Bên cạnh những tác phẩm được đánh giá cao, văn học giải trí cũng có những thành tích ấn tượng về mặt doanh thu và nhận được sự chú ý từ lớp độc giả mới.
Thành công của văn học mạng
Từng là “cái nôi” giúp nhiều tác giả trở nên nổi tiếng, đến nay văn học mạng vẫn là xu thế được nhiều cây bút chọn lựa. Các cây bút trẻ hôm nay dùng mạng xã hội Facebook để độc giả dễ dàng theo dõi. Đây cũng là nơi để các đơn vị xuất bản quan sát hiệu ứng đón nhận, từ đó lựa chọn cộng tác với những cây bút có tiềm năng.
Nhiều tác giả đi theo lối này đã được giới thiệu trong thời gian gần đây như: Emmy Hạ My (fanpage Emmy kể chuyện) với Sĩ số lớp vắng 0, Tổng đài kể chuyện lúc 0h; Rosie Nguyễn với Ác duyên hay Doo Vandenis với 17 âm 1. Rất nổi tiếng với Tết ở làng địa ngục, tác giả Thảo Trang tiếp tục giới thiệu các chương truyện mới thuộc 2 tác phẩm Quỷ nhân ngư và Cô gái áo đỏ – phần 1 của tiểu thuyết Kẻ ăn hồn trên trang cá nhân.
Những tác phẩm tạo được hiệu ứng ngay khi ra mắt của các cây viết trẻ
Điểm chung của các tác phẩm, tác giả nói trên là họ đều thuộc thế hệ Z và kể những câu chuyện được thế hệ này quan tâm. Chúng chủ yếu thuộc thể loại kinh dị, trinh thám, tâm lý, kỳ bí. Vì hướng đến thế hệ độc giả trẻ, cách tiếp cận của những tác phẩm cũng rất mới mẻ. Họ thường đăng thử các phần lên trang cá nhân, sau đó sử dụng thêm TikTok, YouTube… để tác phẩm có thêm sức bật.
Cách đặt góc nhìn mới với các sự kiện lịch sử là một trong những đề tài được đông đảo độc giả quan tâm. Chẳng hạn tiểu thuyết dã sử Tây Sơn phụng thần ký của Thành Châu đã được tái bản chỉ sau thời gian rất ngắn. Việc kết hợp lịch sử với các yếu tố ly kỳ, lãng mạn cũng được nhiều tác giả tập trung khai thác. Ở Tước gấm giấu đay – Những nữ nhân khuynh biến hoàng triều, những công chúa, hoàng hậu, thái hậu… trong lịch sử Việt đã được phác họa một cách khác biệt.
Vai trò của giới xuất bản
Với xu thế chuyển mình mạnh mẽ trong cả nội dung, phương thức tiếp cận, văn học giải trí đang là làn gió mới của giới xuất bản. Khi đã có được lượng độc giả nhất định, sự tham gia của các nhà xuất bản (NXB) hay công ty sách chính là “đòn bẩy” giúp họ đi nhanh và xa hơn.
Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ năm 2023”, phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Xuân Thạch (Khoa Văn học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) gợi ý: nên nhìn nhận lớp nhà văn trẻ như những “start-up” (người khởi nghiệp), từ đó ngành xuất bản có thể tạo ra “hệ sinh thái khởi nghiệp” để có thêm điều kiện hỗ trợ họ. Các đơn vị xuất bản cũng có thể đặt hàng hoặc mở lối cho tác giả trẻ.
Độc giả tham dự buổi tọa đàm Viết và đọc truyện do Linh Lan Books tổ chức
Linh Lan Books tổ chức nhiều buổi tọa đàm trực tuyến về cách viết tiểu thuyết, cách triển khai tác phẩm… Họ cũng hoan nghênh sự cộng tác của những người trẻ. Tước gấm giấu đay hay Ác duyên đều là dự án được công ty này “bật đèn xanh” để các tác giả sáng tạo.
Chia sẻ với PV, nhà văn Đức Anh – đại diện Linh Lan Books – cho biết: “Điều đáng mừng là khi ra mắt, 2 tác phẩm trên đều tiêu thụ được một lượng nhất định. Tôi nghĩ tác giả trẻ có thể đứng độc lập, nhưng đôi khi họ cũng cần có những cú bứt phá; mà muốn thế thì cách nhanh nhất là có sự hỗ trợ của các biên tập viên. Ở Mỹ, việc này đã có từ lâu. Ta thường thấy các nhà văn lớn hay tri ân đội ngũ hỗ trợ của họ”.
Anh cũng nói thêm: “Nhiệm vụ của các NXB là luôn lo lắng thay cho tác giả, để họ được bay bổng, được sáng tạo không giới hạn. Tôi nghĩ NXB chỉ cần làm đúng vai trò đồng hành, quyết liệt và có chiến lược thì tự khắc những bậc kỳ tài sẽ tìm đến và chia sẻ ý tưởng. Qua các dự án, Linh Lan không chỉ tìm kiếm các tác giả đang lên mà còn quan tâm đến những tác giả ở thời điểm này họ đang chững lại, chưa thành danh hoặc còn chần chừ vì ý tưởng của mình”.
Tuy nhiên, về chất lượng, văn học mạng vẫn cần tiết chế. Không chỉ từ phía cá nhân người viết, các NXB và công ty sách cần quan tâm hơn đến việc chọn lựa bản thảo, từ đó cung cấp không chỉ những tác phẩm được đón nhận rộng rãi, mà còn có giá trị cao, truyền tải thông điệp ý nghĩa đến với độc giả.
Nhà văn Đức Anh trăn trở: “Chúng tôi muốn các tác giả trở thành nhà văn đúng nghĩa thay vì các tiktoker hay youtuber giỏi đi bán sách. Đó là sứ mệnh trở thành nhà văn của mọi người, giữa đời sống này, là người đặt câu hỏi, là người níu giữ và nhắc nhở một khi đời sống quay mặt với các giá trị nhân bản. Qua từng tác phẩm, nền văn học giải trí Việt Nam sẽ hướng đến những thông điệp mạnh mẽ hơn, thuận lý hơn và phần nào đóng góp vào sự nhân văn, lương thiện của đời sống chúng ta”.
Theo Ngô Minh/PNO
Bình luận (0)