Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Văn miếu Trấn Biên

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi lập nên dinh Trấn Biên, Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) – vị chúa Nguyễn thứ sáu – đã cho xây dựng Văn miếu Trấn Biên vào năm Ất Mùi (1715). Đây là văn miếu đầu tiên được xây dựng tại xứ Đàng Trong, trước cả văn miếu ở Vĩnh Long, Gia Định và Huế.

Nhà Đại Bái thấp thoáng sau hồ Tịnh Quang.

Ngày nay Văn miếu Trấn Biên tọa lạc tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, gần Trung tâm văn hóa-du lịch Bửu Long và cách trung tâm thành phố khoảng 3 km. Kiến trúc của Văn miếu Trấn Biên mô phỏng theo Văn miếu – Quốc Tử giám ở Hà Nội, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài của nhân dân nước Việt. Di tích này còn là nơi có phong thuỷ tốt, được mô tả trong sách Đại Nam nhất thống chí là “Phía nam trông ra sông Phước Giang, phía bắc dựa vào núi Long Sơn, là một nơi cảnh đẹp thanh tú, cỏ cây tươi tốt…”.

Khuê văn các.

Năm 1861 khi tiến chiếm Biên Hòa, quân Pháp đã đốt phá Văn miếu Trấn Biên, san phẳng, không còn lại dấu tích. Người đời nay chỉ hình dung Văn miếu Trấn Biên xưa qua sử sách. Năm 1998, tỉnh Đồng Nai đã cho xây dựng lại Văn miếu Trấn Biên hoàn toàn mới, có kiến trúc là những vòm mái cong, lợp ngói lưu ly màu xanh ngọc bằng gốm tráng men.

Từ cổng vào là nhà bia, Khuê Văn các, hồ Tịnh Quang, tam quan, nhà bia thứ hai và nhà thờ chính. Văn miếu Trấn Biên có các hạng mục công trình như Văn Miếu môn, nhà bia, Khuê Văn các, Thiên Quang Tỉnh, Đại Thành môn, nhà bia Khổng Tử, sân Đại bái, nhà Đại bái (Nhà thờ chính), Văn Vật khố, nhà Thư khố.

Văn Miếu môn là cổng ra vào của Văn miếu, nơi chào đón quan khách. Nhà bia có mái che, ngay chính giữa là bia đá với chất liệu là đá granit Bửu Long, bia truyền thống khắc bài văn khái quát về truyền thống văn hóa, giáo dục của Biên Hòa xưa và nay. Bia tiến sĩ được khắc bằng đá xanh với câu nói nổi tiếng của Thân Nhân Trung: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia".

Khuê Văn các được xem là công trình chủ đạo trong khu vực văn miếu. Khuê Văn các ngày xưa là nơi các bậc hiền tài, những tao nhân mặc khách gảy đàn, ngâm thơ, ngắm trăng, đàm luận chuyện văn chương, thời cuộc. Thiên Quang Tỉnh là hồ nước lớn nằm giữa Khuê Văn các và Đại Thành môn. Hồ có hình chữ nhật, chung quanh được ốp bằng đá Bửu Long. Đại Thành môn nằm trên trục thần đạo, là cửa chính để vào khu thờ phụng, tế lễ của văn miếu. Bên phải và bên trái Đại Thành môn là Kim Thành môn và Ngọc Chấn môn. Nhà bia Khổng Tử có 4 mái, 2 cột, được đặt ở vị trí trang trọng, trước sân Đại bái, nằm trên trục thần đạo.

Nhà bia Văn miếu.

Sân Đại bái là nơi diễn ra các buổi lễ quan trọng tại văn miếu Trấn Biên. Nhà Đại bái là công trình quan trọng nhất của quần thể kiến trúc Văn miếu Trấn Biên gồm có 3 gian, trên tường có biểu tượng trống đồng. Trong văn miếu, gian chính đặt bàn thờ đức Khổng Tử, bàn thờ Quốc tổ và Lịch Đại đế vương. Gian bên trái thờ các danh nhân Chu Văn An, Nguyễn Trãi và Lê Quý Ðôn. Gian bên phải thờ Võ Trường Toản, Ðặng Ðức Thuật và ba vị anh hào "Gia Ðịnh tam kiệt": Trịnh Hoài Ðức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Ðịnh. Kiến trúc của Văn Vật khố được mô phỏng theo kiến trúc nhà trưng bày sản phẩm của trường Bá nghệ Biên Hòa trước đây ở khu vực Tòa bố Biên Hòa.

Nhà truyền thống chủ yếu dùng để trưng bày và ghi danh những đơn vị, cá nhân đạt được các danh hiệu cấp nhà nước. Nhà Thư khố ở phía đối diện với Văn Vật khố, là nơi lưu giữ các công trình văn hóa – nghệ thuật, khoa học, giáo dục đã được thể hiện thành ấn phẩm (sách) về vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai.

Văn miếu Trấn Biên là nơi bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh các giá trị văn hóa – giáo dục từ xưa đến nay của Nam bộ nói riêng và của cả nước nói chung. Vùng đất Biên Hoà – Đồng Nai có bề dày lịch sử phát triển nhưng Văn miếu Trấn Biên là một di tích đáng để những con người Biên Hòa – Đồng Nai hôm nay rất đỗi tự hào. Hàng năm, có rất nhiều em học sinh thuộc các trường trong thành phố Biên Hoà cũng như khách thập phương vào văn miếu để đốt hương tưởng niệm, thăm viếng.

Đại Thành môn. Phía sau là bia Khổng Tử.

Nhân đây, xin nói thêm cho rõ một chi tiết lịch sử: Năm Ất Mùi (1715), chúa Nguyễn Phúc Chu sai trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn miếu Trấn Biên. Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), còn gọi là Chúa Minh (Minh vương), là vị chúa Nguyễn thứ sáu của xứ Đàng Trong, trị vì từ năm 1691 khi mới 16 tuổi. Do có nhiều công mở mang bờ cõi và được coi là vị chúa hiền và có tài nên về sau, nhà Nguyễn truy tôn miếu hiệu Hiển Tông.

Tuy nhiên, một số tài liệu chép rằng: Văn miếu Trấn Biên được xây dựng dưới thời vua Hiển Tông. Điều này gây hiểu nhầm là ‘vua Lê Hiển Tông’, nhưng vị vua này đến 1740 mới lên ngôi. Còn xứ Đàng Trong lúc ấy do chúa Nguyễn cai trị, nhưng về danh nghĩa, nước ta lúc ấy đang thuộc triều vua Lê Dụ Tông (1705-1728).

Bài và ảnh: Vy Vân

(TBKTSG Online)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)