Chưa nói đến mong muốn đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai tại VN, thực tế cho thấy để dạy tiếng Anh như môn ngoại ngữ bắt buộc theo mục tiêu mà Đề án 2020 đặt ra vẫn còn rất xa vời.
Hiện chỉ có 20% HS từ lớp 3 được học chương trình tiếng Anh 10 năm trong khi mục tiêu đến năm 2020 phải đạt 100% ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Chậm quá xa so với mục tiêu
Trọng tâm trong giai đoạn 2016 – 2020 của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020 (Đề án 2020) là triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm trên quy mô cả nước (bắt đầu từ học sinh (HS) lớp 3) và dạy học ngoại ngữ tăng cường đối với tất cả các trường dạy nghề, TCCN, CĐ và ĐH. Dự kiến kinh phí để thực hiện dự án giai đoạn này cũng chiếm nhiều nhất trong tất cả các giai đoạn, với tổng số tiền 4.300 tỉ đồng/9.378 tỉ đồng của toàn bộ đề án.
Tuy nhiên, đến năm 2016 cả nước mới có 1.617.022 HS lớp 3, 4, 5 trên tổng số 7.784.685 được học tiếng Anh 4 tiết/tuần. Còn lại chủ yếu mới chỉ học dưới dạng “làm quen” với tiếng Anh, thời lượng 2 tiết/tuần.
Như vậy, so với mục tiêu đến năm 2020 phải có 100% HS lớp 3 được học chương trình tiếng Anh 10 năm vẫn còn quá xa vời, khi mà thời điểm năm 2016 mới có khoảng hơn 20% HS khối lớp này được học chương trình tiếng Anh 10 năm.
Khó khăn lớn nhất là vấn đề đội ngũ giáo viên (GV). Thống kê của Bộ GD-ĐT ở bậc trung học, cả hai cấp THCS và THPT, đến hết năm học vừa qua mới có 33,14% GV đạt chuẩn, trong đó THPT mới có 26,12%.
Đến hết năm 2015 có gần 49% GV tiếng Anh tiểu học cả nước đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của VN. Với hơn 51% GV chưa đạt chuẩn còn lại, Bộ cũng thừa nhận “sẽ mất nhiều thời gian và ngân sách để tiếp tục bồi dưỡng đạt chuẩn và HS sẽ phải tiếp tục chờ GV đạt chuẩn để học theo đúng thời lượng 4 tiết/tuần mà đề án đặt ra.
Để đủ số lượng GV cho việc thực hiện dạy 4 tiết/tuần vào năm học 2018 theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới và theo lộ trình của Đề án ngoại ngữ 2020, bậc tiểu học sẽ cần thêm nhiều GV nữa, đặc biệt ở khu vực khó khăn. Với số lượng hơn 21.000 GV đạt chuẩn như hiện nay, tỷ lệ khoảng 0,1 – 0,2 GV/lớp thì mỗi GV phải dạy từ 5 – 10 lớp, tương đương 20 – 40 tiết/tuần. Trong khi đó, quy định mỗi GV tiểu học dạy 23 tiết và với GV ngoại ngữ khi thực hiện chương trình tiếng Anh tiểu học những năm đầu chỉ dạy 18 tiết/tuần.
Một số nơi ì ạch trong thực hiện đề án. Ví dụ: Cao Bằng hiện có 275 trường nhưng chỉ có 86 GV tiếng Anh, chưa đáp ứng đến 30% số lượng GV cần để đáp ứng việc học ngoại ngữ đủ 4 tiết/tuần. Một loạt tỉnh lâm vào tình trạng tương tự như: Hậu Giang, Bạc Liêu, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Bắc Kạn…
Với những quy định về biên chế GV hiện nay, việc làm sao để có đủ GV dạy ngoại ngữ là một bài toán khó đang kéo chậm lại quá trình triển khai dạy học ngoại ngữ.
Theo các chuyên gia nước ngoài về tiếng Anh, kinh nghiệm từ các nước trong việc nâng cao trình độ tiếng Anh cho người dân thì trình độ GV là vấn đề cốt lõi. Nhiều nước đã thất bại với những đề án tương tự VN cũng vì không giải được bài toán trình độ, năng lực của GV.
Cần thực tế hơn
Tiến sĩ Dennis Berg, người đã có hơn 20 năm làm cố vấn giáo dục tại VN, từng nói với Thanh Niên: “Những người đưa ra Đề án 2020 đặt mục tiêu hoàn tất trong 8 năm, trong khi các nước khác ở khu vực như Malaysia hay Singapore phải mất hàng thập niên”.
Trao đổi với báo chí mới đây, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, cũng nhìn nhận: "Điều dở nhất của Đề án 2020 là mục tiêu quá lớn, quá tham vọng lại thực hiện trong thời gian rất ngắn. Nhưng điều đó vẫn không tệ bằng việc triển khai đồng bộ trên cả nước với 63 tỉnh thành, không xem xét đến việc điều kiện các địa phương rất khác nhau".
Đồng quan điểm về việc cần phải thực tế hơn để có thể xây dựng những mục tiêu phù hợp, tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ HN, cho rằng việc chuẩn hóa GV là cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, việc áp dụng chuẩn cần một lộ trình phù hợp, dựa trên việc xem xét những năng lực thiết yếu cho hoạt động giảng dạy, điều kiện thực tế về trình độ mặt bằng chung của GV và về những nguồn lực, yếu tố bên ngoài người dạy hiện có. Như vậy, các chuẩn đưa ra mới mang tính khả thi, thực tế, giúp tạo ra động lực cho người dạy học và tự học để nâng cao năng lực của mình, tránh tạo ra sức ép quá lớn lên người dạy gây tâm lý chán nản, buông xuôi.
Bà Cao Phương Hà, Giám đốc EF Education First VN, cho rằng nếu không ràng buộc bởi biên chế, định mức GV thì hiệu trưởng có quyền tuyển đội ngũ GV đạt chuẩn về năng lực làm việc theo dạng hợp đồng.
Tại hội thảo về “Định hướng chiến lược dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016 – 2020” do Bộ GD-ĐT tổ chức vào tháng 6 vừa qua, ông Trần Xuân Thảo (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) cho rằng phải tăng cường xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực khắc phục tình trạng thiếu GV. Có thể cho phép HS chọn học ngoại ngữ ở ngoài trường trên cơ sở tự nguyện, miễn là đáp ứng được yêu cầu về đầu ra.
Đầu năm học 2016 – 2017, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành hội nghị tổng kết giai đoạn đầu thực hiện đề án để đưa ra lộ trình, mục tiêu phù hợp trong thời gian tới.
Thay lãnh đạo Đề án 2020
Bộ GD-ĐT vừa công bố quyết định về bổ nhiệm, thôi giữ chức nhiều nhân sự quản lý của Đề án 2020. Cụ thể, quyết định PGS-TS Nguyễn Sỹ Thư thôi giữ chức vụ Trưởng ban Quản lý đề án, điều động đến công tác tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM kể từ ngày 1.8.2016. Kết thúc thời gian công tác biệt phái của ông Phí Đức Nam, Phó trưởng ban Quản lý đề án, chuyển công tác về Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em. Tiếp nhận biệt phái và bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Phó giám đốc Trung tâm khảo thí Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, giữ chức vụ Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý đề án.
|
Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)