Qua lăng kính bài văn học (VH) sử, người học sẽ nhận diện đúng khuôn mặt văn chương; qua từng tác phẩm, giáo viên sẽ giúp học viên xâu chuỗi được linh hồn của từng dòng VH. Đó chính là hướng đi của tiết dạy chuyên đề vừa được Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức tại Trung tâm GDTX Q.1.
Giáo viên và học viên Trung tâm GDTX Q.1 cùng thực hiện chuyên đề |
Chuyên đề mang tên “Một số đặc trưng của văn xuôi lãng mạn 1930-1945” do cô Trần Thị Huê Vân thực hiện tại lớp 11A1.
Kết hợp hài hòa các phương pháp
So với bài dạy thuộc dạng tổng kết một giai đoạn VH thì tiết dạy chuyên đề này chỉ là một góc nhìn hẹp về một phân khúc trong VH sử. Tuy nhiên từ một góc nhìn khác, người học đã có một chỗ đứng mới để đánh giá và soi xét các tác phẩm VH đã được trích giảng ở cấp độ cao hơn.
Ở phần kiểm tra bài cũ, câu hỏi định danh bộ phận VH công khai – VH không công khai và xu hướng VH lãng mạn – VH hiện thực được giáo viên đưa ra không khó, phù hợp với đối tượng học viên GDTX vì giúp các em nắm chắc một lần nữa kiến thức cơ bản trong bộ khung tri thức bộ môn. Hai đứa trẻ (Thạch Lam) và Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) là 2 tác phẩm được giáo viên lựa chọn đều có lý do chính đáng vì đây là những văn bản tiêu biểu trong phân phối chương trình. Càng ấn tượng hơn khi 2 tác phẩm trên được giới thiệu bằng các kênh hình về bìa 2 cuốn sách, tác giả và một số bức tranh cùng vài đoạn phim minh họa rất sinh động. Bằng phương pháp diễn dịch, giáo viên đã đưa ra 3 đặc trưng của văn xuôi lãng mạn để soi chiếu vào 2 tác phẩm của Thạch Lam và Nguyễn Tuân. Mặc dù sử dụng chủ yếu bằng công cụ máy chiếu Projector nhưng giáo viên vẫn trình bày một góc bảng theo cách dạy truyền thống để mở ra nhiều cánh cửa đi vào bài dạy. Các phương pháp dạy học đã được kết hợp chủ động và nhuần nhuyễn.
Tiết học thật sự sôi động khi giáo viên đưa ra nhiều câu hỏi để sử dụng phương pháp đàm thoại, thảo luận nhóm và vài game show nhỏ. Dù cách thể hiện khác nhau nhưng các em đều trả lời được thành tựu rực rỡ của văn xuôi lãng mạn trên bình diện nội dung và nghệ thuật. Trong đó đặc trưng: “Văn xuôi được viết bởi cảm hứng lãng mạn, nhà văn thường viết về những cái phi thường, biệt lệ” được tô đậm nhất. Điều này phù hợp logic khi giáo viên đánh giá sang giá trị nghệ thuật của bộ phận VH công khai này.
Bài học cho ngày hôm sau
Có thể hơi quá sức đối với học viên khi giáo viên nêu bật thủ pháp tương phản (về cảnh và nhân vật) nhưng đây chính là phần không gian mở để người học thẩm định tốt hơn giá trị cứng của nội dung tác phẩm. Thực tế cho thấy, không chỉ học viên mà ngay cả giáo viên khi đề cập đến văn bản thường chỉ chú ý nhiều về giá trị nội dung mà bỏ quên phần giá trị nghệ thuật. Cũng có khi được đề cập đến nhưng do còn “non tay” nên giáo viên mổ xẻ không tới đã vô tình làm giảm đi chất lượng văn bản một cách vô ý.
Khéo léo nhờ biểu đồ chia cột, giáo viên đã hệ thống hóa kiến thức cho học viên một cách khoa học và sinh động hơn. Cách làm này giúp các em không cần ghi chép nhiều mà vẫn lưu lại kiến thức trong trí não. Đó cũng là “chiến thuật” mà giáo viên đã vận dụng tiếp vào phần cuối để so sánh phong cách nghệ thuật của 2 nhà văn giàu cảm hứng lãng mạn. Tuy không nhắc lại ở phần củng cố nhưng suốt chuyên đề, dòng VH lãng mạn luôn được “soi bóng” song song với dòng VH hiện thực để làm rõ hơn nét khu biệt với nhau.
Ông Phạm Chí Dũng (chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM) đánh giá: “Chuyên đề đã đạt được mục tiêu cần thiết về kiến thức cho đối tượng học viên thông qua bài dạy mang tính hệ thống hóa kiến thức. Thông qua đó rèn luyện thêm kỹ năng nhận diện, phân tích được những tác phẩm thuộc trào lưu VH lãng mạn”. Cũng theo ông Dũng, từ việc cảm thụ vẻ đẹp của tác phẩm VH lãng mạn, chuyên đề đã bồi đắp thêm những cảm xúc trước cái đẹp, trước những giá trị nhân văn. Đây không chỉ là bài học cho học viên mà chính là bài học cho các thầy cô tham gia dự chuyên đề nhằm chuẩn bị cho bài dạy hôm sau được tốt hơn.
Bài, ảnh: Ngọc Quang
Bình luận (0)