Nói đến văn hóa xếp hàng ai cũng hiểu đơn giản là việc mọi người chờ lần lượt tới mình, không chen lấn xô đẩy mất trật tự, ảnh hưởng tới mọi người xung quanh đi khám bệnh, mua vé tàu xe, thanh toán tiền dịch vụ, mua hàng hóa…
Xin kể 2 câu chuyện dưới đây thể hiện phần nào văn hóa xếp hàng: Câu chuyện thứ nhất. Chủ nhật hôm ấy, khi mua hàng hóa xong ở một siêu thị Metro xe đẩy ra cửa xếp hàng để thanh toán tiền. Nhìn đồng hồ lúc này 11 giờ 50 phút, một dãy dài các xe đẩy ở hai dãy làm thủ tục kiểm hàng trả tiền, xe nào xe nấy đầy ắp thực phẩm, rau củ quả, và các đồ dùng gia đình… mọi người đều chờ đến lượt để nhân viên siêu thị kiểm hàng và thanh toán tiền. Bỗng từ phía sau một người phụ nữ khoảng 40 tuổi ăn mặc rất mốt, nhanh nhẹn đẩy chiếc xe của mình chen ngang mọi người đang đứng xếp hàng đều nhìn thấy, có người lên tiếng: “Sao lại chen ngang? Xếp hàng chứ!”. Lúc đó anh bảo vệ siêu thị mới mời chị ta quay xuống xếp hàng theo thứ tự. Lúc đầu chị không chịu la toáng lên ầm ĩ. Cuối cùng thì người bảo vệ vẫn giữ thái độ kiên quyết và mời xuống xếp hàng theo thứ tự, mọi người hôm ấy được chứng kiến thấy việc làm của người bảo vệ là đúng với một người ứng xử thiếu văn hóa khi đi mua hàng.
Câu chuyện thứ hai, mới đây ở chung cư nơi tôi sinh sống bị mất điện nên chỉ còn 2 thang máy hoạt động, người lên từ tầng trệt đi lên 20 tầng lầu khá đông, phải xếp hàng. Thang máy trên đi xuống vừa mở cửa trong ra chưa hết, người ngoài đã nhào vào, không biết ai trước ai sau, nên khi vào rồi quá tải bấm số điện, thang không chạy, nhưng không ai tự nguyện bước ra, hình ảnh chen lấn xen ngang vẫn tồn tại và có vẻ trở thành “nét văn hóa”?
Xếp hàng là một trong những biểu hiện văn hóa đầu tiên con người văn minh đảm bảo sự công bằng lịch sự ở nơi công cộng. Bất cứ ở đâu ai đến trước được giải quyết trước, ai đến sau giải quyết sau cứ thế tuần tự như trên vừa trật tự, văn minh, không ồn ào tranh cãi đỡ tốn thời gian. Người bạn tôi ở nước ngoài mới về nước kể với tôi rằng: “Một em bé mới 6 tuổi khi đến lớp học, việc đầu tiên cháu được học chính là “xếp hàng” khi đến lớp học, dù chả có ai nhưng cháu vẫn có thói quen xếp hàng chờ đúng giờ vào lớp”.
Câu hỏi chúng ta tại sao không làm được việc đó? ai cũng biết thời kỳ bao cấp khi đi mua bất cứ gì, làm việc gì cũng đều phải xếp hàng đấy thôi. Tôi còn nhớ năm 1980 tại ga Hàng Cỏ, tôi cũng xếp hàng mua vé vào Sài Gòn. Nhưng cứ đến gần sát chỗ phòng vé thì “hết vé”. Thời kỳ bao cấp cái gì cũng phân phối vì sản xuất ít, bán ít, nếu xếp hàng trễ là hết không mua được. Còn hiện nay hàng hóa sản xuất khá dồi dào, thì việc xếp hàng cần tập thành thói quen ý thức trách nhiệm mỗi người dân trong mỗi gia đình, và toàn xã hội, tính tự giác lòng tự trọng trong nhu cầu cuộc sống thường nhật. Đây là nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Đỗ Thông
Bình luận (0)