Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vẫn là bài toán gạo giá rẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 27.2 vừa qua, tại hội nghị “Bàn về sản xuất, tiêu thụ lúa và thuỷ sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết tính đến ngày 26.2, Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu gạo đạt 3 triệu tấn (tính luôn lượng gạo tồn kho năm 2012).

Trong khi đó, số liệu thống kê của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy dự kiến đến hết tháng 2.2013, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trên 68% về khối lượng nhưng giá xuất khẩu gạo bình quân chỉ đạt 457 USD/tấn, giảm trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá gạo rẻ: vì sao nên nỗi?
Bất chấp chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng (20.2 đến 31.3) đang có hiệu lực, giá gạo dường như vẫn chưa mang về “lợi ích khác biệt” cho người trồng lúa nếu so với những năm trước đây. Thậm chí, ông Dương Nghĩa Quốc, giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Tháp còn nhận định nếu tình hình mua bán gạo khó khăn vẫn tiếp diễn như hiện nay thì rất khó bảo đảm để nông dân có lãi tối thiểu 30% như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hồi năm ngoái.
Bàn về gạo giá rẻ, không thể không nhắc đến ít nhất bốn thực trạng đang tồn tại hiện nay từ khâu cơ chế đến khâu triển khai, giám sát hoạt động tạm trữ, mua bán và xuất khẩu lúa gạo.
Nếu tình hình mua bán gạo khó khăn vẫn tiếp diễn như hiện nay thì rất khó bảo đảm để nông dân có lãi tối thiểu 30% như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hồi năm ngoái. 
Thứ nhất, việc mua tạm trữ chỉ dừng ở chính sách trong khi thực thế triển khai còn nhiều bất cập. Trong khi thị trường tiêu thụ trong khoảng hai tháng đầu năm 2013 là tương đối rộng với các đối tác truyền thống như Trung Quốc, Philippines, châu Phi… thì việc triển khai mua tạm trữ vẫn chạy ì ạch, không đáp ứng nhu cầu đầu ra của người nông dân, khiến lượng cung gạo từ đồng ruộng trở nên dư thừa. Nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp mua tạm trữ không mặn mà là do chính sách ưu đãi vay vốn ngân hàng của Nhà nước gặp vấn đề trong khâu giải ngân. Áp lực của nền tài chính “nợ xấu” năm 2012 khiến các ngân hàng còn e dè trong việc triển khai cho vay nhằm phục vụ kế hoạch tạm trữ lúa gạo.
Thứ hai, việc ký hợp đồng bán gạo của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang gặp vấn đề lớn trong khâu định giá. Cụ thể, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ký hợp đồng bán gạo dưới mức giá sàn theo quy định Nhà nước, kéo giá gạo nội địa xuống thấp. Điển hình như gạo 25% tấm thời gian qua chỉ từ 345 – 360 USD/tấn trong khi quy định giá gạo loại 35% tấm đã là 370 USD/tấn. Nhìn vào con số dự báo 3 triệu tấn trong các hợp đồng đã ký trong hai tháng đầu năm, dễ nhận thấy sự “bất logic” trong quy luật cung – cầu khi lượng cầu gạo ở thị trường thế giới tăng mạnh còn giá bán lại rẻ như cho. Đây là hệ quả của cơ chế “ký hợp đồng trước, giao gạo sau” mà thiếu vắng sự điều chỉnh của Nhà nước trong việc thực hiện giá sàn xuất khẩu. Các doanh nghiệp lỡ ký các hợp đồng giá rẻ dường như đang lâm vào “thế đã rồi”, nên chỉ còn cách đợi nông dân bán rẻ nhằm “xả kho” cho vụ mùa mới.
Thứ ba, việc bán gạo hiện nay của Việt Nam dường như vẫn còn theo kiểu “ăn theo thuở, ở theo thời”. Nếu cách đây vài mươi năm, việc tạm trữ gạo chờ giá tăng là rất khó khi các yếu tố hạ tầng, kho chứa… chưa đảm bảo thì hiện nay, các yếu tố này nhất thiết phải được hoàn thiện. Quy luật thị trường nhiều năm qua cho thấy, vụ Đông Xuân tại Việt Nam sẽ cung ứng một lượng gạo lớn về lượng lẫn về chất, nếu việc tạm trữ gạo và việc ký hợp đồng bán gạo không đồng nhất, thì thực trạng “được mùa mất giá” vẫn cứ “lối cũ ta về”. Hiện nay, tuy Nhà nước có chương trình tạm trữ 1 triệu tấn nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn bán gạo theo mùa vụ. Bên cạnh đó, các yếu tố kỹ thuật đáp ứng việc tạm trữ hiện nay vẫn dừng ở quy mô nhỏ, không đáp ứng nhu cầu trữ gạo chờ giá của người nông dân.
Thứ tư, thị trường xuất khẩu gạo hiện nay đang gặp không ít khó khăn khi các đối thủ Thái Lan, Ấn Độ cùng lúc tung ra thị trường lượng gạo lớn. Dù giá gạo hiện nay được xem là thấp hơn so với kỳ vọng cũng như giá gạo cùng kỳ năm ngoái, nhưng ông Dương Nghĩa Quốc, giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Tháp lại cho rằng “giá gạo bán hiện nay hợp lý so với giá quốc tế” khi các “đại gia ngành gạo” như Ấn Độ, Pakistan và Myanmar luôn xuất khẩu với mức giá có tính cạnh tranh cao. Điều này cho thấy sự thiếu liên kết giữa các quốc gia trong việc thoả thuận phân khúc thị trường và giá cả xuất khẩu gạo khiến việc cạnh tranh trở thành yếu tố “lợi bất cập hại”.
Để ổn định thương mại lúa gạo
Trước những khó khăn đang tồn tại, Nhà nước cần chú trọng triển khai các biện pháp cơ bản nhất nhằm đảm bảo thương mại lúa gạo ổn định trước mắt và lâu dài.
Trước hết, Chính phủ nên có biện pháp “bảo lãnh” cho các doanh nghiệp đầu ngành trong công tác tạm trữ lúa gạo nhằm đảm bảo việc giải ngân nguồn vốn kịp thời cho chương trình tạm trữ.
Thứ hai, nhất thiết cần có một cơ chế mang tính quy chuẩn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo trong việc ký kết các hợp đồng bán gạo cho các đối tác nước ngoài với việc đảm bảo yếu tố giá sàn làm trung tâm, tránh trường hợp “doanh nghiệp… dại, nông dân trồng lúa phải… mang”.
Để đảm bảo cho việc bán gạo “đúng thời, được giá”, Nhà nước cần xây dựng chiến lược mua bán và xuất khẩu gạo, trong đó lấy hai yếu tố làm trung tâm: i) hạ tầng đảm bảo cho chính sách trữ gạo; ii) thể chế hoá công tác hợp đồng mua bán gạo của các doanh nghiệp nhằm hạn chế việc “bán gạo theo mùa”.
Cuối cùng, Chính phủ nhất thiết phải chủ động trong việc xây dựng các mối quan hệ mang tính chất “liên minh” hay “hiệp hội” ngành gạo với các quốc gia lớn như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ nhằm đàm phán để đi đến việc chia sẻ thị trường, giá gạo trong chuỗi cung ứng gạo cho thế giới nhằm tạo “OPEC lúa gạo” để có thể nâng cao giá trị hạt gạo.
Đỗ Thiện
SGTT.VN 

Bình luận (0)