Y tế - Văn hóaThư giãn

Văn học giả tưởng, trinh thám, kinh dị: Cơ hội nào cho tác giả Việt?

Tạp Chí Giáo Dục

Ở Việt Nam, văn học giả tưởng (fantasy), khoa học viễn tưởng (sci-fi), trinh thám, kinh dị… đã tạo thành dòng chảy riêng, dù vẫn còn non trẻ.

Tiềm lực đi kèm khó khăn

Ở thể loại trinh thám – tâm lý ly kỳ, các tác giả như Higashino Keigo (Ác Ý, Phía sau nghi can X, Án mạng mười một chữ), Minato Kanae (Thú tội, Chuộc tội, Cảnh ngộ), Thomas Harris (Rồng Đỏ, Sự im lặng của bầy cừu)… có nhiều tác phẩm được tái bản liên tục ở Việt Nam và thường xuyên nằm trong danh sách bestseller của các nền tảng thương mại điện tử. Theo thống kê của nhà sách Fahasa và Nhã Nam, các cuốn sách thuộc dòng giả tưởng – khoa học viễn tưởng  đều là những tựa sách bán chạy. 
Nhưng vì sao dòng sách này vẫn là sân chơi chủ yếu của văn học dịch? 

Xét về mặt lịch sử – xã hội, nhiều biến động thời cuộc trong thế kỷ XX đã hình thành nên đặc trưng và yêu cầu riêng cho văn học, khiến các tác phẩm văn chương hiện thực vẫn chiếm đa số. Cuối thập niên 90 đầu thập niên 2000, các nhà văn bắt đầu thử sức với những thể loại mới, chưa hoặc ít có tiền lệ trước đó. Xu hướng sáng tác này cũng phổ biến trong lứa tác giả trẻ 8X và 9X – thế hệ người viết năng động, sáng tạo, thường xác định rõ thể loại mình muốn theo đuổi ngay từ đầu.

Tứ trấn huyền linh và Ngôi làng Cổ Mộ là hai tác phẩm hiếm hoi của Việt Nam thuộc thể loại tâm linh – huyền bí. Ảnh: Fanpage nhà văn Thục Linh

Văn đàn Việt Nam đã đón nhận nhiều tác phẩm chất lượng thuộc các dòng sách trên. Theo biên tập viên Giang Nguyễn (Nhà xuất bản Phụ nữ), số lượng đầu sách thuộc dòng sách này của các tác giả trong nước khá ổn định trong những năm gần đây. Nổi trội là trinh thám với lứa tác giả trẻ như Đức Anh (Thiên thần mù sương), Kim Tam Long (Ẩn ức trắng), Doo Vandenis (Vết máu ngược, sinh năm 2002). Chị cũng đánh giá cao nội dung và sự đa dạng của các tác phẩm, cũng như “sự đầu tư, ý thức đổi mới và thỏa mãn bạn đọc sâu hơn ở nhiều khía cạnh lồng ghép trong truyện”.

So với trinh thám, sách giả tưởng, khoa học viễn tưởng xuất hiện không đều đặn bằng, nhưng ít nhiều gây tiếng vang ở các sân chơi uy tín. Cách đây sáu năm, Người ngủ thuê của Nhật Phi đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20. Năm 2018, tiểu thuyết Wittgenstein của thiên đường đen (Maik Cây) và Yagon – Những kẻ vô cảm (Phạm Bá Diệp) cũng lần lượt giành giải nhì và giải ba trong cuộc thi này.

Tuy nhiên, với các tác giả trong nước, vẫn còn không ít “chướng ngại vật”. Khó khăn lớn nhất có lẽ là sự thiếu vắng các tác phẩm kinh điển, mang tính mẫu mực thuộc những thể loại này trong dòng chảy văn chương Việt. Trong khi đó, ở phương Tây, nhắc đến văn học giả tưởng thì ai cũng biết tới Chúa Nhẫn (J.R.R. Tolkien) hay Harry Potter (J.K.Rowling); trinh thám thì có tuyển tập Sherlock Holmes (Sir Arthur Conan Doyle) hay các tác phẩm của văn hào lừng danh Agatha Christie…

Vì những lý do khách quan trên, các tác giả Việt Nam theo đuổi những dòng sách này thường chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn học nước ngoài. Do đó, một bộ phận không nhỏ người viết gặp khó khăn trong việc tạo nên dấu ấn riêng.

Trong một số trường hợp, nguyên nhân cũng đến từ chính đặc trưng cơ bản của dòng sách. Độc giả của thể loại này rất kỹ tính trong việc lựa chọn tác phẩm, khiến cơ hội dành cho tác giả Việt phần nào bị thu hẹp. Đối với thể loại viễn tưởng (sci-fi), trình độ phát triển khoa học – kỹ thuật của Việt Nam chưa đủ tạo thành sức bật cho dòng sách này như ở Mỹ hay Trung Quốc. 

Các tác phẩm trinh thám nổi bật của Việt Nam. Ảnh: Khánh Đức

Chinh phục người đọc bằng chất Việt

Để tạo giá trị riêng và chinh phục bạn đọc trên “sân nhà”, không ít tác giả chú trọng khai thác những đặc trưng văn hóa, đời sống Việt Nam trong các sản phẩm của mình. Xu hướng tìm về nguồn cội ngày càng phổ biến là một tín hiệu tích cực, tạo nên sự gần gũi với độc giả, và khẳng định bản sắc riêng của văn học Việt Nam đương đại.

Theo nhà văn Nhật Phi, việc xây dựng một “vũ trụ fantasy Việt Nam” giống với “vũ trụ fantasy phương Tây” hoàn toàn khả thi, bởi nền tảng truyền thuyết, thần thoại, điển tích của người Việt vốn cực kỳ đồ sộ. Làm được điều này, văn chương sẽ góp phần không nhỏ vào việc hệ thống hóa và tăng mức độ nhận diện cho văn hóa truyền thống.
Dòng sách kinh dị, tâm linh – huyền bí cũng coi kho tàng văn hóa Việt Nam là nguồn cảm hứng lớn. Theo nhà văn Thục Linh (Tứ trấn huyền linh, Ngôi làng Cổ Mộ) – một trong những tác giả Việt hiếm hoi theo đuổi thể loại này – những phong tục tập quán, tín ngưỡng của người Việt luôn là mảnh đất màu mỡ để chị tìm kiếm ý tưởng.

Bên cạnh văn hóa truyền thống, các tác giả Việt cũng cần nắm bắt hơi thở, tinh thần của đời sống đương đại để phản ánh trong tác phẩm. Nhà văn Đức Anh cho rằng, bất cứ chi tiết nào về đời sống Việt Nam cũng có thể được chọn lọc để đưa vào sách, từ “cách ăn nói, sinh hoạt đến quang cảnh những phố chợ, làng quê…”. Chỉ có vậy, người viết mới tạo dựng và duy trì được sự gắn kết với độc giả.

Trong một buổi hội thảo xoay quanh chủ đề Văn chương ngoài hiện thực trước đây, nhà phê bình văn học, tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu đã đúc kết: “Người viết trẻ ngày nay nên nghĩ toàn cầu, làm địa phương”. Việc học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ văn chương quốc tế là cần thiết, nhưng nhà văn cũng cần kể được những câu chuyện về đất nước và con người Việt Nam, thì mới có thể ghi dấu ấn bền lâu trong lòng bạn đọc. 

Theo Thanh Dương/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)