Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Vấn nạn phạt học sinh tại Trung Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Haohao (7 tuổi) xin thôi học tại trường Tiểu học Kaixuan, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vì thường bị giáo viên cấu, véo vào mặt và chân khi mắc lỗi.

Ông Zhang, bố của Haohao, cho rằng giáo viên của cậu bé bạo lực nên không muốn con tiếp tục theo học tại đây. Người bố giải thích không cực đoan đến mức phản đối hoàn toàn việc cô giáo xử phạt khi cậu bé mắc lỗi, thậm chí coi việc phạt đứng góc lớp là chấp nhận được.

Tuy nhiên, ngoài cấu và véo, giáo viên còn bắt cậu bé đứng ngoài hành lang cả buổi sáng khiến em không được học bài hôm đó và không biết bài tập về nhà. Haohao không thể hoàn thành bài tập và tiếp tục bị phạt vào hôm sau. "Cái vòng tròn luẩn quẩn đó lặp lại trong suốt năm học lớp 1 của thằng bé. Giáo viên thậm chí không thông báo việc phạt Haohao với gia đình", ông Zhang nói.

Phụ huynh này chia sẻ, điều khiến mình đau lòng nhất và quyết định chuyển trường cho Haohao là cô giáo yêu cầu các bạn trong lớp không chơi với cậu bé vì "Haohao là một học sinh hư". "Từng rất hoạt bát và hạnh phúc nhưng thằng bé dần trở nên khép kín và nhạy cảm. Những đứa trẻ khác muốn cha mẹ dành thời gian với chúng, nhưng tôi phải nài nỉ Haohao chơi cùng mình để giúp con cảm thấy tốt hơn", ông Zhang kể.

Ảnh: Shutterstock

Tại Trung Quốc, giáo viên bị cấm sử dụng những hình phạt gây ra vết thương hoặc xâm phạm thân thể, nhân phẩm học sinh. Tuy nhiên, việc phạt các em bằng cách cấu, véo… như cô giáo đã làm với Haohao vẫn tồn tại. Thậm chí trường Mầm non Jing Shi Tong Di (tỉnh Thiềm Tây) còn nghĩ ra cách phạt những bé ăn chậm bằng cách buộc phải ăn trong nhà vệ sinh. 

Có con gái đang học lớp 8 tại Thâm Quyến, Maggie Zeng cho biết vì sợ con bị phạt nên đã giúp con làm bài tập về nhà. Hình phạt của giáo viên là 80-100 lần động tác squat (giơ tay ra phía trước và đứng lên ngồi xuống). "Bây giờ thầy giáo đã sử dụng các biện pháp khác, như dọn dẹp lớp học hoặc bảng đen, điều đó tôi hoàn toàn ủng hộ", Zeng nói.

Cũng có phụ huynh như Jessica Liu, mẹ của một bé gái 9 tuổi đang học tại một trường ở Thượng Hải, chia sẻ mọi thứ bây giờ nhạy cảm hơn rất nhiều so với trước kia. "Khi tôi đi học, mỗi lớp học đều có một thanh tre gọi là thanh dạy học, giáo viên dùng để chỉ vào bảng hoặc đánh vào đầu học sinh khi mắc lỗi", cô Liu nói. Điều này nếu xảy ra bây giờ sẽ gây phẫn nộ "không thể tưởng tượng nổi".

Câu chuyện phạt học sinh thế nào làm dấy lên tranh luận liệu chính phủ Trung Quốc có nên ban hành bộ luật quy định những điều cấu thành hình phạt xâm phạm thân thể học sinh và cách thức giám sát giáo viên khi đưa ra hình phạt. Những quy định hiện có đều là các chỉ thị từ Sở và Phòng giáo dục địa phương.

Cuối tháng 9, các nhà lập pháp ở tỉnh Quảng Đông đang xem xét ban hành quy định hợp pháp hóa một số biện pháp mà giáo viên được phép phạt học sinh. Theo dự thảo, nếu học sinh ở các trường tiểu học và trung học tỉnh Quảng Đông có hành vi xô đẩy, ném vật cứng vào người khác, gây ồn ào hoặc phạm tội đạo văn có thể bị phạt đứng và chạy (với tốc độ chậm). Những hình phạt này phải tương thích với độ tuổi và sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh.

Trong một cuộc thăm dò trên mạng xã hội Weibo, hơn 2/3 trong số 28.000 người được hỏi cho biết không coi đứng hoặc chạy là những hình phạt xâm phạm thân thể. Ở tỉnh Tứ Xuyên, hơn 800 trong số 1.000 được khảo sát cho biết ủng hộ giáo viên phạt học sinh theo luật. Nhưng nhiều phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng bởi sự mơ hồ, không biết giáo viên được quyền đi xa thế nào.

Một lớp học ở Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock

Áp lực xã hội khiến Shen Hongxia, giáo viên tiểu học ở Hàng Châu, phía đông tỉnh Chiết Giang, cảm thấy việc trở thành giáo viên ở thởi điểm hiện tại "thật sự khó khăn và tạo ra một áp lực lớn". Shen thường cho học sinh phạm lỗi lựa chọn các hình phạt gồm chạy, lau sạch lớp học hoặc chép lại các từ tiếng Anh và chưa nhận được bất kỳ khiếu nại nào từ phía phụ huynh.

"Tôi luôn muốn học sinh hiểu tôi phạt vì quan tâm, muốn các em tốt lên. Nếu hoàn toàn thất vọng, tôi sẽ không nói một lời nào chứ đừng nói là phạt", Shen nói.

Việc cân bằng quyền lợi của giáo viên và học sinh là bài toán khó với nhà chức trách Trung Quốc khi hợp pháp hóa một số hình phạt. Trong một chỉ thị hồi tháng 7, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ra lệnh cho các quan chức địa phương thực hiện bộ quy tắc chi tiết để làm rõ các quyền của giáo viên trong việc thực hiện các hình phạt định hướng giáo dục.

"Có một sự đồng thuận rằng các giáo viên phải có hình thức kỷ luật đối với học sinh, nhưng làm thế nào thì vẫn là một câu hỏi khó", ông Xiong Bingqi, Phó giám đốc của Viện Nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21, nói.

Để giải quyết việc này, ông Xiong cho rằng chính quyền địa phương phải nhanh chóng cụ thể những hành vi nào của học sinh sẽ bị phạt, mức độ hình phạt và ai nên giám sát quá trình này. Nếu không thể làm rõ, việc này sẽ tiếp tục gây ra lo ngại cho cả phụ huynh và giáo viên. Cha mẹ lo lắng về việc giáo viên lạm dụng quyền lực của mình, trong khi giáo viên có thể nhắm mắt làm ngơ trước những học sinh vi phạm kỷ luật vì sợ bị buộc tội vi phạm quy tắc ứng xử.

Theo Thanh Hằng/Vnespress(TừSCMP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)