Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vẫn khó mua hàng bình ổn giá

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tình trạng người tiêu dùng phải đi lại nhiều lần, chờ đợi để mua hàng bình ổn giá tái diễn.

Hơn 9 giờ ngày 4-1, tại quầy gạo của Co.opMart Lý Thường Kiệt – TPHCM, 3 vị khách đứng tuổi chia nhau tìm gạo bình ổn giá. Tìm mãi không thấy, gọi nhân viên siêu thị lại hỏi thì được trả lời là đã hết hàng.


Khách mua hàng bình ổn giá tại FoocoMart- TPHCM. Ảnh: Hồng Thúy

Vẫn là nạn… gom hàng
Sang đến khu vực bán đường, chúng tôi nhận thấy chất đầy trên kệ là đường Biên Hòa (giá 22.500 đồng/kg), còn 4 loại đường bình ổn giá là Thành Thành Công, TPCN, RS Sóc Trăng, Bourbon Mimosa giá 18.000 đồng/kg thì không thấy đâu. Hỏi nhân viên bán hàng, được biết đã hết hàng từ chiều 3-1, không biết bao giờ có hàng lại vì… tùy phân bổ. Tương tự là mặt hàng dầu ăn. Trên kệ đầy những bình dầu ăn không nằm trong danh sách bình ổn giá, còn dầu bình ổn thì không thấy đâu. Một khách hàng phàn nàn: “Tôi vô đây 4 lần rồi, không lần nào thấy bịch đường, chai dầu ăn bình ổn giá nào chứ đừng nói là mua”. Đến một số siêu thị Co.opMart khác, tình trạng cũng diễn ra tương tự. 
Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết do trong mấy ngày lễ, sức mua tăng cao cộng thêm các siêu thị đang kiểm kê cuối năm nên xảy ra hiện tượng thiếu hụt cục bộ đối với một số mặt hàng bình ổn giá. Ngoài ra, các mặt hàng đường, dầu ăn, gạo bình ổn tại siêu thị có giá thấp hơn nhiều so với giá hàng cùng loại không bán bình ổn (giá đường bình ổn 18.000 đồng/kg, dầu ăn bình ổn 24.500 đồng – 25.500 đồng/kg, trong khi giá đường trên thị trường từ 24.000 đồng – 25.000 đồng/kg, dầu ăn thấp nhất 34.000 đồng/lít) nên hễ siêu thị đưa hàng ra kệ là khách mua hết.
Đó là chưa kể một số người đến siêu thị gom hàng bình ổn giá để mang ra thị trường bán lại, lấy lời. Bình quân, mỗi ngày các siêu thị Co.opMart, cửa hàng Co.op, Co.opFood tại TPHCM bán không dưới 50 tấn đường, trong khi chỉ tiêu TPHCM giao cho Saigon Co.op là 300 tấn đường/tháng. Mặt hàng dầu ăn Saigon Co.op được giao bán trên 4.000 tấn (đến hết tháng 3-2011) nhưng đến nay, hệ thống đã bán ra vượt con số đó.
Thế nhưng, có những địa chỉ bán hàng bình ổn giá lại ít thu hút khách hàng. Tại siêu thị Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn), hệ thống cửa hàng FoocoMart…, đường, dầu ăn vẫn có trên kệ nhưng hầu như vắng khách mua.
Dò tìm địa chỉ bán hàng
Hiện tượng khách hàng tập trung vào một số địa chỉ để mua hàng bình ổn một phần là do tiện lợi vì có thể kết hợp mua sắm nhiều thứ, nhưng quan trọng là tại siêu thị có bán đủ 8 mặt hàng bình ổn giá. Đa số các điểm bán hàng bình ổn giá hiện tại chỉ bán một vài mặt hàng của đơn vị tham gia chương trình, giá chênh lệch không cao so với giá thị trường nên chưa thu hút được sự chú ý của người dân.
TPHCM hiện có trên 2.000 điểm bán hàng bình ổn giá nhưng chủ yếu các doanh nghiệp tham gia chương trình tự tổ chức phân phối theo các kênh đại lý. Các điểm bán này có mặt ở nhiều nơi, người tiêu dùng muốn mua hàng không cách nào khác là phải dò tìm địa chỉ để đến mua. Theo quy định, các điểm bán hàng này phải treo băng rôn, bảng hiệu bán hàng bình ổn giá nhưng thực tế, không phải cửa hàng nào cũng treo.
Chị Thanh Vy, nhà ở đường Dương Bá Trạc, quận 8, bức xúc: “Tôi đọc báo thấy đường bình ổn có giá rẻ nhưng tìm khắp khu vực gần nhà vẫn không thấy. Đến siêu thị mua thì lần nào cũng nghe nhân viên nói hết hàng rồi, không biết chừng nào có… nên tôi đành mua ở chợ gần nhà, đường Thành Thành Công 24.500 đồng/kg, dầu ăn 39.500 đồng/kg”.
Theo thông báo của Sở Công Thương TPHCM, để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận hàng bình ổn giá, danh sách điểm bán hàng bình ổn giá luôn được cập nhật liên tục trên website của sở (vì các doanh nghiệp bán hàng bình ổn có điều chỉnh danh sách điểm bán đều báo về sở) để người dân tiện theo dõi, mua sắm. Thế nhưng, chúng tôi nhiều lần truy cập website này nhưng không thể tìm được danh sách.
Theo các chuyên gia kinh tế, số lượng điểm bán hàng bình ổn hiện tại khá nhiều nhưng không tập trung, theo kiểu mạnh ai nấy làm. TPHCM nên tập trung mở các điểm bán hàng bình ổn giá tại TPHCM có quy mô lớn tại các chợ, khu dân cư, bán đủ 8 mặt hàng bình ổn cho người dân tiện mua sắm. Khi các cửa hàng này hoạt động, bán hàng với giá rẻ hơn giá thị trường 10%, bảo đảm hàng hóa bình ổn dồi dào sẽ tạo lực hút kéo giá thị trường xuống. Có như vậy, hiệu quả của chương trình mới được nhân lên và người dân sẽ được thụ hưởng nhiều hơn từ chương trình.

 Tăng hàng bình ổn giá dịp Tết

Sáng 5-1, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã làm việc với ba đơn vị tham gia bán hàng bình ổn giá: Công ty Ba Huân, Công ty Vissan và Saigon Co.op.
Tại buổi làm việc, các đơn vị đều cam kết với lãnh đạo UBND TP là chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa bán bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán. Công ty Vissan chuẩn bị 58.000 con heo thịt phục vụ nhu cầu chế biến và cung cấp thịt tươi sống. Vissan có hệ thống phân phối với 292 điểm bán bình ổn giá tại các chợ truyền thống và hệ thống siêu thị.
Công ty Ba Huân chuẩn bị trên 15 triệu quả trứng và mở rộng 900 điểm bán bình ổn giá tại các chợ và siêu thị. Cũng trong dịp này, Saigon Co.op đã tạm ứng 200 tỉ đồng cho các đơn vị cung cấp hàng hóa cho Saigon Co.op để bảo đảm lượng hàng đủ phục vụ Tết với giá bình ổn.

Thanh Nhân / NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)