dục… tất cả đã tái tạo nên diện mạo văn hóa phồn thực của Trung Hoa. Công trình này được Chủ tịch Hội Tính dục quốc tế – TS. Kuarman đánh giá là “một cống hiến vô cùng quan trọng, rất vĩ đại, chưa từng có trong ngành tính dục họa Trung Hoa”. Đằng sau hàng ngàn cổ vật mà giáo sư Lâm sưu tập được đều ẩn chứa ý nghĩa về văn hóa, đồng thời đã ghi lại sự thực và những câu chuyện lịch sử của từng thời đại.

ThS. Nguyễn Hiếu Tín cho hay, bàn về tác phẩm nghiên cứu tính dục học thì có lẽ, cách đây hàng mấy ngàn năm, Trung Quốc đã có những trước tác chuyên ngành. Từ thời vua Hoàng đế nước Trung Hoa (cách đây 4.600 năm), đã để lại cho đời hai bộ Tính dục kinh nổi tiếng là Hoàng đế nội kinh và Tố nữ kinh. Tác phẩm Tố nữ kinh chủ yếu ghi lại những câu hỏi của nhà vua và lời giải đáp của tố nữ, được người đời sau coi đó là những ý niệm có tính khoa học và vẫn còn có giá trị nhất định trong xã hội đương thời.

Từ thời Hán, nước Trung Hoa đã phát triển khoa học về tính dục, đó là “phòng trung thuật” (nghệ thuật phòng the). Theo nghĩa hẹp, phòng trung thuật nói về kỹ thuật làm tình. Theo nghĩa rộng, nó liên quan đến toàn bộ thái độ đối với tính dục của người Trung Hoa xưa. Trong quá trình lịch sử, phòng trung thuật mang một sắc thái thần bí, nhưng về thực chất nó là cơ sở lý luận tính học của xã hội Trung Hoa cổ đại.

2. ThS. Nguyễn Hiếu Tín cho biết, văn hóa Trung Hoa cổ đại lấy nguyên lý âm dương là cơ sở để giải thích mọi hiện tượng trong đời sống tình dục. Theo đó, nam là dương, nữ là âm. Nếu âm dương không cân bằng, không hòa hợp thì con người dễ phát sinh bệnh tật và tổn thọ. Âm dương phải luôn tương ứng tương sinh, giao cảm với nhau thì sự sống mới tồn tại và phát triển, đó là nguyên lý bao quát trong cả đời sống tính dục. Người Trung Hoa cổ tìm cách triết lý hóa hành vi tính giao một cách có cơ sở thực tiễn đầy thuyết phục: âm dương hóa sinh vạn vật, nam nữ phồn diễn nhân loại – “Thiên địa nhân uân, vạn vật hóa thuần; Nam nữ cấu tinh vạn hóa sinh” (Trời đất điều hòa, muôn vật đều thuần túy; Nam nữ kết tinh thì vạn vật nảy sinh). Đó là quy luật tự nhiên.

Như vậy, từ thời cổ đại, Trung Hoa đã coi con người là một bộ phận của vũ trụ, mọi hoạt động của con người đều gắn với sự vận hành của thiên nhiên. Trong cuộc sống tình dục cũng vậy, hành động giao hòa của con người là hoạt động tự nhiên, phù hợp với trật tự của tạo hóa như lời của Mạnh Tử “thực sắc tính da” – tính dục vốn nằm trong bản tính của con người cũng giống như việc ăn uống vậy.

Trung Hoa cổ đại, còn xem vấn đề sinh hoạt tính dục là một phần của y học. Các đạo gia, các nhà y học và dưỡng sinh học Trung Hoa thường đặt sinh hoạt tình dục vào vị trí quan yếu trong cuộc sống. Người Trung Hoa vốn nổi tiếng với các thang thuốc tráng dương kéo dài tuổi thọ và đời sống tình dục. Chính vai trò của phòng trung thuật đã đề ra nhiều lý thuyết, phương pháp để hoạt động tình dục hợp lý, đúng cách, nhằm tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Văn hóa tính dục Trung Hoa cổ đại ngoài việc tìm hiểu bản tính tính dục của con người, tính dục học còn nghiên cứu nhiều về vấn đề phòng bệnh, trị bệnh, khả năng kéo dài tuổi thọ… Ngoài việc làm hài hòa đời sống gia đình, giảm thiểu bệnh tật, y học tính dục còn nhằm mục đích tăng cường sức mạnh xã hội… những vấn đề về giáo dục giới tính mà xã hội và dư luận ngày nay đang rất quan tâm.

Minh Tuyn

Bình luận (0)