Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Văn minh đô thị – một ước mơ của thành phố Hồ Chí Minh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Xây dựng một nếp sống văn minh đô thị không chỉ một năm, một vài năm, không đơn giản là đưa ra các chỉ tiêu, tiêu chí hoặc ban hành quyết định, chỉ thị hành chính là có ngay văn minh đô thị. Nó đòi hỏi cả một quá trình xây dựng tạo nên ý thức trong mỗi người, trình độ văn hóa có bậc thứ của một cộng đồng dân cư, thậm chí một vùng miền dân cư.

Đẩy mạnh tuyên truyền – giáo dục 

Khi TPHCM có đời sống vật chất được nâng lên, nhân dân lại yêu cầu chất lượng sống phải được nâng theo tương ứng, nhất là môi trường. Những tồn tại như: con đường lầy lội, đống rác hôi thối, con kênh đen ngòm và tiếng ồn, khói nhà máy xen trong khu dân cư; tệ nạn ma túy, mại dâm và tội phạm trong các khu dân cư làm môi trường sống và văn minh trật tự xấu đi.

Lãnh đạo TPHCM trong nhiều năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế – xã hội, còn cố gắng vận động, hỗ trợ, giáo dục, rèn nắn để mọi người hướng tới cái hay, cái đẹp, nếp sống văn minh đô thị trong cuộc sống. Phong trào xanh – sạch – đẹp, phong trào mùa hè xanh, thanh niên tình nguyện được nâng lên mức mới: xây dựng khu phố văn hóa, môi trường xanh, cai nghiện ma túy và chọn chủ đề “Năm 2008, năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”.

Bước sang năm 2009, TPHCM tiếp tục thực hiện chủ đề này vì nhận thức sâu sắc việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị là việc làm lâu dài, thường xuyên, không phải một sớm một chiều mà xong được.

Ngay cả tên chủ đề “nếp sống văn minh” cho thấy là cả một hành trình dài và không phải là phong trào làm cho có, làm cho qua, mà làm phải thành “nếp”. Muốn thành nếp, có nề (nền) phải “gieo thói quen để nhận tính cách…” dài lâu, căn cơ và xuất phát từ nền tảng là giáo dục, nâng cao dân trí, ý thức công dân.

Xác định như vậy để chúng ta nhìn lại bước đầu, năm đầu thực hiện nếp sống văn minh đô thị tại TPHCM và gợi ý giải pháp cho nhiều năm tiếp theo của chủ đề này, chủ đề mang tính vận động nhân dân sâu sắc.

Theo chúng tôi, điểm đầu tiên cần thực hiện là tuyên truyền vận động ngay chính trong các cơ quan nhà nước, các sở, ngành, quận – huyện… Bởi vì cán bộ là nòng cốt, là người tạo dựng, đầu tàu cho mọi dự án, chương trình. Bản thân cán bộ công chức văn minh trong nếp sống thì nhân dân noi theo. Và nếu hơn 110.000 cán bộ công chức trong biên chế hành chánh sự nghiệp của TPHCM mà sống văn minh thì phong trào sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ. Người dân hàng ngày tiếp xúc với cơ quan công quyền văn minh thì tự họ thấy họ cần điều chỉnh lại cách sống, cách nghĩ, cách làm cho tương xứng.

Năm qua, Sở Tư pháp tổ chức tập huấn cho 437 cán bộ sở ngành, quận – huyện để kiểm tra xử lý vi phạm, tập huấn cho 2.559 cán bộ ở cơ sở để họ nâng cao nghiệp vụ, củng cố tổ chức lực lượng.

Trung tâm Thông tin Triển lãm và Trung tâm Văn hóa của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã mở 2 lớp, một lớp tập huấn cho 180 cán bộ văn hóa thông tin cơ sở.

Riêng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị cần những hoạt động có thực chất, tránh làm theo kiểu phong trào “đầu voi đuôi chuột”, “đánh trống bỏ dùi” thì có lẽ những năm 2009, 2010 TPHCM sẽ có sự chuyển biến thật sự.

Giải pháp cụ thể – chế tài nghiêm minh 

Điểm cần thiết là phải tăng cường xử phạt hành chính thật quyết liệt và nghiêm túc. Năm 2008, TP đã xử phạt về văn minh đô thị hơn 260.000 vụ, tiền phạt hơn 50 tỷ đồng; về trật tự giao thông đường bộ, thành phố xử phạt đến hơn 1,5 triệu trường hợp vi phạm, tăng hơn nửa triệu vụ so với năm ngoái, qua đó góp phần nâng cao ý thức giữ gìn trật tự an toàn giao thông trong năm, giảm tai nạn giao thông trên cả 3 mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương.

Từ kết quả trên cho thấy, khi đề ra dự án chương trình đúng cũng cần có cách làm đúng, vận động nhân dân thật hiệu quả thì thu được kết quả rõ rệt. Rõ ràng chủ trương đó là đúng, xuất phát là vì lo cho dân, lo sự an toàn về sức khỏe và tính mạng của nhân dân nên nhân dân đồng tình, ủng hộ nhưng phải đến khi có biện pháp thực hiện xử phạt tài chính nghiêm túc thì mới có kết quả.

Rút kinh nghiệm từ năm 2008, năm 2009 TPHCM tăng tốc thực hiện các giải pháp đã đề ra để giải quyết ô nhiễm môi trường, lập lại trật tự an toàn giao thông, văn minh trong ứng xử, giao tiếp nơi công cộng, giảm tệ nạn xã hội, thực sự cải cách hành chính, xây dựng phong cách làm việc, thái độ công chức cán bộ phục vụ nhân dân… thì đã thành công bước đầu.

Lãnh đạo TP lắng nghe dư luận xã hội, ý kiến quần chúng (thông qua báo đài, hội thảo), nếu thấy đúng thì khắc phục, sửa chữa ngay để tạo thêm uy tín và lòng tin đối với nhân dân. Chúng tôi thấy rằng nếu như Đảng và Nhà nước quyết tâm đeo đuổi một mục đích đúng và làm cho đến nơi đến chốn vì lợi ích chung của nhân dân thì đều thành công.

Quan trọng nữa là trong công tác cách tuyên truyền vận động cần làm cho dân hiểu, dân nhớ, cần sự giải thích, tuyên truyền đó, hình thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng để phù hợp với thành phần, đối tượng mình cần tuyên truyền. Cái gì dân biết, dân bàn, dân tham gia làm thường thành công và thành công tốt đẹp.

Vậy năm 2009, chúng ta tiếp tục xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Phải tập trung từ các cấp ủy, ủy ban, các ban ngành dốc lòng, dốc sức và chọn những việc bức xúc, cụ thể để làm ngay, làm có kết quả thì dân thấy có quyết tâm nên sẽ hưởng ứng. TP cần tiếp tục các chương trình xanh – sạch – đẹp ở công sở, trường học, lòng lề đường; lưu thông trên đường phố đúng luật; thanh tra nghiêm túc công tác xây dựng đô thị đúng quy hoạch; tạo nếp sống văn minh trong lời ăn tiếng nói và ứng xử trong cộng đồng…

Theo SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)