Y tế - Văn hóaThư giãn

Văn học Nga giữa lưng chừng đứt đoạn

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều thập niên qua, văn học Nga không còn nhiều ảnh hưởng trên thị trường sách Việt. Có giai đoạn, nhiều nhà làm sách còn lo ngại về đội ngũ dịch giả kế thừa.

Tình yêu ở toa thứ bảy của Olga Slavnikova là tác phẩm mới nhất của văn học Nga đương đại, vừa được nhà xuất bản (NXB) Văn hóa Văn nghệ ấn hành. Trước đó, NXB Phụ Nữ vừa phối hợp với Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tổ chức buổi ra mắt một số tác phẩm văn học dịch từ tiếng Nga.

Nhiều thập niên qua, văn học Nga không còn nhiều ảnh hưởng trên thị trường sách Việt. Có giai đoạn, nhiều nhà làm sách còn lo ngại về đội ngũ dịch giả kế thừa. Theo dự án dịch các tác phẩm văn học kinh điển và đương đại Nga sang tiếng Việt, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga từng giới thiệu các tựa sách: Đầu xanh tuổi trẻ (Fedor Dostoevsky), Khổ vì trí tuệ (Aleksandr Griboedov) cùng các tuyển tập truyện ngắn của các nhà văn Nga đương đại. NXB Phụ Nữ cũng đã phát hành một số tựa: Ra đời (Aleksei Varlamov), Vợ, người tình và quý ông hoàn hảo (Maria Metlitskaya). Đây đều là các tác phẩm đề tài tình yêu – hôn nhân, gia đình. Tuy nhiên, với những lối tiếp cận và phong cách viết mới của các tác giả vẫn còn xa lạ với độc giả Việt Nam, không phải tác phẩm nào cũng thu hút được người đọc.

Van hoc Nga giua lung chung dut doan
Văn học Nga đương đại đang nỗ lực chinh phục độc giả Việt

Olga Slavnikova – tiểu thuyết gia nổi tiếng từng đoạt giải Booker Nga, viết Tình yêu ở toa thứ bảy với phong cách đa dạng: tình cảm lãng mạn, viễn tưởng, trinh thám… Chủ đề đường sắt, như bà chia sẻ, là nguồn cảm hứng vô tận để kết nối các nhân vật, những giá trị nhân bản. Một chuyến tàu lướt đi, mang trong nó cả một quần thể người, với mọi bộc lộ về nhân cách, nỗi đau, những ám ảnh và cả tình yêu. Dù đặt trong bối cảnh mang đậm dấu ấn Nga, Tình yêu ở toa thứ bảyvẫn đôi lúc khiến người đọc cảm thấy ngột ngạt trước không gian đóng của các toa tàu. Có lẽ, cần kiên nhẫn để đọc hết những câu chuyện trong tác phẩm này. Vài năm gần đây, văn học Nga trở lại, chủ yếu là tác phẩm kinh điển được tái bản.

Trong Tuyển truyện ngắn Nga chọn lọc thế kỷ XX-XXI – Ngữ pháp tình yêu (NXB Trẻ, 2018), một số tên tuổi các nhà văn Nga đương đại mới được giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Nổi bật nhất phải kể đến nữ nhà văn Svetlana Alexievich – tác giả được trao giải Nobel Văn chương 2015. Tác phẩm Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ của bà được chuyển ngữ sang tiếng Việt, lập tức hút khách. Chọn viết về chiến tranh với những góc nhìn táo bạo nhưng xác quyết về những sự thật khốc liệt, các tác phẩm của Svetlana Alexievich đều có sức lay động mãnh liệt. Lời nguyện cầu từ Chernobyl hay mới đây nhất làNhững nhân chứng cuối cùng (dịch giả Phan Xuân Loan, NXB Phụ Nữ) đều gây giật mình.

Sau khoản đứt đoạn hàng thập niên của văn học Nga ở Việt Nam, cuộc trở lại chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu, qua các tác phẩm riêng lẻ, rời rạc. Bạn đọc yêu chuộng văn học Nga cũng có thể tìm thấy các tác phẩm đã được chuyển ngữ, phát hành gần đây: Tuyển thơ của Sergey Esenin, tập truyện Con gái Ivan, mẹ Ivan (Valentin Rasputin), chuyên khảo Cơ sở lý thuyết đại cương (Andrey Venhediktovich Fedorov)… 

Hoàng Hạc/Phunuonline

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)