Khi tỷ lệ trẻ suy dinh dường đang giảm dần thì trẻ thừa cân, béo phì ở các trường mầm non, tiểu học tại TPHCM đang tăng mạnh. Thời gian vận động ít, chế độ dinh dưỡng quá dư thừa… làm các em ngày càng ục ịch.
Theo điều tra của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, tỷ lệ béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi vào năm 1999 chỉ khoảng 2,2% thì sau 11 năm vào năm 2010 đã lên gần 11%, tăng hơn 5 lần. Cũng theo điều tra của Trung tâm này năm 2008 – 2009 về tình trạng dinh dưỡng ở học sinh (HS) tiểu học, trẻ suy dinh dưỡng chiếm 1,4%, trẻ thừa cân và béo phì lên đến 28,5%. Béo phì được báo động là căn bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất so với các bệnh về nhẹ cân, thấp còi ở trẻ em.
“Ngày nay trẻ em thích ngồi chơi game, lướt nét, xem ti vi hơn là chạy nhảy. Hơn nữa thời gian ngồi học quá nhiều nên các em bị hạn chế về vận động”, BS Diệp đánh giá
Nói về tác hại về bệnh béo phì, BS Diệp nhấn mạnh đến nguy cơ mắc bệnh mãn tính không lây khi lớn, tổn thương khớp xương, dễ mắc một số bệnh ung thư… Đặc biệt với các em HS sẽ bị tự ti có thể dẫn đến trầm cảm vì bạn bè trêu chọc, kỳ thị ảnh hưởng không tốt đến học tập, sinh hoạt.
Năng lượng quá thừa, “đói” vận động
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ mẫu giáo mỗi ngày cần 1.470 kcal nhưng thực tế không bị trẻ được “nhồi nhét” quá mức với khẩu phần ăn thiếu hợp lý. Tại nhiều trường trường mầm non, tiểu học bán trú, bữa ăn trưa chỉ có món ăn mặn toàn thịt cá cùng lèo tèo chén nước canh chứ không có rau.
Đồ ăn quá dư thừa trong khi các trò chơi vận động tại trường học còn hạn chế. Giáo viên (GV) mầm non thích các trò ngồi ngoan một chỗ. HS các cấp khác phải ngồi học trong lớp quá nhiều, 8 – 10 tiết học mỗi ngày, chưa kể đi học thêm ngoài giờ. Tình trạng thiếu sân chơi cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động vui chơi của HS.
“Giải pháp chống béo phì cần kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng và vận động. Nên tập cho trẻ ăn nhiều rau, trái cây, hạn chế các loại đồ ngọt, đồ ăn chất béo. Trẻ cần được vận động 60 phút mỗi ngày không chỉ qua các trò chơi vận động, thể dục mà còn bằng cách cho trẻ tham gia giúp việc ở trường lớp. Hạn chế cho trẻ ngồi xem ti vi, máy tính nhiều hơn 2 giờ/ngày” – BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, GĐ Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM
|
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, phó hiệu trưởng trường mẫu giáo Ánh Sáng (Q. Bình Thạnh), cho hay nhiều GV hiện nay vẫn còn hạn chế kiến thức về chống béo phì cho trẻ, các cô thương trò bị đói nên còn để trò ăn thoải mái. Cũng có tình trạng khi đồ ăn đã chia phần, tâm lý ngại dọn đồ ăn dư nên các cô thường yêu cầu trẻ ăn hết.
“Trẻ đã béo phì rất khó phanh vì các em ăn nhiều mà lại lười vận động hơn các bạn khác. Chúng tôi cũng nhắc nhở GV tạo điều kiện để các trẻ này tăng cường vận động như khuyến khích các em xếp bàn ghế, lấy đồ chơi…”, bà Hạnh nói.
Bà Lê Thị Hiếu, nhân viên y tế trường mầm non Tuổi Thơ 7 (Q.3), cho biết hiện trường có hơn 100 trẻ thừa cân và béo phì. Bà Hiếu đánh giá chế độ ăn của trẻ hiện nay chưa nghiêm ngặt, trường chưa có chế độ ăn riêng cho trẻ béo phì mà đơn giản chỉ mới thêm phần rau cho các em. Việc tư vấn cho phụ huynh quá nhiều khó khăn vì nếu chỉ ở trường “kiêng” cho các em cũng khó đạt kết quả vì về nhà bố mẹ lại cho ăn bù.
Bà Trương Ngọc Anh, tổ trường mầm non Phòng Giáo dục quận Bình Tân, cho biết để đạt được kế hoạch giảm 35 – 40% trẻ béo phì ở bậc mầm non rất gian nan. Nhiều trường đẩy mạnh phát triển các vườn rau, cho trẻ ăn thêm rau và sáng tạo thêm trò chơi vận động. Nhưng thực tế, diện tích sân chơi ở các trường hiện nay quá thiếu, đặc biệt các trường tư thục thì hầu như không có sân chơi.
Ngoài ra, khó khăn để giảm béo phì ở trẻ lại từ chính phụ huynh. Tâm lý phụ huynh đều thích thích con mình mũm mĩm, họ “tiếp” đồ ăn cho con liên tục trong ngày. Giờ ra chơi nhiều phụ huynh còn ghé trường ép con thêm hộp sữa, chiếc bánh, ly chè, đồ ăn mặn… Lúc đón con họ luôn có đồ ăn trong tay cho con dù trẻ vừa được ăn ở trường. “Phụ huynh chiều con quá, còn đòi ăn gì cũng mua ngay nên các trẻ cứ ăn theo sở thích”, bà Anh chia sẻ.
Theo Hoài Nam ( Dân trí)
Bình luận (0)