Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Văn minh từ cái… gầm cầu

Tạp Chí Giáo Dục

“Đã từng được đi đó đây nhiều nơi nhưng mỗi lần trở lại Đà Nẵng tôi lại thấy thành phố ngày một thân thiện hơn. Nói không đâu xa, chỉ riêng những cái gầm cầu đã đủ thể hiện nét văn minh mà không phải thành phố nào cũng có được. Gần như rất nhiều chiếc cầu bắc ngang dòng sông Hàn thơ mộng đều được tận dụng không gian trở thành điểm vui chơi lành mạnh”. Cựu chiến binh Trần Xuân Trường cho biết!

Người dân tản bộ dưới gầm cầu Rồng vào buổi sáng

Từ sân chơi cho người dân

Nhiều du khách biết đến thành phố Đà Nẵng như một điểm đến hấp dẫn trên dải đất miền Trung với những chiếc cầu bắc ngang dòng sông Hàn hùng tráng. Và hẳn ai đã từng đặt chân đến đây một lần, sẽ nhận ra sự khác biệt đầy ấn tượng từ những cái… gầm cầu! Tầm 5 giờ sáng, không gian dưới những cây cầu bắc ngang dòng sông Hàn như cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý… tập trung rất đông những người dân đủ mọi lứa tuổi tập thể dục buổi sáng. Những câu chuyện thăm hỏi rôm rả giữa bầu không khí trong lành thật êm đềm. Không gian sinh hoạt ở những gầm cầu trải dọc theo dòng sông Hàn gần như diễn ra suốt cả ngày. Từ điểm tập thể dục buổi sáng, buổi chiều cho đến giờ tập thể dục nhịp điệu của các bạn sinh viên hay điểm vui chơi của con trẻ giờ tan trường với đa dạng các hoạt động như tô tượng, vẽ tranh, đạp xích lô… Bà Nguyễn Thị Trang, trú phường Hòa Cường (quận Hải Châu) vui vẻ cho biết: “Tui sống ở đây từ sau giải phóng. Hơn 40 năm qua, Đà Nẵng đã đổi thay rất đáng mừng, nhất là các không gian dành cho người dân thể dục, giải trí. Như gầm cầu Rồng này chẳng hạn, được bố trí xây dựng rất sạch và thoáng. Không chỉ sáng sớm, mà suốt cả ngày vẫn rất mát để có thể đi dạo và thư giãn”.

Đến điểm du lịch hút du khách

Trong số 6 cây cầu bắc ngang dòng sông Hàn, có đến 3 cây cầu được quy hoạch không gian gầm cầu trở thành không gian vui chơi, giải trí và ngắm cảnh. Trong chủ trương xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch trọng điểm trên dải đất miền Trung, không gian dọc bờ sông mà điểm nhấn là hai bên đầu các cây cầu nổi tiếng như cầu sông Hàn (cầu quay), cầy Rồng và cầu Trần Thị Lý trở thành điểm tham quan lý tưởng cho du khách với các không gian văn hóa đêm cuối tuần như nghệ thuật tuồng, bài chòi, lễ hội kèn hơi… “Tôi từng đi nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, đã qua nhiều cây cầu nổi tiếng như cầu Tràng Tiền, cầu Nhật Tân, nhưng hiếm có không gian gầm cầu nào lại ấn tượng như ở Đà Nẵng. Đó không phải gầm cầu mà là công viên!”, ông Leon Frever – du khách Pháp nói.

Đến Đà Nẵng, tham quan những không gian dưới hai đầu những cây cầu bắc ngang sông Hàn, du khách nhận ra rằng, không phải ở bất cứ đâu, hai từ gầm cầu cũng hàm ẩn những tệ nạn hút chích, thiếu lành mạnh. Nó hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn. Đà Nẵng đã chứng minh điều đó.

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng cho biết, để giữ gìn tuồng, trung tuần tháng 7-2015, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã chính thức đưa môn nghệ thuật tuồng xuống không gian đầu cầu sông Hàn để biểu diễn. Đây là điểm biểu diễn lý tưởng, bởi người dân và du khách đến đây không chỉ để thưởng thức nghệ thuật truyền thống mà sau kết thúc đêm diễn tuồng, họ còn có thể ngắm cảnh đêm, hoặc có thể xem cầu sông Hàn quay. Cách cầu sông Hàn không xa, cầu Rồng cũng vừa được chọn làm điểm biểu diễn nghệ thuật bài chòi hấp dẫn du khách cùng với việc phun nước, lửa vào đêm thứ bảy hàng tuần. Theo thống kê sơ bộ, lượng khách du lịch đến tham quan tại những điểm này mỗi đêm diễn lên đến hơn 500 lượt. 

Việc quy hoạch hai đầu những cây cầu nằm trong quy hoạch tổng thể chung đôi bờ sông Hàn. Trong chủ trương xây dựng những cây cầu, Đà Nẵng không chỉ chú trọng đầu tư hệ thống giao thông mà còn làm điểm nhấn thu hút du lịch với đa dạng các kiểu mẫu cầu rất đẹp mắt và độc đáo. Theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố của Thành ủy Đà Nẵng, với mục tiêu phấn đấu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại nêu rõ: Tiếp tục triển khai, nghiên cứu điều chỉnh hợp lý và tăng cường quản lý quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt quan tâm đến quy hoạch cảnh quan sông Hàn… Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tại buổi họp nghe các đơn vị báo cáo quy hoạch tổng thể đôi bờ sông Hàn cũng đã nhấn mạnh: “Đà Nẵng quyết tâm làm thế nào đó có một kế hoạch tổng thể phát triển khu vực ven sông Hàn thành một cốt lõi của kiến trúc thành phố không chỉ để cho bây giờ mà còn cho thế hệ mai sau. Đây là một trong những việc làm lớn, có kế hoạch lâu dài, đòi hỏi phải có sự nỗ lực không những huy động các nhà đầu tư, tìm kiếm ngân sách mà còn đòi hỏi có những giải pháp, chính sách quản lý rất phù hợp”.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên 

Bình luận (0)