Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Văn học hiện thực lên truyện tranh

Tạp Chí Giáo Dục

Chí Phèo, chị Dậu… bước vào tranh thu hút nhiều bạn đọc. Ảnh: T.Dân
Thị trường sách truyện tranh Việt Nam thời gian gần đây trình làng series Danh tác Việt Nam – tức truyện tranh hóa các tác phẩm văn học hiện thực giai đoạn 1930-1945. Tuy nhiên, liệu bạn đọc có dễ dàng chấp nhận không khi “bộ mặt” của một giai đoạn văn học lịch sử như Giông tố, Chí Phèo… được chuyển thể thành dạng khác?
Luồng gió mới
Danh tác Việt Nam là bộ truyện tranh độc quyền của Công ty Phan Thị. Theo đó, những tác phẩm từng làm nên bộ mặt lịch sử của giai đoạn văn học hiện thực phê phán 1930-1945 như Chí Phèo của Nam Cao; Giông tố, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng; Tắt đèn của Ngô Tất Tố; Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan… đã, đang và sẽ lần lượt được chuyển thể thành truyện tranh. Ý tưởng này khởi nguồn từ bà Mỹ Hạnh – Giám đốc Công ty Phan Thị, do nhóm họa sĩ gồm ba bạn trẻ Hoàng Nhật Tuấn (1986), Phạm Kiều Oanh (1984) và Nguyễn Nhật Nguyên (1986) thực hiện. Theo bà Mỹ Hạnh, Danh tác Việt Nam là một dự án lớn hướng đến mong muốn thay đổi tư duy tiếp nhận tác phẩm văn học của thế hệ trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, đồng thời vực dậy niềm đam mê văn học ở thanh thiếu niên cũng như tôn vinh các giá trị kho tàng văn học Việt Nam và góp phần thúc đẩy sự phát triển của truyện tranh trong nước. Ngay từ lúc “chào đời”, nó đã mang đến một luồng gió mới khi được rất nhiều bạn đọc trẻ say mê tìm đọc. Chị Nguyễn Thị Thúy Nhi, nhân viên Nhà sách Sài Gòn cho biết: “Không chỉ trẻ em mà rất nhiều phụ huynh cũng tìm đọc bộ truyện tranh này. Những cuốn sách nằm trong series Danh tác Việt Nam vừa xuất bản đã bán rất chạy”. Còn anh Trần Nhật Tân (37 tuổi ở Đề Thám, quận 1) cho rằng rất hào hứng với bộ truyện tranh mới bởi giúp anh có dịp hình dung lại một xã hội đầy rẫy bất công, nơi người nông dân phải chịu biết bao khổ sở dưới chế độ thực dân phong kiến!
Bàn về xu hướng chuyển hóa tác phẩm văn học hiện thực phê phán sang thể loại truyện tranh, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định: “Trong tình hình văn học và vấn đề văn hóa đọc đang bị khủng hoảng nghiêm trọng thì đó là một việc làm tốt, rất đáng khích lệ! Trên thế giới đã có rất nhiều tác phẩm kinh điển được truyện tranh hóa như Thủy Hử, Phong thần… và cũng có nhiều danh tác rút gọn. Xu hướng này thường bị… phản đối song thực tế lại có ý nghĩa rất lớn trong việc kích thích bạn đọc, nhất là lớp trẻ mạnh về tiếp nhận qua thị giác và những người không có thời gian để đọc sách. Sự kích thích ban đầu này sẽ khiến bạn đọc tìm về nguyên tác để đọc, tìm hiểu và “thẩm thấu” tốt hơn”.
Còn nhiều “hạt sạn”
Không thể phủ nhận sức hút của chàng Chí, chị Dậu… khi bước vào truyện tranh, thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, bộ Danh tác Việt Nam vẫn còn khá nhiều “hạt sạn”, nhất là khâu hình ảnh. Nếu như bạn đọc không biết đó là những Chí Phèo, Giông tố, Tắt đèn nổi danh sẽ dễ dàng nhầm lẫn các tác phẩm “tranh hóa” là của… Nhật Bản bởi hình vẽ không khác mấy so với truyện manga của nước này. Sự “thuần Việt” và đặc biệt bức tranh xã hội Việt Nam với những người nông dân “cùng khổ”, ở tận cùng “dưới đáy xã hội” vẫn không được lột tả nổi bật. Hình ảnh một chị Dậu trong tranh hóa với đôi mắt to tròn, long lanh và gương mặt trái xoan đã đi ngược lại với một chị Dậu khắc khổ, lam lũ và cằn cỗi tiêu biểu cho thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ của nguyên tác. Còn Chí Phèo lại mang dáng dấp của tên… hung thần, ác nhân vốn đầy rẫy trong truyện manga hơn là một gương mặt bặm trợn che giấu nỗi đau đi tìm lương thiện mà sinh thời Nam Cao đã dày công xây dựng! Một điểm nữa dễ nhận thấy trong các tác phẩm hiện thực nói trên, nghệ thuật xây dựng ngôn từ, khả năng diễn đạt với lối hành văn tự sự – vốn là đỉnh cao góp phần làm nên thành công của các tác phẩm đã… mất. Bởi các tác phẩm khi được truyện tranh hóa với 90% là các mẩu đối thoại đã làm mất đi chất nghệ thuật, lối dẫn và kể chuyện của tác giả. Đọc truyện tranh, đã không còn thấy được ngòi bút sắc sảo, gân guốc đầy soi mói với một giọng văn lạnh lùng của Nam Cao hay cái cười mỉa mai, trào phúng của Vũ Trọng Phụng khi mà các tác giả có khi bước hẳn vào tác phẩm để kể chuyện và phát biểu cảm nghĩ của mình… Xu hướng truyện tranh hóa văn học hiện thực là một ý tưởng mới nhận được nhiều ủng hộ, giúp làm phong phú thêm thể loại truyện tranh trong nước cũng như để bạn đọc tiếp cận dễ dàng hơn với tác phẩm văn học. Song thiết nghĩ, cần phải có sự đầu tư chỉn chu hơn để tác phẩm không những hấp dẫn, gần gũi mà còn giúp bạn đọc hiểu thêm về tinh thần, cốt cách của một dòng văn học lịch sử nước nhà.
Tuyết Dân

“Trào lưu truyện tranh hóa văn học hiện thực góp phần làm giảm tình trạng khủng hoảng văn hóa đọc trong giới học sinh. Thế nhưng, để bạn đọc có cái nhìn khách quan cũng như có sự tôn trọng với nguyên tác đòi hỏi người làm phải hết sức nghiêm túc. Nhà sản xuất cần chọn lựa họa sĩ vẽ minh họa dưới sự tham mưu, chỉ dẫn của những nhà sử học để mô tả chân thật đời sống người dân trong một giai đoạn lịch sử. Qua đó giáo dục lịch sử và văn hóa cho mọi người”, ông Phạm Xuân Nguyên cho biết.

 

Bình luận (0)