Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Văn nghệ giúp phát triển toàn diện

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết mục tham dự Liên hoan Chú ve con 2010 của HS Trường Mạc Đĩnh Chi

Thời gian này, ghé vào Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6), sẽ thấy lòng… chìm đắm trong không khí văn nghệ náo nhiệt của trường.
1. Tùng! Tùng! Tùng… Sau một hồi trống tan trường, hàng trăm học sinh túa ra từ các lớp học. Ai… về cứ về, ai có việc thì ở lại. Số học sinh ở lại giữa nắng trưa chang chang, cuối buổi chiều muộn màng không phải ít. Như một lời hẹn, khán phòng hội trường và văn phòng Đoàn trở thành điểm “tập kết” của những học sinh này. Tất cả chung một niềm háo hức, lòng nhiệt tình cho buổi tập văn nghệ, vì “Sắp tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường, cũng lại sắp tham dự Liên hoan Chú ve con nên chúng tôi phải cùng… tăng tốc!”, thầy Nguyễn Minh – Trưởng phòng Trợ lý thanh niên của trường cho biết.
Có thể nói, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi là một trong những đơn vị phát triển mạnh về phong trào văn nghệ. Khi mà bất cứ hoạt động nào của trường diễn ra, cũng đều có ít nhất một nhóm ca hay tiết mục biểu diễn văn nghệ. Không những vậy, hầu như cuộc thi nào của quận, sở tổ chức, trường cũng tham gia tích cực và đạt giải cao như: Giải nhất Liên hoan Chú ve con năm 2008-2009, giải tư năm 2009-2010 và giải khuyến khích năm 2010-2011, giải đặc biệt Hội thi Sử ca học đường, được Sở GD-ĐT TP.HCM mời trình diễn báo cáo…
Theo thầy Lương Tuấn Anh – Phó phòng Trợ lý thanh niên thì: “Chú trọng phát triển văn nghệ đã trở thành nét đặc trưng, truyền thống của nhà trường. Ngoài dành dụm nguồn kinh phí riêng, trường còn có hẳn một giáo viên chuyên môn, phụ trách toàn bộ hoạt động từ sáng tác đến dàn dựng các tiết mục”. Để có một lực lượng văn nghệ hùng mạnh, gần như năm nào trường cũng tổ chức thi, biểu diễn để từ đó tuyển chọn, bồi dưỡng và phát triển các em có năng khiếu ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, thầy Anh khẳng định, muốn cho phong trào phát triển mạnh thì không thể bỏ qua tiêu chí đánh vào đam mê, sở thích ca hát của mỗi thành viên. Chỉ có đam mê, các em mới có thể nhiệt tình tập luyện. Cũng vì đam mê, nên những buổi tập mệt nhoài, khô họng, “cát-sê” là… ly trà đá vẫn thấy thật vui. Và không thể kể hết xúc cảm rưng rưng, tự hào khi các tiết mục mang đi dự thi đều được ghi nhận bằng giải thưởng. Dù giá trị giải thưởng chỉ mang tính tinh thần…!”.
2. Thầy Minh cho rằng: “Sở dĩ trường chú trọng lĩnh vực văn nghệ vì đây là một trong những tiêu chí của giáo dục và phát triển toàn diện cho học sinh. Ngoài kiến thức, các em còn phải được “đầu tư” về thể chất, tinh thần”. Quán triệt quan điểm này nên trường mới thường xuyên tổ chức các cuộc thi có đề tài hướng về cội nguồn, như tái hiện nhân vật lịch sử, danh nhân… nhằm tạo sân chơi bổ ích cho các em, bên cạnh việc bồi dưỡng kiến thức.
Ngoài lực lượng học sinh, giáo viên cũng được xem là “nhân tố”, thành viên quan trọng của phong trào văn nghệ trường. Họ là những giáo viên bộ môn, như thầy Anh – giáo viên vật lý, cô Tuyền – phụ trách tin học hầu như buổi tập nào cũng đến tham gia với các em. Theo thầy Minh: “Là những giáo viên nghiêm nghị trên bục giảng, nhưng khi “xắn tay áo” tham gia văn nghệ, họ rũ bỏ chiếc áo người thầy để hòa mình cùng các em, cùng tập luyện một cách gần gũi, nhiệt tình, thân thiết. Qua đó xóa bỏ khoảng cách thầy – trò, nắm bắt tâm lý của các em, từ đó có phương pháp giảng dạy phù hợp”.
Cổ vũ và nhiệt tình tham gia hoạt động văn nghệ của nhà trường, em Nguyễn Thị Hồng Cẩm – học sinh lớp 12A9 cho biết: “Là thành viên Đội văn nghệ của trường, em cảm thấy tự hào vì nhận được sự quan tâm rất lớn của thầy cô, khi mà mỗi buổi tập luyện chúng em đều được động viên, chia sẻ những khó khăn của mình. Năm nay, được nằm trong Đội tuyển tham dự Liên hoan Chú ve con, em hứa sẽ cố gắng để không phụ lòng mọi người”. Cô Tuyền cho hay, trường mạnh về văn nghệ, không phải không có cái khó. Bởi vì không phải phụ huynh nào cũng ủng hộ con em mình tham gia phong trào. Điều đó bắt nguồn từ áp lực, suy nghĩ sợ con chểnh mảng chuyện học tập. Tuy nhiên, qua quá trình tham gia, phấn đấu, các em đã chứng minh được năng lực của mình cũng như cho thấy văn nghệ ảnh hưởng tích cực đến việc học nên phụ huynh cũng… mở lòng, bớt khắt khe hơn.
Ngân Du
Trường THPT Mạc Đĩnh Chi cũng là “lò” đào tạo ra nhiều ca sĩ nổi tiếng hiện nay như Trương Quỳnh Anh, Bảo Châu… đồng thời định hướng cho học sinh đi đúng con đường và phát huy năng khiếu của mình.
 

Bình luận (0)