Cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị” do UBND TPHCM phát động từ đầu năm 2008 đến nay đã được các cơ quan, xí nghiệp, tổ chức xã hội và mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ vì tính thực tiễn cao. Hưởng ứng cuộc vận động này, các trường đại học hăng hái nhập cuộc với niềm tin sẽ là điểm đột phá, đi đầu trong việc tạo dựng nếp sống mới. Cuộc điều tra xã hội học về “thái độ của sinh viên đối với việc thực hiện nếp sống văn minh giảng đường” gần đây tại một trường đại học công lập trên địa bàn TPHCM, với 120 sinh viên về thái độ học tập, hành vi ứng xử nơi công cộng, cho thấy nhiều điều đáng suy ngẫm.
50% sinh viên chưa vứt rác đúng nơi quy định
Kết quả nghiên cứu cho thấy thái độ học tập và hành vi ứng xử trong không gian trường học của sinh viên đã thể hiện nét sống văn minh nhưng chưa đi vào nề nếp. Chỉ khoảng 10% số sinh viên gương mẫu trong học tập và ứng xử nơi công cộng, còn lại đa số đều vi phạm các chuẩn mực văn minh giảng đường với các mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Sinh viên ngồi uống cà phê gần cổng Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Ảnh: Việt Dũng
|
Cụ thể: trên 80% sinh viên đã từng nghỉ học không phép, đi học trễ, làm việc riêng, ăn uống trong giờ học; trên 50% sinh viên vứt rác không đúng nơi quy định; khoảng 20% sinh viên từng làm hư hỏng tài sản của nhà trường. Đặc biệt là có gần 10% sinh viên có hành vi vô lễ với cán bộ giảng viên trong trường và trên 5% sinh viên hút thuốc lá trong trường, say xỉn khi đến lớp. Điều đáng nói, có đến trên 10% sinh viên vi phạm ở mức thường xuyên và rất thường xuyên đối với các chuẩn mực “văn minh giảng đường” trong học tập.
Như vậy, trong khi cuộc vận động văn minh giảng đường chưa kịp bắt rễ vào tác phong của sinh viên, nó đã phải đối mặt với những thói xấu vi phạm các chuẩn mực văn minh, vốn đã ăn sâu vào ý thức của một số sinh viên.
Trách nhiệm của người thầy
Nguyên nhân chính của những hành vi lệch lạc đó dĩ nhiên nằm ở ý thức của sinh viên. Là những người có học thức, sống ở một TP phát triển nhất nước, được nhà trường phổ biến về cuộc vận động thực hiện “văn minh giảng đường” nên họ không thể đổ lỗi cho những vi phạm của bản thân bằng những lý do như không biết, không hiểu.
Hơn ai hết, sinh viên phải là người chịu trách nhiệm chính đối với những hành vi không đẹp của mình. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, giảng viên cũng có trách nhiệm khá lớn. Nhiều sinh viên (trên 30%) cho rằng việc họ không có hứng thú đến lớp, đi học muộn, nghỉ học, làm việc riêng trong giờ học… là do giảng viên dạy chán, khó hiểu. Một sinh viên nói rằng sở dĩ có hiện tượng “làm biếng đến lớp” là do giáo viên dạy môn đó nhàm chán, không thu hút… và những kiểu thuyết trình cũ rích “người nói cứ nói, ở dưới không chịu lắng nghe mà làm việc riêng” vẫn tồn tại.
Đối với hiện tượng sinh viên vô lễ với giảng viên và cán bộ nhân viên trong trường, sinh viên giải thích là do bất bình vì cách cư xử thiếu tế nhị của các thầy cô, do không kìm chế được bản thân. Như vậy, để tạo được môi trường giáo dục văn minh nơi học đường, ngoài việc nâng cao kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy, giảng viên cần tìm hiểu tâm lý sinh viên để có cách ứng xử phù hợp. Làm được điều đó sẽ tạo ra một môi trường học tập văn minh, thân thiện, ảnh hưởng tốt đến nhân cách sinh viên.
Vai trò của tổ chức Đoàn, Hội
Đoàn TNCS và Hội Sinh viên đã phát động phong trào văn minh giảng đường nhưng vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình, do cách làm áp đặt và hình thức. Mặc dù trên 90% sinh viên biết rõ nội dung cuộc vận động này nhưng số người thật sự tham gia chỉ chiếm 65% và chủ yếu do “ép buộc”.
Văn minh giảng đường không chỉ là đeo thẻ sinh viên khi đến lớp, mặc đồng phục, chào cờ đầu tuần, ký tên vào các bản cam kết thi đua, cũng không phải là việc bị “huy động” đến nghe các buổi thuyết giảng về lối sống văn minh. Điều đó cần nhưng chưa đủ. Đoàn, Hội phải hiểu rằng văn minh giảng đường không thể hình thành qua một vài phong trào “đầu voi đuôi chuột” với những lời hô khẩu hiệu suông, không gắn với thực tiễn. Văn minh giảng đường phải là sự lựa chọn tự nguyện lối sống đẹp ở từng cá nhân và hình thành trong suốt quá trình phát triển nhân cách của mỗi sinh viên.
Những phong trào mang tính áp đặt, thành tích, chiếu lệ sẽ thất bại và làm mất uy tín của các tổ chức Đoàn, Hội trong lòng sinh viên. Nghiên cứu trên cho thấy, mặc dù đã hơn 1 năm, cuộc vận động thực hiện văn minh giảng đường mới chỉ đi được những đoạn đường đầu tiên. Đa số sinh viên còn nhiều biểu hiện lệch lạc trong học tập và cung cách ứng xử nơi công cộng, thậm chí một bộ phận sinh viên đã hình thành thói quen xấu. Để cái mới chiến thắng, giảng viên và các tổ chức Đoàn, Hội phải là những người đi tiên phong trong mặt trận văn hóa này.
HÀ TRỌNG NGHĨA
(Giảng viên Xã hội học Trường ĐH Tôn Đức Thắng)
Bình luận (0)